Vừa qua nhiều dự án BĐS du lịch dạng "khủng" vào Việt Nam nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Đã đến lúc cần một chiến lược dài hạn hơn là làm theo kiểu cắt miếng, chia lô mặt biển, đối núi như hiện nay.
Công bố nhiều, thực hiện ít
Ngoài dự án Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An được cấp phép vào những ngày cuối cùng của năm 2010 thì trước đó đã có rất nhiều dự án đình đám về bất động sản du lịch (BĐS) như: dự án khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm Resort (Vũng Tàu) tổng mức đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD; dự án sân golf khách sạn Hoàng Đồng Lạng Sơn có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD và Khu phức hợp giải trí Happyland - Long An được xây dựng trên diện tích gần 700 ha với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD... Các dự án quy mô lớn này luôn được chào đón, kỳ vọng và tạo thuận lợi khi cấp phép nhưng khi triển khai không phải lúc nào cũng như cam kết.
Điển hình nhất trong năm 2010, một dự án khủng đã trở thành một dự án "ôi" khi không thể đóng nổi tiền ký quỹ và bị thu hồi giấy phép. CỤ thể, UBND tỉnh Quảng Nam mới ra quyết định thu hồi Dự án Bãi biển Rồng (Dragon Beach), với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,15 tỷ USD do công ty Dragon Beach Group làm chủ đầu tư. Dự án này đã một thời đình đám nhưng mãi không thực hiện đúng cam kết và sau nhiều lần thúc giục nhưng không thực hiện việc ký quỹ và chưa lập thủ tục, hồ sơ đầu tư theo quy định nên dự án "tỷ đô" này bị thu hồi.
Trong khi đó, một dự án hoành tráng khác là là Hồ Tràm Asian Coast ở Bà Rịa - Vũng Tàu có vốn đăng ký đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD nhưng đến nay chỉ mới thực hiện giải ngân đầu tư được số vốn rất ít, mấy chục triệu USD. Trong khi đó, hiện xuất hiện nhiều thông tin rao bán đất ở dự án này trên các trang mạng. Vì thế, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi của dự án này.
Trong khi đó, thông tin từ Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn vốn FDI vào tỉnh giai đoạn 2007 - 2010 là 20 tỷ USD. Trong đó, có 6 dự án vốn đăng ký đầu tư trên một tỷ USD nhưng đến nay có những đến nay có không ít dự án gần như chỉ tồn tại trên giấy, tốc độ triển khai cực kỳ chậm. Điều này khiến cho Bà Rịa - Vũng Tàu từ một địa phương có nhiều dự án tỷ đô nhất nước đang gánh "hậu quả" trong việc triển khai không như cam kết.
Trong khi đó, KKT Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đã có thời là điểm sáng về thu hút đầu tư khi có hàng chục dự án cam đăng ký và đa số là bất động sản du lịch. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án lại đang rơi vào tình trạng đình trệ hay chậm tiến độ.
Một ví dụ được nhắc đến là Dự án khu du lịch Diana Resort do Công ty cổ phần Dịch vụ đầu tư và Thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký 232 tỷ đồng với diện tích 20ha được khởi công vào năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2010 nhưng tới cuối năm 2010 chỉ mới xây được tường rào và khu nhà nhà bảo vệ, còn là là bỏ hoang. Hay Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô với tổng mức đầu tư đăng ký 4,8 triệu USD do Công ty TNHH Pegasus Fund 2 - Việt Nam cấp phép đầu tư năm 2006 với tổng diện tích đất khoảng 8,3ha dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2010, nhưng hiện tại chỉ mới xây dựng được một đoạn kè chắn sóng.
Cũng tại đây, hàng loạt dự án triệu đô khác như: Dự án Khu nghỉ dưỡng sân Golf - Đầm Lập An (do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lập An làm chủ đầu tư, Dự án khu du lịch Bãi Chuối với tổng vốn đăng ký khoảng 1.636 tỷ đồng do Công ty Cattigana(Singapore) đầu tư trên diện tích 100ha đều chưa triển khai theo đúng tiến độ.
Trước tình hình này, Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã nhiều lần cảnh bảo và thực hiện rút giấy phép một vài dự án bất động sản để cảnh cáo các nhà đầu tư nhưng xem ra mọi việc không có thay đổi nhiều. Tình hình này, rất có thể một số dự án sẽ được liệt vào dạng có thể bị rút giấy phép đầu tư trong thời gian tới.
Nguyên nhân chậm triển khai các dự án này được các địa phương nhận định là do năng lực tài chính nhà đầu tư hạn chế, thiếu vốn nên thường tìm cách trì hoãn, xin điều chỉnh quy hoạch dự án. Thậm chí, có nhiều DN chỉ đăng ký những dự án "hoành tráng" để được cấp phép nhưng sau đó lại tìm cách để sang nhượng, kiếm lời.
