Những bản hợp đồng ký kết cũng đang được hy vọng nhiều từ sau những cuộc gặp gỡ ban đầu này…
Hàng trăm cuộc gặp gỡ giữa các nhà đầu tư đã diễn ra trong Hội nghị Gate way to Việt Nam, nghĩa là đã có hàng trăm cơ hội được tạo ra từ những cuộc gặp đó.
“Thị trường Việt Nam hấp dẫn”
Cơ hội không chỉ dành cho chính các doanh nghiệp Việt Nam, mà cơ hội còn đến với các nhà đầu tư nước ngoài, những quỹ đầu tư đang có những mong muốn thực sự được bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam, và cả những quỹ đang muốn được mở rộng hơn nữa quy mô, thị phần tại Việt Nam…
Hơn 200 quỹ đầu tư nước ngoài đã đến tham dự Hội nghị Gate way to Việt Nam. Và họ không đến với nghĩa chỉ là để góp mặt, mà đến với những mong muốn thực sự, tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam. Thậm chí có những quỹ đầu tư còn có mục tiêu rõ ràng với một lượng vốn rõ ràng sẵn sàng đổ vào Việt Nam.
Ông Mark Hurt - Giám đốc Quỹ Frontier cho biết: “Quỹ của tôi hiện đã huy động một lượng vốn khoảng vài triệu USD và đang muốn tìm cơ hội giải ngân. Thị trường Việt Nam đang là cơ hội khá hấp dẫn đối với chúng tôi với nhiều lý do, trong đó đặc biệt là bởi chúng tôi cho rằng thị trường Việt Nam đang là một trong những thị trường rẻ nhất tại châu Á. Cổ phiếu của nhiều công ty đang ở mức rẻ khó tưởng tượng”.
Cùng chung quan điểm thị trường Việt Nam đang ở mức hấp dẫn để đầu tư, đại diện của quỹ đầu tư VAM tại Việt Nam còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt tại một số ngành nghề cụ thể như tiêu dùng, viễn thông hay ngành thép.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Quỹ VAM cho biết: “Ngành thép chúng tôi cũng quan tâm, nhất là các công ty ngành thép đang gặp khó khăn nhiều, nhưng những lúc khó khăn như thế này là lúc cổ phiếu có giá rất rẻ. Tôi nghĩ khi doanh nghiệp bắt đầu hồi phục thì cổ phiếu của họ sẽ được phục hồi rất nhanh”.
Có một điều khá đặc biệt trong Hội nghị, đó là việc đã có không ít quỹ đầu tư đang có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết. Kể cả các quỹ đã đầu tư nhiều vào những doanh nghiệp này và các quỹ ít đầu tư trước đó. Đại diện của Quỹ Drgon Capital chia sẻ, họ đang có kế hoạch huy động một lượng vốn trên 100 -150 triệu USD để chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết.
Không chỉ là vốn...
Tại Hội nghị lần này, bên cạnh các doanh nghiệp đã có tên tuổi, có thương hiệu thì cũng có sự góp mặt của không ít các doanh nghiệp trẻ, nhưng được đánh giá là có nhiều tiềm năng. Và đó cũng là đích ngắm của các quỹ đầu tư nước ngoài, các quỹ mà trước đó chỉ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp có thương hiệu.
17 doanh nghiệp lớn trong một số ngành kinh tế đang phát triển năng động đã trực tiếp tham dự Gateway to Việt Nam năm nay. 17 doanh nghiệp mặc dù chưa phải là tất cả song cũng có thể coi là tiếng nói chung đại diện cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, tiếng nói mong muốn được phát triển hơn nữa, không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn vươn tầm ra thị trường quốc tế.
Tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, có những doanh nghiệp đặt mục tiêu cụ thể là cần vốn, song có nhiều doanh nghiệp khác lại đang cần nhiều sự hỗ trợ hơn thế.
Trong bối cảnh việc tiếp cận nguồn vốn chưa dễ dàng, đặc biệt là với doanh nghiệp khu vực tư nhân, thì những mong muốn được tiếp thêm các nguồn vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài luôn được xem là một trong những lý do đầu tiên của các doanh nghiệp trong nước khi đến với Hội nghị năm nay. Chính vì thế, một số doanh nghiệp đã nhắm đến mục tiêu đầu tiên là các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính.
Ông Trần Tô Tử - Trưởng ban Kiểm soát Công ty Thép Pomina, cho biết: “Chúng tôi cho rằng trong tương lai không chỉ Pomina mà các doanh nghiệp khác đều cần nguồn vốn lớn không chỉ trong nước mà phải là từ nước ngoài, đi xa hơn thì phải cần nhiều vốn hơn… Mời gọi các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính thử tham gia trước, sau đó có chọn lọc nhà đầu tư có tính chất chuyên ngành ngành thép để hỗ trợ không chỉ là tài chính mà còn chuyên môn”.
Song ngược lại có những doanh nghiệp ngay từ đầu đã xác định nhà đầu tư nước ngoài phải là những người đồng hành cùng doanh nghiệp, chứ không phải là những nhà đầu tư tài chính đơn thuần.
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG-HOSE) cho biết, quan điểm Công ty Hùng Vương là tìm nhà đầu tư có lựa chọn, không phải là nhà đầu tư tài chính đơn thuần kiếm lãi rồi đi ra, Công ty Hùng Vương chọn nhà đầu tư đồng hành phải am hiểu đồng hành cùng phát triển lâu dài, không phải để quảng cáo, mua bán cổ phiếu mà tìm đối tác thực sự.
Không đề cập đến việc đối tác phải như thế nào, mà ngược lại nêu rõ mục tiêu tăng trưởng cụ thể của chính doanh nghiệp mình là cách tiếp cận nhà đầu tư của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ điện tử - viễn thông (Elcom). Đặt mục tiêu tăng trưởng cao, cả doanh thu và lợi nhuận cho 3 năm tới tăng khoảng 60%, nên cái Elcom cần không chỉ là vốn.
Ông Phan Chiến Thắng - Tổng giám đốc Elcom nêu rõ, Elcom cần vốn, kỹ năng quản lý, thị trường, đặt vấn đề hỗ trợ khác, cần sự đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước, bổ sung vốn, hỗ trợ tư vấn quản lý, hỗ trợ thẩm tra kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhưng trước hết là cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nguồn lực để duy trì tăng trưởng.
17 doanh nghiệp, nhưng là với 200 quỹ đầu tư… hàng trăm cuộc gặp mặt chính thức, nhưng là gấp nhiều lần hơn thế những cuộc trao đổi bên lề. Không thể đếm hết có bao nhiêu tấm danh thiếp đã được trao tay. Và những bản hợp đồng ký kết cũng đang được hy vọng nhiều từ sau những cuộc gặp gỡ ban đầu này…
(NDHMoney)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com