Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng 2012: Khác biệt hay là chết!

Khủng hoảng tài chính và sự sụp đổ liên tiếp của các ngân hàng đầu tư lớn vừa qua đã khiến cả các ngân hàng lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải nhìn lại chiến lược phát triển. Công nghệ thông tin là đòn bẩy để phát triển ngân hàng bán lẻ - một phân khúc màu mỡ tại Việt Nam.
 
 
Khủng hoảng tài chính và sự sụp đổ liên tiếp của các ngân hàng đầu tư lớn vừa qua đã khiến cả các ngân hàng lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải nhìn lại chiến lược phát triển. Nhiều ngân hàng giờ đây đang chú ý nhiều hơn đến phân khúc tín dụng bán lẻ.

Xu thế tất yếu

Theo bà Karylyn Seet, chuyên gia phân tích của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moddy’s, thị trường tín dụng bán lẻ của Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai thác và tốc độ tăng trưởng của ngân hàng bán lẻ dự kiến có thể đạt tới 30-40%/ năm. Trong bối cảnh kinh tế chưa sáng sủa, nhận định của bà Karylyn khiến nhiều ngân hàng trước nay vốn chạy đua huy động và cho vay tín dụng phải chú ý nhiều hơn đến phân khúc ngân hàng bán lẻ.

Thuận lợi khá căn bản là ở chỗ, thị trường Việt Nam có hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động, đồng thời, tầng lớp trung lưu và cư dân đô thị tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên hiện thời chỉ mới có khoảng 22% dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng. Với đối tượng chủ yếu là khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dịch vụ ngân hàng bán lẻ có nhiều cơ hội để phát triển. Theo thống kê, Việt Nam đã có 33 triệu thẻ thanh toán, hơn 15.000 máy rút tiền tự động (ATM) và 72.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS). Số thẻ đã gia tăng nhanh chóng từ 14,7 triệu thẻ trong năm 2008 lên gần 3 lần, đạt hơn 40 triệu thẻ ở thời điểm hiện nay. Trong khi đó, Công ty Nghiên cứu thị trường Mỹ Research & Markets cũng đưa ra đánh giá, thị trường thẻ Việt Nam là một thị trường năng động hàng đầu thế giới với mức tăng trưởng khoảng 18,5% từ nay đến năm 2014.

Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, 80% số ngân hàng trên địa bàn này đặt ra mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ.

Ðòn bẩy kinh doanh cho ngân hàng bán lẻ

Việt Nam đạt 34,8% dân số sử dụng công nghệ thông tin và được xếp hạng 86/154 so với thế giới năm 2010

Nhận định về việc phát triển ngân hàng bán lẻ tại Hội thảo Asian Banker Forum, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietinbank, cho rằng, công nghệ thông tin đóng vai trò cốt lõi để các ngân hàng bán lẻ đẩy mạnh thị phần của mình. Thông qua việc phát triển các dịch vụ mới như ATM, internet banking, mobile banking,…các ngân hàng không chỉ giảm thiểu chi phí hoạt động mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ.

Công nghệ thông tin còn giúp các ngân hàng triển khai các giao dịch mới như: gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, nộp thuế, chuyển tiền kiều hối trực tiếp với nước ngoài. Một số ngân hàng ở Việt Nam đã triển khai các ứng dụng này. Cụ thể, Techcombank - ngân hàng bán lẻ tốt nhất năm 2011 của Việt Nam (Vietnam Retail Bank of the Year) - danh hiệu do tạp chí Asian Banking and Finance đánh giá, đã tuyên bố sẽ trở thành ngân hàng bán lẻ tốt nhất của Việt Nam vào năm 2015. Theo đó, Techcombank hiện đang phát hành 10.000 thẻ/ngày, thu hút hơn 1 triệu khách hàng mới/năm và xử lý hơn 2 triệu giao dịch/ngày.

