(minh họa: Khều) |
Khủng hoảng tài chính và doanh nghiệp đã trở thành những đề tài đương đại trên sân khấu kịch ở London, trong đó các nhà biên kịch chuyển tải những vấn đề tài chính phức tạp đến công chúng thưởng lãm bằng ngôn ngữ đời thường.
Cựu Tổng giám đốc Jeffrey Skilling của tập đoàn năng lượng Mỹ Enron - tập đoàn nổi tiếng thế giới một thời vì công việc kinh doanh và vấn đề phá sản của mình - chỉ tay vào một đồ thị thật to, trên đó ghi lại những đợt bùng nổ và sụp đổ của thị trường chứng khoán. “Tất cả do chúng ta làm ra”, ông thốt lên. “Tham lam, sợ hãi, niềm vui, lòng trung thành, hy vọng. Và trên tất cả là… tiền”. Lúc ấy, trong bộ áo tù liền quần màu cam, Skilling bị lôi vào nhà giam, nhưng ông nhất định không chịu hối lỗi về trách nhiệm gây ra sự sụp đổ của tập đoàn năng lượng khổng lồ do mình đứng đầu.Chuyện Enron phá sản cách đây đã tám năm. Nhưng cảnh Tổng giám đốc Skilling tuyên bố như trên chỉ mới diễn ra gần đây ở London, Anh Quốc. Có nhầm lẫn gì chăng? Thưa không. Cảnh trên xảy ra trên sân khấu của Royal Court Theatre, một trong những nhà hát “cao cấp” nhất London, trong đoạn cao trào của một vở kịch nhan đề Enron. Có thể nói vở kịch này tiêu biểu cho một trào lưu biên kịch mới trong thập kỷ vừa qua khi khủng hoảng tài chính và doanh nghiệp trở thành các đề tài đương đại và tạo ra những nhân vật mà tác giả Jeanne Whalen của tờ Wall Street Journal gọi là “những nhân vật giống như trong các bi kịch của Shakespeare”. Skilling là nhân vật chính của Enron, một vở bi hài kịch khai thác sự tỏa sáng và sụp đổ của nhân vật thật ngoài đời. Trong vở diễn, Skilling cho thấy ông ta đã sử dụng sự quỷ quyệt của mình như thế nào trong vụ lừa đảo, được thể hiện qua những bài diễn văn tự tôn thái quá của ông và phán quyết của tòa án năm 2006 về âm mưu tại Enron. Chủ tịch Enron, Kenneth Lay, người qua đời chỉ vài tuần lễ sau khi bị kết án cùng thời gian với Skilling, được miêu tả như là một người dễ mến, nhưng lại quan tâm nhiều đến việc chơi golf và xum xoe với các nhà chính trị hơn là công việc kinh doanh của công ty. Trong vở kịch, ban đầu được viết như vũ kịch, có vài bài hát và một số màn múa. Trong một cảnh, các nhà kinh doanh Enron cùng hát và múa trên sân khấu khi họ hô vang giá cả các mặt hàng. Trong một cảnh khác, các nhà phân tích chứng khoán tìm mọi cách chơi trội hơn những người khác cùng hát vang ca ngợi Tổng giám đốc Skilling. Nhưng cảnh ấn tượng nhất trong vở diễn là lúc hai nhân vật Skilling và Andy Fastow, giám đốc tài chính, đối diện với nhau. Fastow tỏ ra hãnh tiến về khả năng che giấu nợ của Enron. Nhưng chính các công ty do Fastow tạo để làm vỏ bọc cho Enron - được cách điệu trên sân khấu bằng một đàn chim ăn thịt - ngày càng đe dọa khi vuột khỏi tầm kiểm soát của ông. Vở kịch được dựa trên các biến cố có thật ngoài đời, cộng với một số hư cấu nhằm gia tăng kịch tính. Là tác phẩm của nhà biên kịch 28 tuổi Lucy Prebble, Enron, dù chỉ mới trình làng ở London vào tháng 9-2009, đã lập tức gây sự chú ý từ giới truyền thông. Khởi thủy, vở kịch chỉ được diễn trên một sân khấu nhỏ ở miền Nam nước Anh. Đến nay, người ta đã có kế hoạch đưa vở kịch này đến nhà hát Broadway ở New York vào mùa xuân năm sau. Enron do Rupert Goold làm đạo diễn. Ông sử dụng một số thủ pháp thị giác đầy màu sắc trong vở kịch để giúp những vấn đề tài chính trở nên sinh động hơn đối với khán giả, trong đó phải kể đến cảnh dàn đồng ca trong bóng tối là hiện thân của những nhà kinh doanh điện năng trong một màn múa sử dụng những thanh gươm màu xanh. Năm nay 37 tuổi, đạo diễn Goold đã đến thăm sàn giao dịch kim loại ở London nhằm tìm cảm hứng về tác phẩm. Trong một cuộc phỏng vấn, ông trả lời khi nhìn qua lớp kính và loại bỏ hết âm thanh, sàn giao dịch này chẳng khác gì một vở múa ba lê dưới mắt ông. Goold cho biết: “Vở kịch hấp dẫn tôi ở chỗ nó thể hiện hai mặt kỳ lạ của nước Mỹ. Một mặt đó là Barack Obama cộng với tất cả cơ hội ở một đất nước của những ý tưởng tự do mà trên đó nước Mỹ được xây dựng nên. Còn mặt kia là Jeffrey Skilling - con người tàn nhẫn, tham lam, hung hăng, nhưng như vậy lại rất ấn tượng. Và bạn sẽ không có được mặt này nếu thiếu mặt kia”. Theo tờ Wall Street Journal, trong tháng 10-2009, nhà hát National Theatre ở London ra mắt vở The Power of Yes (tạm dịch “Sức mạnh của sự ưng thuận”) của David Hare, nhà biên kịch được cho là đã nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra. Kịch tác gia này - thành danh bằng những vở kịch chính trị của mình - đã phỏng vấn hàng chục nhà quản lý ngân hàng, các quan chức cũng như nhiều người khác nhằm nắm được nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng. Nhà hát National Theatre - nhà hát hàng đầu ở London - đã yêu cầu nhà biên kịch Hare viết một tác phẩm giải thích cho được bản chất của cuộc khủng hoảng tài chính. Hare cho biết ông có đủ điều kiện để chuyển tải đến độc giả thực chất của cuộc khủng hoảng này bằng ngôn ngữ đời thường vì ông “hoàn toàn không có kiến thức” về tài chính. “Các nhà quản lý ngân hàng đều nói với công chúng bằng thứ ngôn ngữ công chúng không hiểu được vì họ muốn như thế”, Hare được tờ Wall Street Journal trích dẫn. “Còn công việc của tôi là diễn đạt như thế nào để mọi người có thể hiểu được [những điều các nhà quản lý ngân hàng nói]”.
(Theo Trọng Dy // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com