Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thắt chặt quản lý hoạt động ngân hàng

Tuy còn nhiều tranh cãi nhưng hầu hết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong các quy định của dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Một trong những chủ đề được bàn bạc sôi nổi nhất trong phần cho ý kiến về Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 17/12 là việc Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục điều hành lãi suất trực tiếp như hiện nay hay chuyển sang điều hành gián tiếp.

Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng: "Lãi suất cơ bản đang được áp dụng là không thực. Trên thế giới hiện nay chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc điều hành lãi suất trực tiếp thông qua hình thức này".

Theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, nên thay thế lãi suất cơ bản hiện nay bằng một nhóm lãi suất, trong đó chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa ngân hàng trung ương với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể can thiệp để bình ổn thị trường lãi suất.

Trái ngược với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng lãi suất cơ bản đã cho thấy nhiều ưu điểm trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua ông vẫn "rất tâm đắc" với chính sách này:

"Điều hành lãi suất như hiện nay là cách tạo ra độ trễ, giúp nền kinh tế dần thích ứng với các thay đổi của chính sách tiền tệ. Nếu bỏ lãi suất cơ bản, các chính sách dễ tác động ngay, trực tiếp và dễ gây sốc", ông Hiển cho biết.

Có cùng quan điểm với Ủy ban Tài chính - ngân sách, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận và Phó chủ tịch Trần Thế Vượng cho rằng không có lý do để từ bỏ chính sách lãi suất cơ bản bởi ngoài chức năng một ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn là một bộ phận của Chính phủ, có chức năng điều tiết, quản lý nền kinh tế.

Liên quan đến vai trò, địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước, đa số đại biểu phản đối ý kiến cho rằng nên xây dựng Ngân hàng Nhà nước trở thành một cơ quan độc lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu Trần Thế Vượng, không thể tách Ngân hàng Nhà nước khỏi Chính phủ vì sẽ rất khó để xác định địa vị của cơ quan này trong bộ máy quản lý nhà nước.

Đối với các quy định về Hội đồng chính sách tiền tệ, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng Hội đồng nên được trao quyền quyết định các chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cùng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Hội đồng này chỉ nên giữ vai trò tư vấn. Thành phần Hội đồng cũng do Thống đốc toàn quyền quyết định.

Về Luật các tổ chức tín dụng, hai nội dung được các đại biểu tranh luận nhiều nhất là các quy định đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng và quy chế công bố thông tin.

Đa số đại biểu nhất trí với phương án thắt chặt các quy định an toàn đối với hoạt động tín dụng trong điều kiện hiện nay, trong đó có các quy định về cấm sở hữu chéo cổ phần giữa các ngân hàng, không cho phép ngân hàng thương mại cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, hạ tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa mà một cá nhân, tổ chức đầu tư vào một tổ chức tín dụng khác...

Theo giải trình của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng sở hữu chéo cổ phần của các ngân hàng hiện diễn ra khá phức tạp. Không chỉ các ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng nhỏ, tiềm lực tài chính chưa dồi dào vẫn sở hữu cổ phần của nhau. Điều này vô cùng nguy hiểm, nếu một ngân hàng gặp rủi ro, có thể nguy hiểm cho toàn hệ thống.

Trong khi đó, thực tế cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng trong thời gian qua đã cho thấy: ngoài việc gây rủi ro đối với hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn với thị trường chứng khoán. Do đó, cơ quan soạn thảo chủ trương không khuyến khích hoạt động này.

Đối với việc sở hữu cổ phần của cá nhân, tổ chức tại các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng theo lộ trình, đã cam kết, các ngân hàng thương mại phải có vốn điều lệ ít nhất 10.000 tỷ đồng vào năm 2015. Nếu tiếp tục giữ mức sở hữu tối đa của cổ đông như hiện nay (10% với cá nhân và 20% với tổ chức), khả năng thâu tóm, lũng đoạn thị trường rất có thể sẽ xảy ra. Vì lý do này, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa tại tổ chức tín dụng xuống còn 5% với cá nhân và 10% với các tổ chức.

Đối với nội dung về quy chế công bố thông tin, các đại biểu cho rằng nên xây dựng luật theo hướng công khai nhưng thận trọng. Luật các tổ chức tín dụng sẽ quy định rõ nội dung và thời điểm công bố thông tin về việc một tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng theo dõi đặc biệt sao cho vừa cho thấy tính minh bạch, vừa đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo kế hoạch cả hai dự thảo luật nói trên sẽ được hoàn thành trước tháng 4/2010 để kịp trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp thứ 7, khóa XII.

(VnExpress)

  • Tín dụng cho xuất khẩu năm 2010 sẽ tăng mạnh
  • Ngừng cho vay nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ
  • Vietcombank đạt 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế
  • Ngân hàng ngậm ngùi nhìn tiền tiết kiệm ra đi
  • Chờ đợi…
  • Ngân hàng thế giới cần thời gian để thực hiện những quy tắc mới
  • Ngân hàng còn ách tắc gì?
  • Bảo hiểm xã hội: Ngổn ngang những mối lo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!