Theo ông Bharah Natarajan, Phó Chủ tịch cao cấp, Giám đốc khối Sản phẩm ngân hàng bán lẻ của Polaris Software, đơn vị hiện đang triển khai ngân hàng lõi (core banking) cho rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam, khách hàng Việt Nam hiện nay có xu hướng giao dịch với ngân hàng ở bất cứ đâu qua internet và điện thoại di động, đặc biệt là giới trẻ, cán bộ nhân viên văn phòng, công chức nhà nước. Đáng mừng là hệ thống hạ tầng công nghệ và sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại hội thảo về pháp luật thương mại điện tử Việt - Nhật ngày 24/11/2011, Việt Nam được xếp hạng 86/154 so với thế giới năm 2010 và đạt 34,8% dân số sử dụng công nghệ thông tin so với mức trung bình của thế giới là 30,2%.

Khác biệt hay là chết?

Và dù 80% ngân hàng đều cho thấy tham vọng cũng như những nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin để phát triển ngân hàng bán lẻ thì không phải ngân hàng bán lẻ nào cũng có thể biến công nghệ thông tin thành đòn bẩy thật sự của mình. Ông Phạm Anh Tuấn nhận định: "Công nghệ thông tin là đòn bẩy cho ngân hàng bán lẻ, nhưng sử dụng công nghệ như thế nào để tạo sự khác biệt là vấn đề của từng ngân hàng". Vì đi sau nên các ngân hàng Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn công nghệ tiên tiến. Dù vậy, ông Tuấn cho biết, đầu tư công nghệ không chỉ phải phù hợp với định hướng phát triển chiến lược lâu dài của ngân hàng mà còn phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và đặc biệt là phải mang đến những giá trị gia tăng khác biệt thì mới có thể cạnh tranh với những dịch vụ ngân hàng bán lẻ đang nở rộ tại hầu hết các nơi.

Moddy’s dự kiến 30 - 40%/ năm là tốc độ tăng trưởng của ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam với đối tượng chủ yếu là khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam cảnh báo, phát triển công nghệ thông tin giúp giảm một số rủi ro cho khách hàng như rò rỉ thông tin, tiết kiệm chi phí cho ngân hàng, song thu nhập sẽ không đủ để chi trả cho chi phí trong những năm đầu phát sinh. Do đó, một số ngân hàng vẫn còn xem nhẹ vấn đề này, chỉ đầu tư chung chung chứ chưa thật sự tạo được khác biệt. Ngoài ra, bảo mật thông tin cũng là một vấn đề lớn, nhưng dường như chưa được các lãnh đạo các ngân hàng quan tâm đúng mức.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM, các ngân hàng cần có kế hoạch phân bổ và sử dụng hợp lý hệ thống POS, ATM… Ông Dũng nhấn mạnh, hoạt động thanh toán thẻ, POS, máy rút tiền tự động ATM… hiện nay chưa đạt hiệu quả cao. Các ngân hàng thương mại cần liên kết lại với nhau để vừa tận dụng khai thác được cơ sở hạ tầng, tiết kiệm đầu tư vừa có thể phát triển các dịch vụ thế mạnh riêng của từng ngân hàng.

Sau năm 2015, thị trường bán lẻ sẽ là thị trường chủ đạo mà các ngân hàng nước ngoài tập trung khai thác mạnh sau khi đã đặt chân vững chắc vào thị trường Việt Nam. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Dũng, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần phải chú trọng giữ vững thị phần, đồng thời quan tâm thực sự tới thị trường mới trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ với nhau và đặc biệt là với khối ngân hàng nước ngoài vốn có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh trong mảng ngân hàng bán lẻ.

(Theo Doanh Nhân)

  • Ngân hàng Việt và những góc khuất
  • Hoạt động ngân hàng 2011: Được và chưa được
  • Tái cơ cấu ngân hàng: “Hòa bình” thay vì “bạo lực”
  • Nợ của Vinashin tại BIDV: “Không nên quá lo lắng”
  • Hợp nhất: Ông chủ ngân hàng được lợi lớn
  • Tiền đã đi thì khó về
  • Ngân hàng lo hạ trần lãi suất
  • Bốn cách kiểm tra nhanh tiền thật, giả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!