Một vị đại biểu là thành viên ủy ban Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội băn khoăn rằng vốn vay dư nợ huy động tăng, nhưng cho vay gần như không tăng thì vốn ngân hàng đi đâu? Phải chăng vào trái phiếu Chính phủ? |
Dù chưa hẳn đã đủ thuyết phục, song những băn khoăn, thắc mắc của không chỉ của một vị đại biểu Quốc hội về điều hành chính sách tiền tệ, trong ít phút phát biểu của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế cuối tuần trước cũng đã có câu trả lời.
Trước tiên, về con số tăng trưởng tín dụng được cập nhật đến ngày 18/4 là 1,4% (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước), ông Tiến đồng ý với nhiều nhận xét là đến thời điểm này là “chậm”, nhưng theo ông, đã bắt đầu có yếu tố tích cực.
Theo giải thích của Phó thống đốc, nếu chỉ nhìn vào số dư nợ tín dụng thì không tăng, tuy nhiên nhìn vào diễn biến thì thường các tháng đầu quý 1 các doanh nghiệp và các hộ gia đình hoàn trả ngân hàng, nên cho vay tháng 1 và 2 bao giờ cũng thấp hơn thu nợ.
Vì vậy mặc dù cho vay tháng 1 là 570 nghìn tỷ đồng và tháng 2 là trên 400 nghìn tỷ đồng, nhưng doanh số thu nợ cao hơn nên dư nợ giảm nhưng thực tế vốn mới vẫn được đưa ra cho sản xuất.
Đến tháng 3 thì đã cho vay hơn 600 nghìn tỷ và doanh số thu nợ thấp hơn và xu hướng này tiếp tục trong tháng 4. Với xu hướng này và các giải pháp sẽ triển khai, thì có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng như mong muốn, Phó thống đốc lạc quan.
Liên quan đến lãi suất, ông Tiến chia sẻ mong muốn của doanh nghiệp muốn lãi suất cho vay thấp hơn nữa, song điều này “phụ thuộc vào điều hành vĩ mô và đặc biệt là khả năng kiềm chế lạm phát. Còn Chính phủ từ tháng 3 vẫn có chủ trương điều hành lãi suất thấp hơn nữa và chúng tôi vẫn điều hành theo hướng này”, ông Tiến cho hay.
Về tình hình lạm phát, ông Tiến cho rằng nếu loại trừ yếu tố có tính chất thời vụ thì lạm phát của tháng 4 không phải là 0,2% mà là 0,54% và cùng kỳ lúc này khoảng 10%. Chưa kể đến phân tích rất đáng chú ý tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nếu không tăng giá theo các biện pháp hành chính do nhà nước quản lý thì khả năng lạm phát năm 2013 khoảng 6 -7%.
Tuy nhiên, với than, điện phải theo giá thị trường, tăng lương tối thiểu còn là vấn đề bỏ ngỏ, 7 tỉnh - thành phố chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế…, ông Tiến nhìn nhận là có khá nhiều yếu tố có thể tác động khiến lạm phát tăng cao.
“Vì thế, chúng tôi không chia sẻ được sự lạc quan của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn là khả năng kiểm soát lạm phát trong tầm tay và cần tập trung vào dư địa của chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng và giảm tiếp lãi suất”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng nói lại quan điểm tại báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, là chính sách tiền tệ đã được khai thác tối đa, dư địa không còn nhiều nên vẫn kiến nghị Chính phủ trong bối cảnh thu ngân sách đạt thấp, đầu tư khu vực nhà nước giảm thì việc sử dụng chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác mới là cơ bản. Còn nếu chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ và tiếp tục giảm lãi suất thì sẽ phải cân nhắc thêm.
Trước đó, một vị đại biểu là thành viên ủy ban Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội băn khoăn rằng vốn vay dư nợ huy động tăng, nhưng cho vay gần như không tăng thì vốn ngân hàng đi đâu? Phải chăng vào trái phiếu Chính phủ? Trước băn khoăn này, ông Tiến khẳng định trái phiếu Chính phủ không được thống kê vào tăng trưởng tín dụng.
Vậy tại sao tăng trưởng cho vay thấp? Đặt câu hỏi này rồi trả lời luôn, ông Tiến tỏ ý đồng tình với quan điểm cần phân tích về tổng cầu của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Bởi đây là nguyên nhân cơ bản làm cho nhu cầu vay vốn thấp. Cho hay là tới đây Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia sẽ bàn về chuyên đề tín dụng, ông Tiến hy vọng nghiên cứu của các chuyên gia, nhà quản lý sẽ làm sáng tỏ hơn vấn đề này.
Trước phản ánh của một số đại biểu về việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, ông Tiến dẫn thông tin mới được VCCI công bố cho thấy khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tìm đầu ra cho sản phẩm. 78% doanh nghiệp cho rằng hàng tồn kho cao là trở ngại lớn nhất, ông nhấn mạnh.
Nhắc lại băn khoăn về con số thật và tỷ lệ giảm nợ xấu của môt số đại biểu, ông Tiến cũng trấn an rằng, “các đồng chí không phải băn khoăn là nợ xấu biến đi đâu, nợ xấu không chỉ nằm chết, mà luôn luôn được xử lý bằng nhiều biện pháp, nên giảm xuống là điều bình thường”.
Cuối cùng, liên quan đến quản lý vàng, nhắc lại ý kiến của đại biểu Lê Nam là dường như chỉ thấy Ngân hàng nhà nước đi bán vàng, Phó thống đốc nói, ông “có chút băn khoăn”.
Khẳng định các giải pháp quản lý thị trường vàng trong đó có đấu thầu vàng nằm trong chủ trương của Chính phủ. Song, “rất không may mắn thị trường vàng thế giới biến động rất bất thường, các nhà đầu tư tài giỏi nhất cũng đang ôm hận cả rồi”, ông Tiến giải trình.
Cũng theo lý giải của ông thì giá vàng trong nước còn chênh với nước ngoài là do cầu trong nước cao hơn, nhưng nhu cầu dân mua vàng không lớn, mà do khu vực ngân hàng có nhu cầu lớn vì phải cân đối lại nguồn huy động vàng trước đây.
“Chúng tôi tin rằng, chỉ một thời gian nữa như cầu của dân không lớn, khi ngân hàng dừng huy động và cho vay bằng vàng thì thị trường sẽ ổn định hơn và giá vàng có điều kiện giảm thấp, lúc đó thông tin về thị trường vàng sẽ giảm dần trên mặt báo”, ông Tiến nói.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com