Qua theo dõi, có 10 TCTD yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ. Nhóm này cần được tổ chức lại, cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng tích cực hơn, tập trung thu hồi nợ cũ, nợ xấu.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết, hiện có 10 ngân hàng yếu kém thuộc nhóm IV, không được tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng này vẫn được huy động và cho vay.
Thưa ông, theo Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/2/2012 của NHNN, các ngân hàng thuộc nhóm IV không được tăng trưởng tín dụng. Nếu không được tăng trưởng tín dụng (TCTD), các tổ chức tín dụng này sẽ hoạt động như thế nào?
Qua theo dõi, chúng ta thấy có 10 TCTD yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ. Nhóm này cần được tổ chức lại, cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng tích cực hơn, tập trung thu hồi nợ cũ, nợ xấu, cho vay các khoản nợ mới theo hướng hiệu quả hơn. Vì vậy, tổng tín dụng của các TCTD này không tăng, nhưng thực chất họ vẫn được huy động và cho vay theo hướng an toàn hơn.
Dựa vào những tiêu chí nào để phân loại nhóm tín dụng với các ngân hàng?
Có nhiều tiêu chí, bao gồm quy mô vốn, năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro, chất lượng tài sản nợ, tài sản có, những sai phạm trong tuân thủ chính sách của NHNN…
Các ngân hàng thuộc nhóm I hoạt động tương đối an toàn, ổn định, lành mạnh được tăng trưởng tín dụng tối đa 17% trong năm nay. Nhóm II là các ngân hàng yếu hơn một chút, được tăng trưởng tín dụng tối đa 15%. Các ngân hàng nhóm III được tăng trưởng tín dụng tối đa 8% và ngân hàng nhóm IV có nguy cơ mất an toàn, biểu hiện mất an toàn, thuộc diện phải cơ cấu lại, sẽ không tăng trưởng tín dụng.
NHNN sẽ không công bố danh sách phân nhóm này, mà sẽ thông báo đến từng TCTD. Thực tế còn một nhóm nữa là các ngân hàng nước ngoài mới tăng vốn điều lệ năm 2011, nhóm này sẽ được tăng trưởng tín dụng tối đa bằng vốn điều lệ. Dự kiến, với cách phân loại này, tăng trưởng tín dụng cả nước sẽ đạt 15-17%. Sau 6 tháng, NHNN sẽ đánh giá lại, trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh từ nhóm này sang nhóm khác hoặc tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố, trong quý II/2012 sẽ tiến hành mua bán, sáp nhập (M&A) 5- 8 ngân hàng. Vậy công tác chuẩn bị thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?
Quá trình này đang được triển khai. Thời điểm thực hiện M&A mà Thống đốc NHNN công bố (quý I/2012) là mục tiêu của NHNN. Tuy nhiên, để triển khai được, cần giải quyết nhiều vấn đề pháp lý, như đánh giá tài sản, phối hợp giữa các ngân hàng… Tôi chỉ có thể nói, quá trình tái cơ cấu này đang được tiến hành tích cực, còn thời điểm cụ thể thì hiện chưa thể công bố.
Năm 2011, NHNN đã ban hành Thông tư số 35/2011/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/4/2012), theo đó, sẽ công khai thông tin về M&A, về nợ xấu và vi phạm của các TCTD. Vậy, sắp tới, NHNN có công bố công khai nợ xấu của các ngân hàng không?
Việc công khai các chỉ tiêu về ngân hàng nằm trong lộ trình minh bạch hóa thông tin về hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, mức độ công bố thông tin sẽ phụ thuộc vào tình hình hoạt động của các ngân hàng. Chúng tôi sẽ cố gắng để một mặt đảm bảo minh bạch hơn, nhưng mặt khác cũng giữ được sự an toàn, ổn định cho hệ thống ngân hàng.
Năm 2012, NHNN sẽ có biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán, bất động sản?
Chỉ thị 01/CT- NHNN tập trung vào thực hiện những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên vốn cho những lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ưu tiên vốn cho lĩnh vực phi sản xuất. Do đó, kinh doanh chứng khoán, bất động sản vẫn tiếp tục là những lĩnh vực mà Chính phủ và NHNN không ưu tiên vốn trong năm 2012. Tuy nhiên, NHNN sẽ có những điều chỉnh thích hợp cho lĩnh vực này.
Năm 2012, tín dụng phi sản xuất được phép tăng tối đa là 16%.
(Theo Báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com