Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hai góc nhìn về khủng hoảng kinh tế

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? Ngành nào của Việt Nam bị tác động đổ vỡ, ngành nào có cơ hội? Tuần Việt Nam đã đặt các câu hỏi này với hai nhà nghiên cứu kinh tế thuộc hai thế hệ khác nhau, và nhận được câu trả lời có sự khác biệt và thống nhất rất thú vị.

Cuộc khủng hoảng đã lan ra khỏi nước Mỹ
(ảnh minh họa: AP, NYT, Yahoo Finance)

Nhân vật thứ nhất mà chúng tôi đặt câu hỏi là ông Nguyễn Trần Bạt - Tổng Giám đốc InvestConsult. Ông Bạt sinh năm 1946, hiện ở Hà Nội, là một doanh nhân thành đạt và là người đã dành thời gian nghiên cứu rất sâu về chính trị, triết học và kinh tế vĩ mô.

Nhân vật thứ hai là ông Đinh Tuấn Minh, sinh năm 1974, nhà nghiên cứu và tư vấn kinh tế độc lập, hiện ở Hà Nội.

Như bạn đọc sẽ thấy, giữa ông Nguyễn Trần Bạt và ông Đinh Tuấn Minh có thể tồn tại những khác biệt về quan điểm và thái độ đối với tình hình kinh tế hiện nay. Nhưng điều mà cả hai nhà nghiên cứu kinh tế thuộc hai thế hệ cách biệt này thống nhất, theo chúng tôi, là: Khủng hoảng là thời gian để Việt Nam tiếp tục đổi mới, từ tầm vĩ mô (chính phủ) cho tới vi mô (doanh nghiệp). Để hạn chế tác động xấu và thoát ra khỏi khủng hoảng, Việt Nam phải có quyết tâm: Chính phủ quyết tâm chống tham nhũng, chấm dứt đầu tư công không hiệu quả. Doanh nghiệp quyết tâm tái cơ cấu, bước ra khỏi những ngành nghề không còn thích hợp với đòi hỏi của thị trường.

* * * * *

- Theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay? 

Ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng khủng hoảng
kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ những bất ổn
trong nền kinh tế tài chính, do chính phủ không
kiểm soát được các định chế tài chính.
(Ảnh: Hải Lan)

- Ông Nguyễn Trần Bạt: Khủng hoảng này là kết quả của năng lực ứng phó của các nhà nước với các trạng thái phát triển chưa từng có trong tiền lệ của toàn cầu hóa.
 

Nếu nói đây là khủng hoảng tài chính như thuật ngữ chúng ta vẫn dùng trước đây đối với cuộc khủng hoảng châu Á thì không đúng, mà phải nói đây là khủng hoảng của nền kinh tế tài chính mới đúng. Bởi vì, trên thực tế tài chính đã trở thành một nền kinh tế chứ không phải chỉ là công cụ phục vụ kinh tế như trước đây nữa.
 

20 năm trở lại đây, nền kinh tế thế giới phát triển theo khuynh hướng khuếch đại vai trò của kinh tế tài chính, làm xuất hiện một tầng lớp rất đặc trưng là các nhà tư bản tài chính. Tầng lớp các nhà tư bản tài chính càng ngày càng lớn lên cả về số lượng, cả về chất lượng của sự giàu có.

Trong giai đoạn vừa rồi, các định chế tài chính (mà đứng đằng sau là các nhà tư bản tài chính đó) đã xuất hiện một cách vô chính phủ. Bây giờ các quỹ tài chính là cái gì, nó là tổ chức của ai không rõ. Chính phủ Mỹ hay bất kỳ chính phủ nào cũng không đủ năng lực để giám sát nó và nó trở thành những kẻ du canh, du cư trên toàn bộ nền kinh tế tài chính thế giới.
 

Sự khủng hoảng của kinh tế thế giới hiện nay thực chất là sự khủng hoảng của nền kinh tế tài chính và khủng hoảng trong việc các chính phủ không đủ cảnh giác, không đủ kinh nghiệm, thậm chí không đủ kiến thức để quản lý nền kinh tế tài chính.