Tràn lan bất động sản du lịch
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại địa phương. Tuy nhiên, đến thời hạn cuối là 30/11/2010 mới chỉ có rất ít địa phương báo cáo. Trong các địa phương gửi báo cáo về có Thanh Hóa, Trà Vinh, Bình Phước, Bắc Giang. .. Tuy các địa phương không thuộc vùng "trọng điểm" về đầu tư BĐS du lịch - nghỉ dưỡng và không có nhiều lợi thế nhưng không vì thế mà BĐS du lịch ít đi. Nhiều dự án nhưng tình trạng chung vẫn là triển khai chậm và chưa mang lại hiệu quả.
Tại Bắc Giang, tuy không phải là tỉnh có thế mạnh thật sự về du lịch nghỉ dưỡng nhưng tại đây cũng đã có tới 13 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 682,24 tỷ đồng và 30 triệu USD, diện tích đất đăng ký là 1.000 ha. Trong số này, có 6 dự án khu du lịch sinh thái, 4 dự án khu nghỉ dưỡng và 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng có sân golf. Tỉnh cũng đã lập và công bố danh mục 4 dự án bất động sản du lịch, trong đó có dự án khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Hồ Cấm Sơn tại huyện Lục Ngạn có vốn đầu tư có thể lên tới 2.300 tỷ đồng.
Tại Thanh Hoá, trong số 36 dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, chỉ có 1 dự án đã đi vào hoạt động, 12 dự án đang giải phóng mặt bằng, 17 dự án trong giai đoạn lập dự án đầu tư và 6 dự án mới xin chủ trương đầu tư.
Cụ thể, khu du lịch Hải Tiến (Thanh Hoá), từ năm 2004 UBND tỉnh đã giao đất cho 7 doanh nghiệp với diện tích 130 ha nhưng đến nay chưa có dự án nào đi vào hoạt động. Dự án của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Euro có tổng vốn đầu tư 332 tỷ đồng, được lập từ tháng 3/2004 nhưng đến nay mới hoàn thành đưa vào khai thác hai căn biệt thự và một số hạng mục với tổng vốn đầu tư 31,6 tỷ đồng. Dự án của Công ty TNHH Thảo Thọ Quyến (Invenco) có tổng vốn đầu tư 331 tỷ đồng cũng được lập từ năm 2004, nhưng cho đến nay cũng chỉ mới hoàn thành mặt bằng và một số hạng mục hạ tầng với tổng vốn đầu tư 22,9 tỷ đồng.
Trong khi đó, Trà Vinh có 4 dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng đang nghiên cứu triển khai và đang kêu gọi đầu tư vào 2 dự án. Còn tỉnh Bình Phước đang kêu gọi đầu tư 3 dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, với tổng vốn đầu tư 1.464 tỷ đồng và 30 triệu USD, chiếm 5.237 ha đất.
Thực tế này cho thấy, BĐS du lịch, dù là một làn sóng rất được kỳ vọng nhưng triển khai trên thực tế không như mong muốn. Việc đầu tư tràn lan các dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, kéo theo nhiều vấn đề như quy hoạch đầu tư thiếu cân xứng, cơ cấu đầu tư không hợp lý, lãng phí đất đai... Rất nhiều chủ đầu tư do lập dự án với quy mô lớn nhưng năng lực tài chính có hạn nên mặc dù đã được các địa phương gia hạn thời gian thực hiện dự án nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn không đủ khả năng thực hiện cả dự án.
Với tình hình này, nhiều chuyên gia về BĐS đang lo ngại về một hậu quả không mong muốn của sự bùng nổ về bất động sản du lịch. Đó là hàng loạt dự án sẽ không thể triển khai, sự lãnh phí về đất đai, tiền bạc và gây ra những hậu quả về xã hội và môi trường.
Việt Nam có tiềm năng về du lịch nên việc phát triển BĐS du lịch là một tất yếu nhưng việc bùng nổ và tràn lan như thời gian qua là cả một vấn đề cần nhìn nhận lại. Đã đến lúc cần một chiến lược dài hạn hơn là làm theo kiểu cắt miếng, chia lô mặt biển, đối núi ra để làm dự án như hiện nay.
Chính vì thế, đại diện Tổng cục Du lịch mới đây đã cho rằng, cần mạnh tay thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không có khả năng triển khai, hoặc chậm triển khai. Đối với các dự án không có khả năng triển khai, hoặc chưa có kế hoạch sử dụng hết diện tích đất đã giao để chuyển cho các dự án đầu tư mới hoặc sử dụng mục đích khác có hiệu quả hơn.
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com