Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thâu tóm Sacombank - Tin đồn và sự thực

Với nghi án đang là mục tiêu thôn tính của một nhóm nhà đầu tư nội, STB, mã cổ phiếu (CP) của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Sacombank (Sàn niêm yết HoSE), ngân hàng thương mại cổ phần lớn thứ 2 VN, có lẽ là cái tên được nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức nhắc đến nhiều nhất trên thị trường chứng khoán năm 2011, tiếp tục kéo sang những tháng đầu năm 2012.
 
Sacombank có lẽ là cái tên được nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức
nhắc đến nhiều nhất trên TTCK VN năm 2011

Nhìn lại năm 2011, sẽ thấy hiện tượng mua bán chuyển nhượng STB có lúc diễn ra như một cuộc đuổi bắt ngoạn mục.

Kẻ tung lưới, người dồn cá

Tháng 7/ 2011, một số tài khoản VIP gom mua và găm giữ STB bền bỉ trở thành tâm điểm bình luận, nghe ngóng của toàn thị trường. Nhiều thành viên của STB cũng rục tịch có động thái chuyển nhượng cổ phần. 14.816.232 CP STB, tương đương với ¼ lượng CP ông Đặng Văn Thành và con trai là ông Đặng Hồng Anh đang nắm giữ được vợ, con gái và con dâu của Chủ tịch HĐQT STB Đặng Văn Thành đăng ký bán ra. Lực mua đối ứng là các Cty họ mía đường do thành viên gia đình họ Đặng nắm giữ những vị trí chủ chốt.

Lúc đó, trả lời báo giới, Chủ tịch HĐQT STB khẳng định: Giành quyền kiểm soát STB là chuyện khó! Ông Thành đưa hai lý do chính: 1, theo quy định “đối nhân” của STB, mỗi thành viên HĐQT chỉ có 1 lá phiếu quyết định và còn chịu sự giám sát của hội đồng sáng lập, do đó nếu cá nhân nào thu gom cổ phiếu và giữ vị trí trong HĐQT thì cũng chỉ được lá phiếu; 2, muốn được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo trong tổ chức ngân hàng, phải được sự chấp thuận của NHNN, hơn nữa Đại hội đồng cổ đông STB năm 2011 đã thông qua kế hoạch nhân sự đến năm 2015 với các vị trí lãnh đạo hiện hành.

Giới quan sát ngầm hiểu như vậy là trong thương vụ đang được đồn đoán, nếu có, và nếu người mua đạt được tỷ lệ sở hữu mong muốn, cũng không dễ dẫn đến chuyện “thay ngôi đổi chủ”.

Tháng 8/2011, Dragon Capital (DC) bán ra 61,1 triệu CP STB, tương ứng 6,66% tỉ lệ sở hữu. Vụ chuyển nhượng có thể ví như “châu về hợp phố”, khi chồng của Phó Chủ tịch HĐQT thứ nhất Huỳnh Quế Hà “vớt” lại được khoảng ½ lượng cổ phiếu thỏa thuận với DC. Chưa kịp “hạ hỏa”, dư luận lại một phen nóng rãy trước việc STB đăng ký mua vào 10% CP quỹ, tương đương 10% vốn. Tính thị giá STB vào thời điểm tháng 11/2011 là 14.000 đ/cp, tức để mua đủ lượng đăng ký, STB sẽ phải bỏ ra khoảng 1.400 tỉ đồng. Đây là lượng CP quỹ lớn nhất được một DN đăng ký mua lại trong lịch sử TTCK VN. Ông Thành cũng tuyên bố sẽ tiếp tục mua STB cho đến khi nào STB về đúng giá trị thực (không dưới 20.000đ/CP). “Đòn” đẩy giá STB một cách hợp lý, cũng là “chiêu” phòng thủ và làm khó đối phương xem ra đã rõ. Chi phí cơ hội lẫn chi phí vốn của bên mua (nếu tiếp tục) sẽ tăng lên đáng kể. Nhà lãnh đạo STB đang chấp nhận cuộc chơi “buôn ngược”, thu ít chi nhiều khi vừa phát hành tăng vốn, vừa mua vào cổ phiếu quỹ.

Nhưng đến lúc đó, những “game thủ” của cuộc chơi mua bán STB vẫn chưa lộ diện.

Từ khói đến lửa...

Cũng tháng 11, thông tin báo giới cho biết việc đã có một bên mua giành được chữ ký của REE (CTCP Cơ điện lạnh), trong hợp đồng chuyển nhượng hơn 3,924% cổ phần STB. Nhiều người đặt dấu hỏi mà đến nay sau nhiều diễn biến bất ngờ đã diễn ra, vẫn khó tìm được câu trả lời phù hợp khi con trai Chủ tịch Thành, đại diện pháp nhân của Sacomreal, lúc đó là Cty con thuộc Sacombank, tuyên bố bán ra hơn 22 triệu cổ phiếu STB. Khủng hoảng cơ cấu hay STB đang dùng chiến thuật “mua tay trái bán tay phải”, lướt sóng trên những tin đồn với cơ sở hỗ trợ chính là nghi án thâu tóm? Trùng thời điểm, thị trường cũng lan tin Credit Suisse sẽ mua 15% cổ phần của STB. Một sự trùng hợp khéo đúng lúc Sacomreal thoái vốn, và SBS – Cty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, một tổ chức mà Sacombank đang đầu tư tài chính 11% và từng là Cty con của Sacombank - đang đối mặt với khoản nợ phải trả ngắn hạn trên 3.000 tỉ đồng (BCTC riêng lẻ quý 3/2011).