Khủng hoảng kinh tế tài chính tác động lên tất cả các bộ phận còn lại và làm mất uy tín của nền kinh tế. Sự giảm xuống của những chỉ số như Dow Jones hay NASDAQ chính là một trong những biểu hiện.

Tức là năng lực huy động vốn của các nền kinh tế công nghiệp không còn bình thường như trước nữa, và điều đó sẽ dẫn đến giảm phát. Mà đã giảm phát thì thất nghiệp, thất nghiệp thì thị trường tiêu thụ giảm đi, thị trường tiêu thụ giảm đi tức là toàn bộ nền kinh tế công nghiệp sẽ bị giảm đi.
 

Ông Đinh Tuấn Minh cho rằng khủng hoảng toàn cầu bắt đầu từ những bất ổn trong cơ cấu sản xuất, do chính phủ can thiệp nặng và sai lầm. 
(Ảnh do nhân vật cung cấp)

- Ông Đinh Tuấn Minh: Theo tôi, đây là một cuộc khủng hoảng về cơ cấu sản xuất do sự can thiệp sai lầm của các chính phủ vào thị trường. Từ cuối những năm 1980 trở lại đây, cơ cấu sản xuất không còn giới hạn trong phạm vi quốc gia mà đã mang tính toàn cầu. Về cơ bản, sự phân công lao động toàn cầu theo kiểu module hóa khiến cho cơ cấu kinh tế thế giới có thể được cấu trúc thành ba nhóm.
 

Nhóm 1, gồm Mỹ, Canada, châu Âu, và Nhật Bản, là khu vực cung cấp công nghệ và cung cấp dịch vụ tài chính;

Nhóm 2 là các nền kinh tế tiền công nghiệp ở châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan v.v.) và châu Mỹ Latin (Brazil, Argentina, Mexico, v.v.) là khu vực sản xuất chế tạo;

Nhóm 3 là các nước chậm phát triển (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, v.v.), là khu vực gia công thô, cung cấp nguyên liệu cơ bản, và chế biến sản phẩm có giá trị thấp.

Khủng hoảng kinh tế - tài chính ở Mỹ bắt nguồn từ việc FED duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài cộng với hoạt động cho vay dưới chuẩn của các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực nhà đất, và Chính phủ Mỹ chi tiêu quá nhiều.
 

Những can thiệp sai lầm này của chính phủ Mỹ được “xuất khẩu” đi toàn cầu. Rất nhiều các quốc gia cũng áp dụng các chính sách kích thích tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ, dẫn đến cấu trúc sản xuất toàn cầu bị méo mó.

Khi xảy ra khủng hoảng, Mỹ và châu Âu “lâm trận” trước tiên, do các nước này tiêu dùng quá mức. Tiếp đến là các nước cung cấp nguyên liệu thô. Và cuối cùng sẽ là các nước sản xuất chế biến.
 

- Cuộc khủng hoảng tài chính này bắt đầu từ Mỹ? Trong cuộc khủng hoảng ấy, chính quyền Mỹ có lỗi gì không?

 Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng chính phủ tất cả các nước phương Tây đã mất cảnh giác và toàn bộ tai họa về tài chính hiện nay là kết quả của việc thế giới không ý thức đầy đủ về tập hợp các rủi ro của nó và cường điệu rủi ro của chủ nghĩa khủng bố lên.
 

Tổng thống Bush mải mê đuổi theo bọn khủng bố mà quên mất lực lượng khủng bố gây nhất cho nhân loại không phải là bọn Al-Qaeda mà là các quỹ tài chính. Cuộc khủng hoảng này là sự trả giá cho việc thế giới quá để ý đến chủ nghĩa khủng bố.

 Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này không phải bắt đầu từ Mỹ. Nước Mỹ là thị trường tài chính lớn nhất thế giới cho nên người ta tưởng rằng khủng hoảng kinh tế tài chính bắt đầu ở Mỹ. Tôi lấy ví dụ như sự sụp đổ của Lehman Brothers chẳng hạn, khi Lehman Brothers sụp đổ thì 25.000 cán bộ của nó ở thị trường London mất việc.
 

