Một số chuyên gia kinh tế cho rằng,vàng trong nước đang bị chi phối bởi lợi ích nhóm và để ổn định thị trường vàng trong nước cần kiên quyết loại bỏ sự chi phối này.
Nhập lậu vàng khối lượng lớn, phát hiện lại nhỏ giọt Người dân chịu thiệt thòi vì nhóm lợi ích thâu tóm thị trường
Một chuyên gia kinh tế từng nói, chưa một quốc gia nào có tình trạng vàng hóa, đô la hóa mạnh như Việt Nam. Trong khi nền kinh tế còn bao nhiêu vấn đề còn phải lo thì vàng, “đô” lại trở thành thông tin nóng sốt hàng ngày khiến người dân không thể không quan tâm.
Tâm lý bất ổn cộng với cơ chế quản lý thị trường vàng thiếu hiệu quả là một trong nhiều lý do khiến những cơn sốt vàng năm nào cũng “đến hẹn lại lên” làm xáo trộn nhiều trật tự trong nền kinh tế. Tình trạng xuất nhập lậu gia tăng ảnh hưởng tới giá trong nước và nguồn ngoại tệ cũng vì thế lên cơn sốt theo.
Khi còn là Phó Thống đốc NHNN ông Nguyễn Văn Bình đã từng cho biết, trung bình mỗi năm nhập khẩu vàng lậu khoảng từ 20 đến 40 tấn vàng. Trong khi đó, trên thực tế việc các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ vàng nhập lậu gần như rất ít.
Còn TS. Lê Đăng Doanh thì đặt câu hỏi, tại sao nhập lậu nhiều như vậy trong hàng bao nhiêu năm trời lại không ai có ý kiến gì?!. Rõ ràng ở đây có một số lực lượng nào đấy đã lợi dụng cơ chế này để buôn lậu vàng và kiếm lãi rất lớn.
Thực tế cho thấy, buôn lậu vàng cần phải có nguồn đô la quy mô lớn, cần có đường dây, cần phải có móc nối với nước ngoài. Nhưng đã nhiều năm qua vẫn không có lực lượng chức năng nào phát hiện ra. Đây là câu hỏi lớn mà đến giờ vẫn bị bỏ ngỏ lời đáp.
Cũng theo TS. Doanh, bất cập trong quản lý thị trường vàng còn liên quan tới lợi ích nhóm. “Ngay như việc xuất khẩu vàng, nói là vàng trang sức nhưng thực tế lại là vàng nguyên chất. Người ta biết rất rõ là khi xuất ra nước ngoài người ta chỉ nấu lại là thành vàng cục ngay lập tức…” - TS Lê Đăng Doanh nói.
Sự nhập nhèm này chính cơ quan chức năng đã nhận thấy và đã có sự can thiệp bằng Thông tư 111/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Văn bản này đã tăng thuế suất 10% đối với các sản phẩm bằng vàng, đồ kỹ nghệ vàng, vàng trang sức hoặc kim loại dát phủ vàng có hàm lượng từ 80% trở lên (thay cho quy định vàng trang sức có hàm lượng 99% trở lên mới phải chịu thuế xuất khẩu 10%).
Mọi động thái đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng lách thuế do hầu hết vàng nguyên liệu xuất khẩu trong thời gian vừa qua được chuyển thành vàng trang sức mà không phải chịu một đồng thuế nào. Tuy vậy, khi còn nằm trên bàn giấy, Thông tư này cũng đã chịu nhiều phản đối từ phía nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Cần loại bỏ sự chi phối lợi ích nhóm bằng luật pháp
Là doanh nghiệp kinh doanh vàng nhưng ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cũng đã có ý kiến đánh giá về thị trường vàng Việt Nam. Ông Châu cũng đề cập tới câu chuyện các nhóm lợi ích thâu tóm thị trường là các Tập đoàn tài chính và doanh nghiệp vàng.
Mỗi khi có sự biến động về giá, các nhóm lợi ích này dùng nguồn lực sẵn có cùng tung hứng gây khan hiếm vàng và đẩy giá vàng nội lên cao một cách bất thường so với giá vàng thế giới.
