Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập với kinh tế toàn cầu, tham gia và chịu sự tác động chung của quy luật thị trường. Tuy nhiên có điều nghịch lý là trong khi quy luật vận động của nền kinh tế thế giới theo chiều hướng chung thì nội tại nền kinh tế nước ta đang ẩn chứa không ít mâu thuẫn.
Những ngày gần đây, người dân đổ xô đi mua vàng, mua ngoại tệ, trong khi giá vàng, giá ngoại tệ tăng một cách bất thường. Điều lạ là trong khi trên thị trường thế giới, USD mất giá, vàng lên giá, còn với Việt Nam, giá USD tăng, giá vàng cũng tăng và tiền đồng Việt Nam mất giá một cách bất bình thường. Khi thị trường lên xuống một cách bất thường thì người dân với tâm lý đám đông nhao vào mua bán vàng, ngoại tệ khiến thị trường bất ổn và là cơ hội cho những kẻ đầu cơ trục lợi.
Theo số liệu thống kê thì lượng vàng dự trữ trong dân tại Việt Nam là khoảng 1.000 tấn vào cuối năm 2009 với tổng trị giá hơn 40 tỉ USD. Điều này đưa Việt Nam trở thành thị trường vàng lớn thứ 5 thế giới. Mặc dù đây chỉ là số liệu tương đối, tuy nhiên dù lượng vàng nắm giữ hiện nay là 800 tấn hay 1.000 tấn, nếu quy ra bằng tiền đồng hay USD, đó là con số vô cùng lớn.
Người dân Việt Nam có thói quen tích lũy vàng từ nhiều năm nay. Trước những đợt biến động giá vàng trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân đã đổ xô mua vàng và ngoại tệ. Có thể thấy, vàng đã len lỏi vào định giá hàng hóa, dự trữ và dẫn đến vàng hóa. Và điều này cũng kéo theo không ít hệ lụy. Tiền vốn luẩn quẩn ở các thị trường vàng và ngoại tệ mà không đổ vào sản xuất trực tiếp sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế, bởi chỉ có hoạt động sản xuất trực tiếp mới tạo giá trị gia tăng thực sự. Trong khi đó các ngân hàng không huy động được vốn, đặc biệt là vốn tiền đồng.
Để huy động được nguồn vốn, các ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút vốn. Lãi suất các ngân hàng huy động cao thì càng gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi vì doanh nghiệp kêu ca lãi suất cao bóp nghẹt hoạt động của họ, trong khi ngân hàng cũng khốn khổ vì huy động phải tăng mạnh nhưng cho vay ra không thể tăng tương ứng, tỷ suất lợi nhuận giảm mà rủi ro cũng tăng cao hơn. Nếu cứ để tình trạng chạy đua tăng huy động tiếp diễn thì sẽ không hề tốt cho doanh nghiệp, ngân hàng, lẫn toàn bộ nền kinh tế.
Một thực tế, chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian qua gia tăng mạnh gần chạm mốc được coi là mục tiêu kiểm soát lạm phát đang đặt ra nhiều vấn đề. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ giảm bớt áp lực lên tỷ giá và đây là biện pháp tích cực để ngăn chặn lạm phát. Tuy nhiên vẫn còn nghịch lý là lãi suất cao và lạm phát cũng cao. Trong khi đó, theo lý thuyết kinh tế, lãi suất cao lẽ ra phải góp phần kiểm soát lạm phát.
Nhằm hạ nhiệt thị trường vàng và ngoại tệ, một loạt các chính sách của Chính phủ đưa ra gần đây như tăng quota nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp, tăng lãi suất cơ bản và can thiệp thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, những biện pháp điều chỉnh của Chính phủ có thể mang lại sự ổn định trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài nếu không giải quyết ổn thỏa các nghịch lý và cần có biện pháp trung gian chứ không đơn giản bằng cách ngăn cấm giao dịch ngoại tệ, mua bán và huy động vàng. Bởi làm như vậy, chỉ kiểm soát được thị trường chính thức mà không kiểm soát được thị trường tự do. Và như thế tình trạng thị trường hoạt động không theo quy luật mới từng bước được điều tiết.
Theo đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang chứa đựng hai khu vực hoạt động là hoạt động kinh tế ngầm (chiếm khoảng 30%) và khu vực hoạt động chính thức (chiếm 70%). Nếu thể chế của Nhà nước hoạt động tốt sẽ thúc đẩy số 70% phát triển, song nếu điều tiết không đúng, không phù hợp với thực tiễn thì cho dù là khu vực chính thức, doanh nghiệp cũng tìm cách lách luật để tìm hướng phát triển cho mình. Chính vì vậy, nền kinh tế nước ta vẫn phát triển nhưng là phát triển không ổn định và bền vững, nếu thể chế điều hành vẫn không có những chuyển biến căn bản.
(Báo SứcKhoẻ và Đời Sống)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com