Khủng hoảng không diễn ra ở Mỹ đầu tiên, mà là nước Mỹ tự nhiên trở thành địa chỉ để người ta tính đến khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này diễn ra trên toàn cầu, do sự xâm nhập của các công ty tài chính của các nền kinh tế phát triển đến những vùng đất khác nhau trên thế giới, cho nên, nói là nó diễn ra ở Mỹ là không đúng. Nếu diễn ra ở Mỹ thì người ta không thấy được tai họa của thế giới.

Ví dụ, trong chuyện cường điệu vai trò của khu vực bất động sản thì không phải người Mỹ là người đầu tiên chịu khủng hoảng mà là người Anh. Người Việt Nam cũng khủng hoảng bất động sản, và thậm chí chu kỳ khủng hoảng thị trường bất động sản ở Việt Nam còn dày hơn ở Mỹ. 

 
Ông Đinh Tuấn Minh: Bản chất của kinh doanh là dự án đầu tư của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng luôn ẩn chứa những yếu tố sai lầm, bắt nguồn từ kỳ vọng sai lầm. Nếu doanh nghiệp nhạy bén thì những sai lầm đó sẽ được hiệu chỉnh kịp thời, nếu không nhạy bén thì họ thất bại. Trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh, sẽ phải có một số doanh nghiệp thất bại, nhưng sai lầm của họ chỉ mang tính cục bộ, trong nội bộ một ngành nào đó.

Còn khủng hoảng kinh tế là khi hàng loạt doanh nghiệp cùng phạm sai lầm, gặp khó khăn và cuối cùng có thể thất bại. Điều đó chứng tỏ thị trường có một số tín hiệu nào đó mà tất cả doanh nghiệp đều dựa vào và đều hiểu sai, kỳ vọng sai, dẫn đến đầu tư sai.
 

Và nguyên nhân tạo ra những tín hiệu sai mang tính toàn diện, quy mô rộng đó chính là sự can thiệp sai của chính phủ vào thị trường.

Khủng hoảng kinh tế thế giới lần này đã bắt nguồn đầu tiên tại Mỹ, nơi chính phủ có những can thiệp sai, làm nền kinh tế thị trường không còn lành mạnh. Ví dụ, FED đã thực hiện chính sách lãi suất thấp và Fannie Mae và Freddie Mac cho vay dưới chuẩn, đều do can thiệp mạnh từ phía Nhà nước, kéo dài suốt từ thời chính quyền Clinton.

Nhận được những tín hiệu sai từ sự can thiệp vào thị trường của chính phủ (khuyến khích vay nợ), người tiêu dùng chi tiêu vượt quá khả năng tiết kiệm thực tế của mình, còn doanh nghiệp thì sa vào đầu tư những dự án kém hiệu quả. Khủng hoảng bắt đầu khi những khu vực đầu tư sai nhiều nhất bị ảnh hưởng trước tiên. Đó là các ngành mà người ta tiêu dùng và đầu tư vung tay khi lãi suất cho vay thấp như bất động sản, ôtô, hàng điện tử.
 

Rồi khủng hoảng sẽ tiếp tục lan đến những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ chính sách lãi suất thấp.

Nhà ở chỉ là một trong các lĩnh vực bị đầu tư sai lệch trong thời kỳ lãi suất thấp. Các lĩnh vực như ôtô, hàng điện tử đã bắt đầu báo động về nợ khó đòi. Tỷ lệ nợ mua ôtô không trả được đã lên tới 30 tỷ USD trong tháng 9/2008. Một loạt công ty hàng đầu của Mỹ như General Motor, Ford, General Electrics đã rơi vào tình trạng doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng và bắt đầu kêu cứu sự trợ giúp của chính phủ.
 