Có lý khi nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường vàng trong nước rất khó dự đoán, bởi thị trường đã nằm trong tay những nhóm lợi ích và được các nhóm điều khiển theo ý muốn mà không theo quy luật nào.
Ông Châu nhấn mạnh, khi nhóm lợi ích xả hàng cũng là lúc giá vàng sụt giá nhanh chóng khiến chính các doanh nghiệp kinh doanh vàng và người dân phải chịu thiệt thòi vì phải mua lúc giá đỉnh, lại bán ở giá đáy.
Nói về sự biến động bất thường của thị trường vàng trong nước hồi đầu tháng 8 vừa qua, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay đã tăng 36%, trong 8 tháng.
Riêng từ đầu tháng 8 đến 23/8, giá vàng đạt đỉnh cao khoảng hơn 1.900 USD/ounce, trong 10 ngày đó giá vàng đã tăng xấp xỉ 18%. Với mức độ tăng của giá vàng như vậy cũng làm cho những người có tiền cảm thấy dễ “xúc động”.
Từ tháng 4 cho đến hết tháng 7, có một chiều hướng chung trên thị trường là dân đã bán vàng ra. Từ đầu tháng 8 khi giá vàng thế giới tăng cao, khiến người dân đang muốn bán vàng ra phải dừng lại suy nghĩ, vì sợ bán ra ngày hôm nay, ngày mai giá lại tăng sẽ bị thiệt thòi.
Trong khi đó lại cũng có người rất muốn mua vàng vì nghĩ mua ngày hôm nay, biết đâu ngày mai giá lại tăng và với tốc độ tăng cao của vàng thế giới thì sẽ có lãi.
Đó là những yếu tố khách quan tạo ra tâm lý là người bán thì không muốn bán nữa và người mua lại tăng lên. Điều này đã tạo ra những nhu cầu, hay tạo ra sự khan hiếm trong ngắn hạn đối với thị trường vàng và lợi dụng việc này giới đầu cơ đã khoét vào sự mất cân đối giữa cung và cầu để làm giá, trục lợi.
Dư luận đến nay vẫn đặt dấu hỏi, vậy sau nhiều năm qua, thị trường vàng liên tiếp bị giới đầu cơ làm giá, trục lợi sao chưa một lần cơ quan chức năng vào cuộc tìm cho ra thủ phạm? Đến giờ người dân vẫn không thể có câu trả lời "ông lớn" đứng sau các nhóm lợi ích đó là ai?
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc thị trường vàng không chỉ được can thiệp bằng biện pháp hành chính mà cần đến cả yếu tố pháp luật trong đó, để đủ sức nặng răn đe…
Tuy vậy, xét đến cùng thì quản lý nhà nước đối với thị trường vàng mới là yếu tố quan trọng để lái thị trường đi đúng hướng. Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VAFI mới đây đã khẳng định rằng kết thúc vàng hóa là rất dễ dàng và đơn giản nếu làm kiên quyết và không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.
VAFI cho rằng chống vàng hóa tức là xóa bỏ hoàn toàn thị trường kinh doanh vàng miếng. NHNN từ từ tổ chức thu mua vàng miếng trong dân theo giá quốc tế để tăng dự trữ ngoại hối dưới dạng vàng vật chất, chuyển đổi sang ngoại tệ mạnh, nếu theo cách này thì NHNN có thể thu mua được 15 tỷ đô la trong nhiệm kỳ của Tân Thống đốc Nguyến Văn Bình.
Cũng theo VAFI, một khi đã công khai tuyên bố xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng thì lượng người mua vàng sẽ giảm đi 90%, thị trường mất thanh khỏan hoàn toàn thì làm gì còn có đầu cơ, việc gì phải mất thời gian công sức để đối phó với những cơn sốt vàng mà bất lực chẳng làm được gì.
TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, để ổn định thị trường và để thị trường không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, NHNN phải công khai minh bạch cơ chế quản lý và chịu sự giám sát của một cơ quan khác. Bên cạnh đó cần nghiên cứu sửa đổi quản lý theo cơ chế thị trường, giảm thiểu sự can thiệp hành chính nhà nước.
Đinh Bách // VnMedia
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com