Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Tuy vậy, khắc phục những bất cập trong chính sách BHXH nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho NLĐ là bài toán khó cho các cơ quan thực hiện chính sách này.
Thời gian qua, bảo hiểm xã hội VN đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Thông qua các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và mới đây là bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã được hưởng những quyền lợi thực tế. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2008, tồn dư của Quỹ BHXH là gần 84.000 tỷ đồng bởi tình trạng nhiều đơn vị, nhất là các DN khu vực ngoài quốc doanh trốn tránh, nợ đọng trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Nguy cơ âm quỹ BHXH
15 năm qua, BHXH VN đã nỗ lực đưa chính sách BHXH vào cuộc sống. Số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã tăng đáng kể. Nếu như năm 1996, đối tượng tham gia là 2,85 triệu người, thì dự kiến hết năm 2009, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt gần 9 triệu người (tăng hơn ba lần so với năm 1995 và đạt khoảng 82% số đối tượng phải tham gia). Bình quân mỗi năm, số tham gia BHXH mới tăng hơn 400 nghìn người. Với việc từng bước mở rộng đối tượng BHXH tự nguyện, đến nay có gần 50 nghìn người tham gia.
Thống kê cho thấy, mỗi tháng toàn ngành thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp hằng tháng cho khoảng 2 triệu người và hằng năm chi trả cho hàng triệu lượt người hưởng trợ cấp BHXH một lần. Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đã bảo đảm thực hiện tốt, đầy đủ, chính xác, kịp thời không để xảy ra trường hợp bị chậm lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Trong lĩnh vực BHYT, đến nay số người tham gia BHYT đã tăng nhanh, đến cuối năm 2008 đã có 39,7 triệu người tham gia, chiếm 45,5% dân số, trong đó tham gia BHYT tự nguyện là 10,69 triệu người. Dự tính đến hết năm 2009 có khoảng 47 triệu người tham gia BHYT, đạt 55% dân số cả nước. Ðối với chính sách BH thất nghiệp, đến nay BHXH VN đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và hầu hết đã lập đầy đủ danh sách tham gia.
Từ năm 1995 đến nay, Quỹ BHXH luôn tồn dư, đến cuối năm 2008 số tồn dư của Quỹ là gần 84 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Quỹ đang có nguy cơ mất cân đối do lượng đóng ít, lượng hưởng nhiều. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, trong số các đơn vị chi trả thu nhập gồm: DN, cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, tổ chức quốc tế có khoảng 8,854 triệu người đồng thời tham gia BHXH và BHYT, bằng khoảng 60% tổng số lao động đang làm công ăn lương. Song nhiều đơn vị, nhất là các DN khu vực ngoài quốc doanh thường trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho người lao động khiến quỹ BHXH, BHYT thất thu lớn. Cùng với đó, tình trạng nợ đọng tiền đóng BHXH có xu hướng gia tăng. Nếu như năm 2005 nợ đọng BHXH là 1.063 tỷ đồng, thì năm 2008 đã lên tới 2.286 tỷ đồng. Theo tính toán của BHXH VN, đến năm 2030 tổng thu - chi BHXH sẽ bằng nhau và đến năm 2040, Quỹ BHXH có nguy cơ âm (-).
Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ
BHXH VN sẽ tập trung thực hiện BHXH đối với mọi người lao động dưới hai hình thức bắt buộc, tự nguyện tiến tới thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, QH, Chính phủ cần nghiên cứu để cấp mã số An sinh duy nhất cho từng cá nhân, nhằm tiết kiệm chi phí xã hội và tạo điều kiện tốt hơn trong việc phục vụ nhu cầu nhân dân tham gia BH. BHXH VN kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung quy định trong Luật BHXH, BHYT; sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan cho phù hợp với nội dung quy định của Luật BHXH, BHYT và sớm hướng dẫn thực hiện một số nội dung về BHXH, BHYT phát sinh trong thực tế thực hiện còn vướng mắc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao những thành tựu mà BHXH mang lại song cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc thực hiện BHXH, đặc biệt là hiệu đầu tư của quỹ BHXH hiệu quả chưa cao, chủ yếu thực hiện mua trái phiếu của Chính phủ, cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay. Trong giai đoạn tới, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHXH; thực hiện quỹ hưu trí bổ sung, tạo điều kiện để người lao động tiết kiệm thu nhập để khi về già ngoài phần lương hưu cơ bản hiện nay, còn có thể có thêm phần lương hưu bổ sung.
Đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị cần xây dựng chiến lược phát triển BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đặc biệt là đối tượng làm công ăn lương trong khu vực DN tư nhân để đạt khoảng 90% đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc vào năm 2015. Bên cạnh đó, từng bước triển khai thực hiện BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp một cách hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2016 trở đi, tiếp tục tăng mức đóng góp vào các quỹ BHXH để bảo đảm sự bền vững của Quỹ BHXH. Thực hiện chính sách BHYT đối với trẻ em tùy theo hoàn cảnh gia đình để giảm sức ép thâm hụt quỹ BHYT.
Trước những khó khăn mà BHXH VN đang gặp phải, ông Ðặng Như Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp hữu hiệu, nhằm tránh mất cân đối dẫn đến vỡ Quỹ BHXH. Với những nỗ lực của các ngành chức năng, chính sách BHXH sẽ tiếp tục hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống của người lao động và đảm bảo an sinh xã hội.
(Theo Hoàng Lan // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com