![]() |
Việc giá USD liên tục tăng so với VND sẽ làm cho giá hàng hoá biến động |
Sau khi báo DĐDN có bài viết của tác giả Lê Duy Hiếu về việc khó có thể xảy ra lạm phát cao năm 2010, báo DĐDN đã nhận được phản hồi của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này.
Còn nhớ, ở thời điểm lạm phát phi mã năm 2008, mục tiêu được đặt ra là đưa lạm phát năm 2009 xuống dưới 15% và xuống một con số vào năm 2010. Như vậy, với việc giá tiêu dùng chỉ tăng 6,52% trong năm 2009, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống lạm phát trước một năm. Mặc dù vậy, với xu thế biến động mới của kinh tế và thị trường trong và ngoài nước, rất khó để chúng ta có thể “thừa thắng xốc tới” kiềm chế được lạm phát không quá 7% trong năm nay. Nhận định này dựa trên ba căn cứ chủ yếu.
Chi phí đẩy của giá nguyên liệu NK tăng
Với đặc thù nổi bật phụ thuộc rất nặng nề vào nguồn nguyên liệu NK, nền kinh tế đương nhiên không thể tránh khỏi những tác động mạnh mẽ của các cơn sốt nóng lạnh giá cả của thị trường thế giới.
Ba yếu tố chính khiến nguy cơ lạm phát cao trở nên hiện hữu là chi phí đẩy của giá nguyên liệu nhập khẩu; tác động kép của thị trường trong và ngoài nước và đặc biệt là yếu tố tăng đột biến của tỷ giá. Nếu chúng ta không thực sự kiềm chế được ba nguyên nhân này sẽ khiến VN có bước lùi |
Có thể khẳng định chắc chắn rằng, việc kim ngạch NK “co lại” chỉ còn khoảng 68,8 tỷ USD trong năm 2009 (giảm khoảng 14,7% so với năm 2008) trước hết bắt nguồn từ việc giá nguyên liệu thế giới “rơi” như nói trên. Bởi lẽ, với tỷ trọng chắc chắn không dưới 65% trong “rổ hàng hóa NK nói chung” của nước ta hiện nay, nhóm hàng nguyên liệu NK trong năm 2009 tính theo giá thực tế chỉ đạt khoảng 45 tỷ USD, nhưng nếu quy về giá năm 2008 thì nó sẽ “nở ra” khoảng 60 tỷ USD.
Do vậy, nếu giả định là có khoảng một nửa số nguyên liệu NK này được tái xuất thị trường thế giới trong cơ cấu của hàng hóa XK, thì đương nhiên 7,5 tỷ USD chúng ta được hưởng lợi do giá nguyên liệu NK “rơi tự do” như vậy phải có tác dụng “làm mát” thị trường trong nước.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tại sao quy mô “NK sốt lạnh giá cả thế giới” thông qua đầu vào của nền kinh tế lớn như vậy mà giá tiêu dùng trong nước năm 2009 vẫn tăng 6,52%, chỉ thấp hơn rất không đáng kể so với 6,6% của năm 2006, khi mà giá nguyên liệu thế giới tăng 20,7% so với năm 2005 trước đó ?
Có lẽ, câu trả lời chủ yếu không nằm ngoài những giải pháp của nhà quản lý. Điển hình nhất về mặt này chính là sự can thiệp của Nhà nước vào giá những mặt hàng nguyên liệu chủ yếu của nền kinh tế trong những năm sốt nóng giá cả nguyên liệu thế giới vừa qua không ngoài mục đích kiềm chế không để lạm phát tăng quá cao.
Thế nhưng, khi giá xăng dầu thế giới bắt đầu hạ nhiệt từ mức “đỉnh” này xuống tới mức đáy vào những tháng đầu năm 2009 vừa qua thì các giải pháp ngược lại đã lần lượt được áp dụng, và cuối cùng, khi gía dầu thế giới trong những tháng gần đây bắt đầu tăng trở lại, nhưng cũng chưa quá cao, giá xăng dầu trong nước mới được “thả nổi”.
Chính vì vậy, trong suốt thời gian giá dầu thế giới tăng mạnh từ năm 2004 đến tháng 7/2008, gía bán lẻ xăng dầu trong nước không tăng tương ứng, và ngược lại, trong gần một năm sau đó thì gía trong nước lại cao hơn giá thế giới.
Bên cạnh đó, cũng để kiềm chế lạm phát, giá không ít các nguyên liệu trong nước cũng chưa được “thả nổi” hoàn toàn theo giá thị trường. Điển hình về mặt này có lẽ là giá hai mặt hàng thuộc loại “đầu nguồn” của nền kinh tế là than và điện.
Trong điều kiện giá nguyên liệu thế giới trong năm nay sẽ tăng khoảng 16% như đã nói trên, và mặt khác, giá một số nguyên liệu trong nước lâu nay vẫn được kiềm chế bằng hành chính sẽ được “thả nổi” trong năm nay, hai yếu tố này tác động “cộng hưởng” lẫn nhau đẩy lạm phát tăng. Đây chính là sự khác biệt rất cơ bản giữa hai năm 2009 và 2010.