Tương tự như nhà đất, tình trạng không bán được hàng cũng như tình trạng không có khả năng trả nợ sẽ tích tụ dần, khiến cho không những các hãng sản xuất này rơi vào tình trạng phá sản mà cả những ngân hàng cho người dân vay nợ cũng như cho các hãng này vay đầu tư sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Nói chung, cuộc khủng hoảng toàn cầu này bắt đầu từ cấu trúc sản xuất méo mó (do những quyết định đầu tư sai lầm trên cả hệ thống), rồi mới đến khủng hoảng tài chính và ngân hàng. Vừa rồi chúng ta chứng kiến đợt khủng hoảng tài chính do đầu tư sai lệch vào khu vực bất động sản, sắp tới ta có thể sẽ thấy đợt khủng hoảng tài chính do đầu tư sai lệch vào lĩnh vực ôtô, điện tử v.v.

Tôi xin tóm lại bằng một công thức:

Tín hiệu sai (do sự can thiệp của nhà nước) → đầu tư sai → sản xuất méo mó → nền tài chính bị ảnh hưởng → doanh nghiệp buộc phải giảm chi tiêu, đầu tư ở những lĩnh vực đáng ra cần chi tiêu, đầu tư → khủng hoảng lớn trên diện rộng.

- Về mặt quản lý vĩ mô thì Việt Nam đã làm điều gì sai, để dẫn đến việc khủng hoảng xảy ra?

 Ông Nguyễn Trần Bạt: Đáng ra những người hoạch định chính sách vĩ mô của chúng ta phải thấy trước là với sự bành trướng của nền kinh tế tài chính như vậy, thì tất cả nền kinh tế công nghiệp khác trên toàn thế giới sẽ thiếu vốn. Vì thế, phải có chính sách vĩ mô đón trước tình trạng thiếu vốn cho việc phát triển các ngành công nghiệp trên toàn thế giới.

Thế nhưng, chúng ta không những không phân tích được hiện tượng này mà thậm chí chúng ta còn tiếp tục phát triển thị trường kinh tế tài chính nội bộ nữa, cho nên, hai cái lệch lạc về phương diện phát triển kinh tế tài chính ấy chồng chất lên nhau và tạo ra hiện tượng khủng hoảng kinh tế cục bộ.

Trung Quốc trong 5-7 năm trước cũng có hiện tượng như vừa rồi, họ cường điệu vai trò của nền kinh tế tài chính vì thấy kinh doanh tài chính thu được nhiều lợi. Nhưng vì kinh tế tài chính không phát triển nhiều công ăn việc làm cho nên nó tạo ra sự phân hóa xã hội rất lớn về thu nhập, tạo ra các bất ổn xã hội trên khía cạnh an sinh.
 

Quan điểm về ưu thế của nền kinh tế tài chính là của Thủ tướng Chu Dung Cơ. Đến thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo thì ngay từ ngày đầu, ông Ôn Gia Bảo đã thấy được sự phân hóa xã hội là hệ quả tất yếu của việc phát triển kinh tế nặng về khía cạnh tài chính.

Do vậy, ông Ôn Gia Bảo chủ trương đầu tư vào miền tây, đầu tư vào các khu công nghiệp truyền thống của Trung Quốc thời kỳ bao cấp để giải quyết hậu quả của sự lệch lạc trong quá trình xem nền kinh tế tài chính như một ưu thế. Vì thế cho nên khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến Trung Quốc nhẹ hơn so với Việt Nam.
 

Việt Nam vấp phải sai lầm cơ bản là không tiên lượng được nền kinh tế thế giới đã bị lệch lạc do người ta bơm vai trò của khu vực tài chính lên, và chúng ta lại còn chất lên nền kinh tế vốn èo uột của mình một nền kinh tế tài chính địa phương nữa.
 

 Ông Đinh Tuấn Minh: Vấn đề ở đây là nền kinh tế toàn cầu đã bị định hướng sai lệch bởi chính sách đồng đôla yếu của Mỹ, dẫn đến cơ cấu sản xuất toàn cầu bị méo mó nghiêm trọng. Và Việt Nam chỉ là một bộ phận trong nền kinh tế toàn cầu, chịu ảnh hưởng dây chuyền là điều tất yếu.

