Một trong những "lỗ hổng" dễ thấy nhất của công tác giám sát hoạt động của các tập đoàn, TCty nhà nước là việc giám sát việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại DN. Công tác giám sát này vừa trống hành lang pháp lý, vừa thiếu cơ sở thực hiện.
Bởi vậy, mặc dù nhiều chủ thể giám sát hoạt động của DNNN nhưng rút cục khi DNNN đổ bể, hậu quả xảy ra lại không cơ quan nhà nước nào đứng ra gánh trách nhiệm.
Cha chung không ai khóc
Theo đại diện nhóm tư vấn chính sách tài chính (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) phân tích: Trước khi DNNN chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp từ 1.7.2010, mô hình quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN khá phân tán, cho dù nguyên tắc là tập trung. Nhà nước là chủ sở hữu Cty nhà nước; Chính phủ thống nhất quản lý và trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu (CSH), gồm các chủ thể từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan (Nội vụ, LĐTBXH); UBND cấp tỉnh; hội đồng quản trị (HĐQT) đối với Cty nhà nước có HĐQT và TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Mô hình này có ưu điểm là đã phân cấp, uỷ quyền rõ ràng hơn quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu, các tổ chức thực hiện chức năng đại diện CSH đối với Cty nhà nước, tách bạch quyền và trách nhiệm của các bộ, UBND tỉnh với quyền và trách nhiệm của DN trong quản lý vốn nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mô hình này lại chồng chéo chức năng đại diện CSH và chức năng quản lý nhà nước của các bộ, UBND tỉnh khiến quản lý nặng về hành chính, nhẹ vai trò CSH. Tư duy quản lý nhà nước bị áp đặt vào tư duy kinh doanh khiến làm cản trở hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đại diện nhóm tư vấn phân tích: Luật DNNN 2003 có quy định ban kiểm soát có vai trò giám sát, giúp việc cho HĐQT, vì thế việc giám sát hoạt động của chính HĐQT là... không thể. Vì thế, đại diện CSH tại DN thực chất lại không có các công cụ giám sát hoạt động DN, khó phát hiện sai phạm, thường thì qua các báo cáo thường niên khi phát hiện việc sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả, ngập ngụa trong nợ nần, thua lỗ, DN đến miệng vực phá sản như vụ Vinashin thì sự đã rồi. Đây chính là lỗ hổng lớn trong quản lý giám sát, đặc biệt là với các tập đoàn, TCty nhà nước.
"Ngay cả quy định, HĐQT là đại diện trực tiếp của CSH nhà nước tại Cty nhà nước cũng hết sức chồng chéo, vừa có nhiều quyền hơn thông lệ như được quyền bổ nhiệm chính mình, tiếp nhận các thành viên của CSH, nhưng GĐ lại do Bộ quản lý ngành, cơ quan ngang bộ bổ nhiệm, ở tập đoàn, TCty nhà nước do Thủ tướng bổ nhiệm", TS Trần Tiến Cường - Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển DN (thuộc CIEM) nhận định. Thực trạng này dẫn đến không có ai chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả hay sự đi lên, hay đi xuống của Cty nhà nước.
Cần cơ chế cá nhân chịu trách nhiệm
Viện Quản lý kinh tế T.Ư đang là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ dự kiến trong tháng 12 tới, đề án đổi mới việc quản trị DN và giám sát hoạt động của DNNN. Theo đó, một trong những ý kiến được đưa ra là cần thiết phải có một tổ chức hệ thống cơ quan đại diện CSH vốn nhà nước tại DN từ trung ương đến địa phương. Cơ quan này dự kiến đặt tại một bộ, nhưng không thuộc hệ thống hành chính, là cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến 3 vấn đề cốt lõi của DN là hoạt động sản xuất kinh doanh, bổ nhiệm nhân sự và quản lý vốn, tài sản nhà nước. Vấn đề vẫn chưa đi đến ngã ngũ bởi có ý kiến cho rằng, nếu đã là cơ quan độc lập, lấy mục tiêu hiệu quả kinh doanh làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DN thì cơ quan này phải có vị trí, vai trò độc lập, không nên trực thuộc bộ, ngành nào. Làm không khéo vừa hình thành bộ máy trung gian mới, vừa không bảo đảm khách quan, công bằng khi thực hiện các quyền của CSH đối với các DNNN dưới quyền.
Hiện có tới 3 phương án đổi mới mô hình quản lý DNNN nhưng xem ra chưa ngã ngũ. Củng cố vai trò của CSH trên cơ sở mô hình hiện nay hay triển khai mô hình tập trung với một cơ quan độc lập làm đại diện đặt trực tiếp dưới sự điều hành của Chính phủ hoặc Quốc hội. Không tránh lúng túng khi đề xuất mô hình này vì nhiều lẽ, song các chuyên gia kinh tế đều thiên về nhận định rằng, dù đề xuất mô hình chủ sở hữu tập trung hay phân tán thì một nguyên tắc không thể không thực hiện là cần có quy chế cá nhân chịu trách nhiệm về việc ra quyết định, thay vì kéo dài tình trạng "cha chung không ai khóc" như hiện nay để đồng vốn của Nhà nước, tiền của nhân dân được sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Nhà nước cần tiếp tục giảm số DNNN nắm giữ cổ phần chi phối và chỉ tập trung vào các lĩnh vực then chốt, trọng yếu của nền kinh tế.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com