Tác động của thị trường trong và ngoài nước
Đối với thị trường ngoài nước, tuy theo lý thuyết thì không thể mạnh bằng lạm phát do chi phí đẩy, nhưng chắc chắn lạm phát do cầu kéo của thị trường này có thể cũng không hề thua kém.
Trước hết, có ba lý do sau đây để cho rằng, tác dụng của lạm phát do cầu kéo của thị trường này không mạnh bằng thị trường NK. Đó là, do “rổ hàng hoá XK” của nước ta nhỏ hơn rất nhiều so với “rổ hàng hoá NK”, cho nên tác dụng “khuếch đại” của giá thế giới đối với “rổ hàng hoá XK” đương nhiên sẽ nhỏ hơn đối với “rổ hàng hoá NK”. Thêm vào đó, do giá của nhóm hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới nói chung đều tăng mạnh hơn rất nhiều so với của nhóm hàng thành phẩm, và mặt khác, do nhóm hàng nguyên liệu (hàng thô và sơ chế) trong “rổ hàng hoá XK” của nước ta hiện chỉ còn dưới 50%, cho nên tác dụng “khuếch đại” của giá thế giới lại càng nhỏ hơn.
Thế nhưng, theo chiều ngược lại, cũng có hai lý do sau đây để cho rằng lạm phát do cầu kéo của thị trường XK sẽ mạnh lên.
Đó trước hết là, trong khi XK hàng hoá trong năm 2009 ước giảm 9,7%, kỷ lục cao nhất trong gần hai thập kỷ gần đây, tức là giảm 6,1 tỷ USD trong năm 2009, thì mục tiêu chúng ta hướng tới trong năm 2010 là tăng 6%, tương ứng với mức tăng 3,4 tỷ USD. Do vậy, thay vì tác dụng hạ nhiệt trong năm 2009, thị trường XK trong năm 2010 đương nhiên sẽ gia nhiệt thị trường trong nước.
Trong khi nguyên nhân thúc đẩy lạm phát tăng nói trên có thể lượng hóa được, thì một nguyên nhân khác thúc đẩy lạm phát tăng trong năm nay lại là “vô hình”. Đó là, do đặc thù hàng nông sản hiện còn chiếm gần 27% trong “rổ hàng hoá NK”, cho nên những dấu hiệu sốt nóng gần đây sẽ không chỉ có tác dụng đẩy lạm phát tăng trong khuôn khổ của “rổ hàng hoá XK” như đã nói trên, mà có tác dụng lan tỏa đặc biệt mạnh mẽ.
Không những vậy, theo “thông lệ” ở nước ta, tác dụng này còn lan tỏa tới toàn bộ thị trường lương thực nói chung, cũng như thị trường thực phẩm, tức là có gần 43% trong “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng” của nước ta sẽ bị ảnh hưởng của cơn sốt nóng giá gạo thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, tác dụng của lạm phát do cầu kéo đối với thị trường trong nước trong năm nay đương nhiên sẽ mạnh hơn do quá trình hồi phục của nền kinh tế.
Trước hết, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,32% trong năm 2009 cũng không thấp quá nhiều so với mục tiêu tăng 6,5% trong năm nay, nhưng chắc chắn mức tăng của thị trường trong nước trong năm nay sẽ không chỉ tương ứng với các mức tăng trưởng kinh tế này.
Bởi lẽ, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,32% trong năm 2009 là rất đáng mừng, nhưng không thể phủ nhận đó là bước tụt dốc tiếp theo của năm 2008 (GDP năm 2007 tăng 8,48%; năm 2008 chỉ tăng 6,18%), cho nên bên cạnh thực tế “túi tiền” của quảng đại các tầng lớp dân cư “lép hơn”, tâm lý “thắt lưng buộc bụng” đương nhiên sẽ mạnh lên.
Ngược lại, trong điều kiện nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm nay như vậy, chẳng những “túi tiền” của quảng đại các tầng lớp dân cư đương nhiên sẽ “căng hơn”, mà chắc chắn tâm lý “thắt lưng buộc bụng” cũng sẽ được đẩy lùi, cho nên có thể hi vọng sức mua của thị trường trong năm nay sẽ mạnh lên hơn nữa.
Yếu tố tỷ giá tăng đột biến
Các số liệu thống kê cho thấy, sau bước tăng khá mạnh trong năm đầu thập kỷ, tuy có lên, có xuống, nhưng xu thế chung vẫn là giảm, thì tỷ giá giữa USD so với VND năm 2008 tuy đã tăng vọt 6,31%, nhưng năm 2009 đã tăng ngoạn mục 11,25%, cao kỷ lục kể từ năm 1998 đến nay.
Rõ ràng, với một nền kinh tế có độ mở rất lớn cả ở đầu ra XK và đặc biệt là ở đầu vào NK như nước ta, việc giá USD liên tục tăng vọt so với VND như vậy đương nhiên sẽ làm cho giá hàng hoá cả XK lẫn NK đều tăng vọt trên thị trường trong nước.
Đặc biệt, trong điều kiện cả giá hàng XK lẫn NK đều tăng trong năm nay như đã nói trên, thì việc tỷ giá USD/VND tăng vọt như vậy không khác gì tấm thấu kính lồi “khuếch đại” tác dụng thúc đẩy lạm phát tăng thêm.
(Theo Nguyễn Đình Bích // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com