Tất nhiên, cũng một phần từ chủ trương chính sách của chính chúng ta, khiến Việt Nam thực thiện chính sách lãi suất thấp, chính sách tài khóa “mềm” thông qua khối doanh nghiệp nhà nước để kích thích tăng trưởng. Hậu quả là cấu trúc sản xuất của Việt Nam cũng bị méo mó nghiêm trọng.

Thế nhưng, trong đời sống kinh tế hiện đại, việc có một cái nhìn dài hạn là rất khó khăn, bản chất của con người nói chung và doanh nhân nói riêng vẫn là khó có thể nhìn xa được. Thông thường, chúng ta chỉ biết chúng ta sai lầm khi khủng hoảng đã xảy ra và tác động tới chúng ta.

Nói một cách khác, sau khi có bùng nổ về kinh tế do sự can thiệp của chính phủ, ắt sẽ phải có suy thoái về kinh tế - là khi doanh nghiệp nhận ra rằng mình đã đầu tư sai, và vì thế, bắt đầu cắt giảm tiêu dùng và đầu tư. Do vậy, khi khủng hoảng xảy ra thì chính phủ đừng tạo thêm nhiều tín hiệu sai nữa, các doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh để tạo ra một giai đoạn phát triển mới.

Chúng ta phải chấp nhận quy luật này để có cái nhìn bình thản hơn cũng như tránh làm những việc “giải cứu” vô ích. Trước mắt, đối với Việt Nam, ảnh hưởng của đợt sụp đổ của một số công ty tài chính Phố Wall vẫn chỉ là gián tiếp. Nếu như chúng ta chấp nhận sự thật là cấu trúc sản xuất của Việt Nam bị méo mó do những nguyên nhân can thiệp từ phía Chính phủ thì đợt khủng hoảng thậm chí còn là một cơ hội tốt để khắc phục.

- Và ngay vào thời điểm này, khi khủng hoảng đã ảnh hưởng tới Việt Nam, Chính phủ có thể làm gì?

 Ông Nguyễn Trần Bạt: Phải nói rằng, để làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển lành mạnh trở lại bằng cách kéo tiền ra khỏi khu vực kinh tế tài chính để công nghiệp hóa là một việc rất khó.

Cái khó thứ nhất là Chính phủ của chúng ta chưa nhận ra sự phân biệt giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Bởi vì lực lượng các công ty nhà nước rất lớn, thông qua trục lợi tài chính, nó nhận được những lợi ích rất lớn mà Chính phủ mặc dù không phải hưởng thụ toàn bộ lợi ích ấy nhưng nhận được từ đấy khá nhiều.
 

Nền kinh tế của chúng ta không phải chỉ là một nền kinh tế có những xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước; nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế mà Chính phủ trực tiếp kinh doanh thông qua việc uốn nắn các chính sách kinh doanh cũng như chính sách vĩ mô phù hợp với lợi ích của chính phủ.

Cái khó thứ hai là muốn phát triển nền kinh tế công nghiệp thì phải có một số kinh nghiệm công nghiệp, nhưng 5 - 7 năm nay chúng ta không để ý đến chuyện này. Chúng ta có một quan điểm kinh tế chạy theo các kỷ lục để khắc phục hình ảnh, hay nâng cao hình ảnh của người điều hành nền kinh tế chứ không phải là đào tạo những người chuyên nghiệp để điều hành một nền kinh tế.

Chính vì thế, khi gặp khủng hoảng thì tất cả yếu kém của các nhà điều hành được bộc lộ đầy đủ. Chúng ta cũng không đủ những lực lượng có chất lượng để có thể dịch chuyển hệ thống chính sách vĩ mô hiện nay đến một hệ thống chính sách vĩ mô tốt hơn.

Tóm lại, cái khó để đưa nền kinh tế trở về cân đối là ở chỗ các lợi ích bị neo lại trong khu vực kinh tế tài chính, phải đấu tranh mới dịch chuyển được và cuộc đấu tranh ấy rất dữ dội.