Nhưng không phải tin đồn hay sự trùng hợp nào cũng có thể lý giải. Đã không có giao dịch mua bán cổ phần nào diễn ra giữa Sacombank và Credit Suisse. Ngược lại, mặc dư luận kháo nhau REE thay đổi ý định chuyển nhượng và chấp nhận đền bù hợp đồng bán cổ phần STB vào phút chót, bước sang tháng 1/2012, 41 triệu cổ phiếu STB của REE đã chính thức sang tay. Nối gót là ANZ. Eximbank (EIB), cổ đông lớn của Ngân hàng Á Châu ACB, gây bất ngờ khi trở thành cổ đông giữ hơn 9% STB, phần lớn là từ khối lượng chuyển nhượng của ANZ. Và với thông tin cho rằng nhóm nhà đầu tư nội địa đã mua STB từ bấy lâu nay là người của ACB, thị trường lại có thêm đồn đoán: ACB, EIB và STB sẽ thành người một nhà.

Dù làn khói hỏa mù này đã được “xịt nước cứu hỏa” bằng những khẳng định của lãnh đạo các ngân hàng có liên quan, nhưng nhiều người vẫn bán tín bán nghi: Không có lửa làm sao có khói? Giả sử, nhóm nhà đầu tư nội địa đang nắm một lượng lớn STB đúng là người của ACB, lại liên minh cùng EIB – một trong những cổ đông lớn nhất của STB mà ACB cũng là cổ đông lớn, thì liên minh này sẽ có sức công phá không nhỏ đối với “thành lũy” xấp xỉ 30% bao gồm cả cổ phiếu quỹ của Chủ tịch STB và các cổ đông trong HĐQT. Một dự đoán nữa được đưa ra, cũng từ giới thạo tin nhưng lần này xem ra có lý, căn cứ trên tỉ lệ sở hữu cổ phiếu ước tính hiện thời phe mua và phe phòng thủ: Có thể, đã hoặc sẽ phải có một cuộc ngồi lại giữa những “ông lớn” đang nắm giữ STB, cùng đàm phám và chia sẻ thứ tự cán đích.

Nếu một cuộc đua không hấp dẫn, gay cấn, hẳn sẽ chẳng hút tin đồn và tin đồn cũng khó có thể tham gia vào những khúc cua, những bước ngoặt bất ngờ đến thế.  Huống gì trong một thị trường đôi khi vẫn được dẫn dắt bằng những tin đồn,  rất khó xác định thực hư của các nguồn dư luận. Nhưng có một sự thực không cần hồ nghi là cho dù Sacombank đang gặp bất kỳ khó khăn nào (nếu có), hay bị cho là khó đứng ngoài khỏi khó khăn chung của DN ngân hàng trước yêu cầu tái trúc, thì nếu nhìn về tổng tài sản lẫn vị thế kinh doanh, hệ thống mạng lưới, chi nhánh tính đến cuối năm 2011 đạt tới 408 điểm giao dịch (1 NH con, 72 chi nhánh, 334 PGD, 1 QTK), hiện diện ở 47/63 tỉnh thành và đang vươn rộng ra thị trường tiềm năng lân cận là Lào và Capuchia, lại được các hãng tín nhiệm quốc tế Moodys và S&P đánh giá triển vọng bền vững cho xếp hạng tín dụng dài hạn, ngân hàng này rõ ràng đang là một miếng mồi thơm mà bất kỳ ai có tham vọng kinh doanh ngân hàng đều muốn được sở hữu, san sẻ. 

Khoan dự đoán kết quả “ngửa bài” bởi biết đâu tới tận phút chót đấu thủ chính mới xuất đầu lộ diện, cũng phải nói thêm rằng những đợt rượt đuổi ngoạn mục STB và được ướp gia vị tin đồn đã tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư thu lợi không nhỏ, lại góp phần không nhỏ cho thanh khoản thị trường. Tới giờ phút này, tuy cơ cấu sở hữu STB đã có nhiều thay đổi, nhưng mọi việc vẫn chưa chính thức ngã ngũ. “Ba  mươi, vẫn chưa phải là Tết”!

Box: Ngày 14/2, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết năm 2012, Sacombank sẽ tăng thêm 17% vốn điều lệ (khoảng 1.700 tỉ đồng) để nâng vốn điều lệ từ 10.047 tỉ đồng lên hơn 11.700 tỉ đồng. Riêng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ luôn ở mức 3.000 tỉ đồng. HĐQT nhiệm kỳ 2011-2015 sẽ tiếp tục điều hành Sacombank hoạt động theo hướng bền vững. Thông tin này vẫn để ngỏ khả năng chưa biết Sacombank có sử dụng nguồn tăng vốn điều lệ từ quỹ dự trữ bổ sung (số dư hiện có hơn gấp đôi trị giá 17% vốn điều lệ dự kiến tăng trong năm 2012), hay sẽ sử dụng các nguồn tăng vốn khác như phát hành cổ phiếu riêng lẻ...

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • 10 ngân hàng yếu kém vẫn được huy động và cho vay
  • “Dọn dẹp” hệ thống ngân hàng: Thống đốc đang làm như thế nào?
  • Cả chục ngân hàng nguy cơ 'sập tiệm' nhưng không công bố
  • "Dọn dẹp" hệ thống ngân hàng: Thống đốc đang làm như thế nào?
  • PG Bank dồn lực vào mảng bán lẻ
  • Cách nhìn khác về lợi nhuận ngân hàng
  • Thị trường bảo hiểm 2012: Cơ hội trong khó khăn
  • Hé mở lợi nhuận Techcombank
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!