Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhiều giải pháp mạnh kiềm chế lạm phát

Chính phủ đang bàn để ra nghị quyết đối phó với lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong năm năm trở lại đây…

Vàng, đô phi mã; lạm phát tăng cao; đời sống nhân dân khó khăn… là những quan ngại được các đại biểu nêu ra trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-2 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2011.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng vượt ra ngoài mọi dự báo trước đó, đạt mốc hai con số là 11,75% (dự báo trước đó là 8%). Tốc độ tăng CPI tháng 1 năm nay (1,74%) cũng cao hơn so với các năm trước đó. Dự báo trong tháng 2, CPI cũng sẽ tiếp tục tăng ở mức cao.

Giá tăng, đi chợ cứ như bị “móc túi”

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, có nhiều ý kiến cho rằng con số lạm phát nêu trên còn thấp hơn so với thực tế. “Ở các nước trên thế giới, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát thường thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, còn chúng ta thì ngược lại. Ví như Trung Quốc tăng trưởng đến 10% nhưng lạm phát chỉ dừng lại ở mức 5%” - ông Kiên nêu một nghịch lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng băn khoăn: Con số tăng trưởng, thu chi thì mới chỉ là con số về lượng. Nếu chỉ nhìn vào những con số đó thì chúng ta dễ dàng thỏa mãn nhưng “chất” của nó như thế nào lại là vấn đề. Vì tăng trưởng của ta phần lớn nằm ở tăng trưởng đầu tư chứ không nằm nhiều ở hiệu quả sản xuất, kinh doanh. “Dân vẫn hỏi chúng tôi rằng thưa các đại biểu Quốc hội, năm nào Việt Nam cũng tăng trưởng rất cao nhưng đời sống người dân không tăng trưởng theo kịp tăng trưởng đó, xin các đại biểu trả lời?”.

Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng việc lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, gây tâm lý lo lắng trong xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cũng chia sẻ, mấy ngày nay giá vàng, giá đô cứ “phi mã”, thậm chí tăng từng giờ. Rồi giá lương thực, thực phẩm cũng tăng khiến người dân khi đi chợ cứ có cảm giác như bị “móc túi”. Do đó, chúng ta cần sớm có giải pháp kiểm soát lạm phát để không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là người nghèo.

Ra nghị quyết đối phó với lạm phát

Theo Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, để giải bài toán lạm phát, Thường trực Chính phủ đã vừa họp bàn và sắp tới sẽ đưa ra các giải pháp mạnh mẽ. “Chính phủ đang bàn để ra nghị quyết đối phó với lạm phát, siết chặt chi tiêu công và tiếp tục tiết kiệm 10% chi; không tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản mặc dù trượt giá và nếu cuối năm chi không hết thì không được chuyển sang năm sau. Chính phủ cũng yêu cầu dừng xây dựng trụ sở, khởi công mới. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ sẽ chặt chẽ hơn, giữ chỉ tiêu tăng tín dụng dưới 20% so với đề xuất trước đây là tăng 23%” - ông Ninh nói.

Về những biến động trên thị trường ngoại hối, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng do chúng ta nhập siêu lớn và kéo dài nên cung cầu ngoại tệ mất cân đối. Với tình hình mất cân đối này, từ đầu năm nay chúng ta đã tiếp tục điều chỉnh tỉ giá. “Nghị quyết của Chính phủ tới đây sẽ đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong năm năm trở lại đây. Các nhà sản xuất khi nhận được thông điệp này sẽ phải điều chỉnh sản xuất, điều chỉnh nhập khẩu” - ông Giàu cho biết.

Tán thành với chủ trương của Chính phủ trong việc chuẩn bị đưa ra các giải pháp kiềm chế lạm phát nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần tính toán để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát hợp lý hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thì đề nghị Chính phủ phải tính xem các giải pháp kiềm chế lạm phát đưa ra sẽ tác động đến đời sống kinh tế-xã hội như thế nào? “Chúng ta cắt giảm chi tiêu công, cắt giảm công trình thì liệu có xảy ra tình trạng một đất nước ngổn ngang những công trình dang dở không?” - ông Thuận nói.

(Pháp luật TP HCM)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Lạm phát quý I có thể đến 4%
  • “Ghìm cương” lạm phát
  • Lạm phát tháng 1 của Trung Quốc thấp hơn dự báo
  • Trung Quốc sẽ bị rơi vào khủng hoảng tài chính?
  • Lạm phát, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp
  • Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng trong 5 năm tới?
  • Lạm phát Trung Quốc: Nỗi lo sợ bị thổi phồng
  • Điều hành lãi suất, chống lạm phát: Cần có tính kỹ trị
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!