Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng ngậm ngùi nhìn tiền tiết kiệm ra đi

Mặc dù mức trần lãi suất tiền gửi 10,49%/năm được các ngân hàng áp dụng cho hầu hết kỳ hạn, nhưng không ít ngân hàng vẫn phải ngậm ngùi nhìn tiền tiết kiệm ra đi.

Nhiều khoản tiền gửi được rút ra khỏi ngân hàng để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, chi tiêu, kể cả tìm kiếm cơ hội đầu tư khác vào dịp cuối năm. Chính điều này đã dẫn đến căng thẳng về cung - cầu vốn hiện nay và khiến không ít ngân hàng gặp khó khăn trong cân đối nguồn, nên buộc hạn chế cho vay ra.

Một số ngân hàng đã phải mượn vốn trên thị trường liên ngân hàng để đáp ứng tạm thời tính thanh khoản. Vì thế, lãi suất liên ngân hàng tăng nóng lên đến 12%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi dân cư tại các ngân hàng vẫn chỉ tối đa 10,49%/năm.

Lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng bằng VND ở các kỳ hạn qua đêm trong tuần qua tiếp tục tăng 0,46%/năm. Cụ thể, lãi suất bình quân qua đêm đạt mức 8,22%/năm, tăng 0,46%/năm so với kỳ trước. Lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại dao động ở mức 9,48%-10,65%/năm. Kỳ hạn 3 tháng có mức lãi suất bình quân cao nhất đạt 10,65%/năm...

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, việc huy động vốn khó khăn trong những tháng cuối năm là điều khó tránh khỏi đối với các ngân hàng, bởi theo thông lệ, vào thời điểm này, việc huy động vốn luôn diễn ra chậm.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, kịch bản thiếu vốn vào cuối năm là điều tất yếu, bởi đây là giai đoạn nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu thanh toán, chi tiêu... cao hơn bình thường.

Khó huy động được tiền nhàn rỗi, các ngân hàng buộc phải hạn chế cho vay ra. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp nhà nước có quan hệ tín dụng lâu năm với ngân hàng quốc doanh đã bắt đầu chuyển sang “gõ cửa” khối ngân hàng thương mại cổ phần.

Nguyên nhân là do các ngân hàng thương mại nhà nước đã khóa dần cửa tín dụng và hẹn lại đầu năm tới sẽ cố gắng giải ngân. Song do nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng, nhất là với khối thương mại cổ phần không còn dồi dào như trước nên phát triển tín dụng trong tháng còn lại của năm 2009 đã được khép lại.

Thực tế này được chứng minh rất rõ qua dư nợ cho vay tiêu dùng, hỗ trợ lãi suất. Hiện các ngân hàng đã co dần khoản vốn cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, thay vì mạnh tay cung ứng vốn cho khách hàng như 3 quý đầu năm.

Theo số liệu thống kê của NHNN, dư nợ cho vay có hỗ trợ lãi suất đã liên tục giảm trong 2 tuần đầu của tháng 12/2009. Mặc dù có tăng nhẹ lại trong tuần thứ 3 của tháng này, song tính đến ngày 10/12/2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cũng chỉ đạt trên 414.828 tỷ đồng, tăng 0,18% so với tuần trước đó.

Còn với chủ trương hỗ trợ lãi suất trung, dài hạn được kéo dài đến cuối năm 2010, nhưng các ngân hàng cho biết, khó có thể đẩy mạnh cho vay, bởi tiền huy động về chủ yếu ngắn ngày, nhất là trước nguy cơ lạm phát có khả năng tái bùng phát.

Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng phổ biến ở mức 11-12%/năm. Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến từ 15-17%/năm.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, với tình hình huy động vốn như hiện nay, cộng với chi phí vốn đầu vào gia tăng, trong khi cho vay ra vẫn vướng trần, nên việc phát triển tín dụng sẽ được ngân hàng tính toán chặt hơn.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, khả năng lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh vào đầu năm 2010 tùy thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả quý IV/2009, đồng thời, cùng với áp lực huy động vốn gia tăng trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010, sẽ là lý do để lãi suất cơ bản được điều chỉnh.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, có thể trước mắt lãi suất cơ bản sẽ chưa thay đổi, song nếu NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ như hiện nay thì lãi suất cơ bản có thể sẽ được điều chỉnh.

(Đầu Tư)

  • Chờ đợi…
  • Ngân hàng thế giới cần thời gian để thực hiện những quy tắc mới
  • Ngân hàng còn ách tắc gì?
  • Bảo hiểm xã hội: Ngổn ngang những mối lo
  • Bảo hiểm xã hội: Những vấn đề từ cuộc sống
  • “Xếp hạng” lợi nhuận ngân hàng 2009
  • Lợi nhuận của OceanBank đã vượt kế hoạch năm
  • HSBC cung cấp dịch vụ thu hộ phí bảo hiểm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!