Bởi vì tham nhũng trong kinh tế tài chính dễ hơn rất nhiều so với tham nhũng trong kinh tế công nghiệp. Muốn tham nhũng trong kinh tế công nghiệp buộc phải có kiến thức đủ phong phú thì mới chỉ đạo được quá trình lấy trộm, còn trong kinh tế tài chính thì chỉ cần sửa đổi số liệu kiểm toán cũng đủ phục vụ quá trình tham nhũng, cho nên những kẻ tham nhũng trong khu vực tài chính không cần phải nhúng tay trực tiếp, chỉ cần gật đầu đúng lúc.

Như vậy là thứ nhất, quyền lợi neo lại ở khu vực tài chính, thứ hai là chúng ta không đủ lực lượng nhà điều hành có năng lực để có thể tạo ra sự cân đối về mặt kinh tế và thứ ba là chúng ta không đủ lực lượng để xây dựng một nền kinh tế công nghiệp thực sự.

Vậy bây giờ phải làm gì? Tôi đã nói rằng tất cả các chính sách vĩ mô chỉ có một vai trò là làm cân đối lại sự phát triển kinh tế phù hợp với năng lực của từng giai đoạn, mà cân đối lại sự phát triển kinh tế là cân đối lại tốc độ tăng trưởng và tốc độ lạm phát. Đấy là nhiệm vụ thứ nhất của các nhà điều hành. Thứ hai là kìm hãm sự phát triển thái quá dẫn đến tình trạng khoảng cách giàu nghèo tăng lên.

Các nhà điều hành của Chính phủ Việt Nam có hai nhiệm vụ ấy thôi. Còn cái cân đối thứ ba là chính sách đối ngoại thì chuyện ấy chúng ta chưa bàn ở đây. Nói tóm lại, phải cân đối khoảng cách giàu nghèo, cân đối giữa tốc độ tăng trưởng và năng lực, và bố trí năng lực xã hội, mà muốn thế thì phải điều chỉnh ngay khối giáo dục và đào tạo để nó phát triển lành mạnh hơn. Thế nhưng hình như chúng ta không làm những chuyện ấy.

Ông Đinh Tuấn Minh: Nếu so sánh với đợt sự sụp đổ tài chính của các nền kinh tế Đông Á năm 1997-1998, thì có vẻ đợt này Chính phủ Việt Nam xử lý tốt hơn. Đợt trước, Chính phủ chậm nhận ra được là Việt Nam bị ảnh hưởng là do khối doanh nghiệp tư nhân bị gò bó. Mãi tận năm 2000 ta mới nhận ra được điều này.

Còn đợt này thì ngay từ tháng 3/2008, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra nguyên nhân là do chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là đầu tư công, do sự kinh doanh không hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước và do bảo hộ giá cả quá lâu dài trong một số ngành.

Nhờ đó, Chính phủ đã thực hiện một số chính sách hợp lý như cắt giảm và giãn tiến độ thực sự về đầu tư công, tiếp tục kế hoạch tiến hành cổ phần hóa, niêm yết các công ty này trên thị trường, thoái vốn của SCIC ở nhiều doanh nghiệp sau cổ phần, và gần đây là để giá xăng dầu, giá than v.v. vận hành theo kinh tế thị trường.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam không nên chỉ dừng lại ở những chính sách này mà nên tiến hành sâu rộng hơn nữa các chính sách giảm sự can thiệp của chính phủ vào thị trường để giúp khối doanh nghiệp nhanh chóng tự điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình.

Tôi xin nhắc lại: Khi khủng hoảng xảy ra thì Chính phủ đừng tạo thêm nhiều tín hiệu sai nữa, các doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh để tạo ra một giai đoạn phát triển mới.

 

(Theo báo VietNamNet)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Châu Á tung tiền vượt khó!
  • 7 biện pháp ngăn suy giảm kinh tế của Ngân hàng Nhà nước
  • Thâm hụt ngân sách của Mỹ dự kiến sẽ lớn nhất trong lịch sử trong năm nay
  • Nga chi 340 tỷ USD chống khủng hoảng tài chính
  • Thụy Sĩ đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2009
  • Lạm phát 2009 sẽ bằng một nửa 2008
  • Mỹ: Bán tài sản công để giải quyết khủng hoảng
  • Nhật Bản ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng tài chính
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!