Một số nước đang phát triển đã có mức tăng trưởng quá nhanh nhưng không ổn định, kéo theo lo ngại về lạm phát gia tăng và đe dọa đến sự phát triển lâu dài.
Các nước đang phát triển bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, những nơi có mức tăng trưởng nóng đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo trong những năm gần đây đang cho thấy dấu hiệu nền kinh tế đang hạ nhiệt. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế tại Mỹ tiếp tục lan rộng ra toàn cầu.
Nhà đầu tư đã tiếp tục tháo chạy khỏi những nước như Nga để bảo đảm những khoản đầu tư bằng đồng USD. Những thay đổi này đến do giá hàng hóa tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là dầu đã giảm không phanh.
Với những quốc gia này, mức suy thoái khiêm tốn có thể lại là điều tốt. Một số nước đã có mức tăng trưởng quá nhanh nhưng không ổn định, kéo theo lo ngại lạm phát gia tăng và đe dọa đến sự phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, suy thoái cũng đang đe dọa những những quốc gia lớn nhất có tăng trưởng nóng. Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, các quốc gia này phải xác định lại chính sách kinh tế để tránh suy thoái sâu khiến có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp, cản trở nỗ lực giảm đói nghèo và dẫn đến bất ổn chính trị. Theo IMF, kinh tế của những nước đang phát triển hạ nhiệt cũng khiến tăng trưởng toàn cầu sụt giảm xuống ít nhất 4,1% trong năm nay so với 5% của năm ngoái.
Châu Âu và Nhật Bản, những nền kinh tế gắn chặt với Mỹ thông qua thương mại và hệ thống tài chính là những khu vực đầu tiên cảm nhận sự “ốm yếu” của kinh tế Mỹ và vẫn tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng. Thị trường chứng khoán châu Âu đã giảm sau khi EC cảnh báo một số nước như Anh, Đức, và Tây Ban Nha đang phải đương đầu với suy thoái.
Những nước đang phát triển đã duy trì được khả năng tương đối để chống chọi với sự bất ổn của kinh tế toàn cầu. Nhưng do những nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện đang đi xuống, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ từ thị trường đang nổi đã giảm. Nhiều nước đang phát triển hiện chỉ còn trông vào giá hàng hóa tăng.
Trong khi những quốc gia đang phát triển tăng trưởng ở mức mà nhiều nước phát triển mong muốn, có những dấu hiệu cho thấy nhiều sự thay đổi đến từ Thượng Hải cho tới New Delhi hay Sao Paulo.
Tại Ấn Độ, lĩnh vực công nghệ cao và thuê làm bên ngoài đang khá ảm đạm do sức hấp dẫn đối với các khách hàng từ Mỹ đã giảm. Ở Trung Quốc, thu hẹp xuất khẩu cũng khiến tăng trưởng kinh tế nước này hạ nhiệt từ 12% vào năm ngoái xuống còn 9-10% trong năm nay. Trong khi đó, thị trường chứng khoán tại Thượng Hải cũng giảm hơn 60% kể từ khi lên đỉnh. Còn tại Brazil, xuất khẩu trong tháng trước cũng giảm hẳn sau nhiều tháng tăng trước đó.
Mặc dù vẫn kiếm lời từ dầu mỏ, nhưng kinh tế Nga đã sụt giảm nghiêm trọng trong tháng 8 khi nhà đầu tư nước ngoài rút hàng tỷ USD ra khỏi Nga sau xung đột với Georgia. Hai tuần trước, Nga đã phải can thiệp mạnh mẽ vào thị trường tiền tệ để nâng giá đồng ruble.
Tăng trưởng tại các nước đang phát triển giảm xuống cũng có những thuận lợi và bất lợi cho nước Mỹ. Mặt khác, điều này cũng góp phần giúp giá hàng hóa hạ bớt. Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, giảm nhập khẩu dầu là một yếu tố đứng sau khiến giá gas tại Mỹ giảm sâu trong những tuần gần đây. Giá xăng dầu và các mặt hàng chủ yếu như lúa mì, ngô cũng đã giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhu cầu với hàng xuất khẩu của Mỹ đã giảm. Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc. Trước đây, nhu cầu mạnh mẽ với hàng xuất khẩu từ Mỹ đã biến Trung Quốc thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ ngoài khu vực Bắc Mỹ. Việc đồng USD mạnh lên đã khiến hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn tại nước ngoài cũng có khả năng khiến tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ giảm bớt.
Những thị trường đang nổi có liên quan đến các nước phát triển hầu hết đều đang bị ảnh hưởng. Thương mại của Mexico với Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ giảm. Estonia và Latvia đang phải đương đầu với suy thoái do kinh tế châu Âu đang chịu sức ép sẽ khiến dòng vốn chảy vào những nước này bị khô kiệt.
Tuy nhiên, khu vực phía dưới Sahara tại châu Phi lại đang có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong thập kỷ do sự bùng nổ hàng hóa trên thị trường thế giới, mặc dù cũng có dấu hiệu lờ mờ của suy thoái trên toàn cầu.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ tiền vào đây với hi vọng khu vực này có tiềm năng phát triển lớn. Và miễn là không trượt dốc quá mạnh, giá hàng hóa giảm sẽ giúp khu vực này kiềm chế lạm phát – một trong những căn bệnh kinh tế lớn nhất mà các nước đang phát triển đang đối mặt.
Cho dù tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc hiện đang giảm xuống mức 8% nhưng các công ty phương Tây vẫn đang tiếp tục đổ tiền vào đây. Lý do là nhu cầu tiêu dùng chiếm 35% GDP của Trung Quốc. Đây cũng được coi là thách thức lớn nhất với kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn kinh tế toàn cầu chững lại.
CafeF