Người dân làm thủ tục vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Phát triển thị trường tài chính nông thôn để giải bài toán về vốn được xem là vấn đề cốt yếu trong chiến lược phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn Việt Nam. Quyết tâm là vậy, nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa mấy khả quan.
Đầu tư cho nông nghiệp còn khiêm tốn
Giai đoạn 2003-2007, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp chỉ đáp ứng 17% nhu cầu của khu vực này. Tuy vậy, thống kê gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn lại đang giảm dần từ năm 2007 đến nay.
Năm 2009, tổng nguồn vốn dành cho lĩnh vực này chỉ chiếm 6,26% tổng đầu tư toàn xã hội (giảm 0,19% so với năm 2008) trong khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP lên đến 20,91%. Nhìn sang các nước châu Á như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines... mức đầu tư của họ dành cho nông nghiệp, nông thôn thường trên 20% tổng chi ngân sách.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, do phần lớn người dân nông thôn có thu nhập thấp và cần những khoản vốn nhỏ nên “đầu mối” cung ứng vốn chủ yếu là ngân hàng hoạt động ở khu vực nông thôn, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng, các tổ chức tài chính quy mô nhỏ và các chương trình, dự án của Chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ.
Xét về mức đầu tư của Chính phủ, thông qua các dự án, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, cho rằng dù trong giai đoạn 2005-2009, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân 12%/năm (tính theo giá thực tế) nhưng tính đến cuối năm 2009, nguồn đầu tư này cũng chỉ chiếm 1,04% GDP. Đây là vấn đề thuộc về chính sách, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến khu vực này ở mức độ nào.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép trợ cấp cho nông nghiệp có thể lên đến 10% GDP của ngành, tương đương khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ. Nếu cộng thêm khoảng 4.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư hàng năm, ông Phong cho rằng có thể dôi ra đến 20.000 tỉ đồng để hỗ trợ nông nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2009, vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho khu vực nông nghiệp chỉ có khoảng 9.917 tỉ đồng. “Chúng ta hỗ trợ cho nông nghiệp còn quá ít!”, ông nói.
Nông nghiệp cũng không phải lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Rủi ro tiềm ẩn và thiếu tính hấp dẫn trong hoạt động kinh doanh được xem là lực cản lớn nhất trong việc thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp”, Tiến sĩ Thanh khẳng định.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, gây cản trở cho hoạt động thu hút vốn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này trong năm 2009 chỉ chiếm là 0,59% tổng vốn FDI. Trong đó, có 28 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và chỉ có một dự án thuộc lĩnh vực thủy sản, với tổng vốn đăng ký vỏn vẹn 134,5 triệu đô la Mỹ.
Đầu tư của Nhà nước thì vậy, còn các tổ chức tín dụng thì sao? Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ, tổng dư nợ tính đến cuối năm 2009 cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, 15,55% trên tổng dư nợ. Có ngân hàng như ACB, tỷ trọng dư nợ nông nghiệp chỉ chiếm 0,27% tổng dư nợ!
Vì sao?
Theo ông Nghĩa, vốn vay ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra thu nhập của các hộ gia đình nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nếu các nhân tố như FDI, đầu tư của Chính phủ... không đổi, nhưng vốn vay ngân hàng tăng thêm 1% thì thu nhập của các hộ gia đình sẽ tăng thêm khoảng 0,24%. Bên cạnh đó, vốn ngân hàng còn giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành nghề truyền thống và phân bổ hợp lý hơn nguồn lao động nông thôn.
Chỉ có điều, Tiến sĩ Thanh cho biết, với các ngân hàng, thường họ chỉ tập trung vào khách hàng có thu nhập cao với các khoản vay lớn. Một cán bộ tín dụng khu vực thành thị có thể “quản lý” dư nợ hàng trăm tỉ đồng với một vài khách hàng nhưng ở khu vực nông thôn họ chỉ có thể quản lý tối đa vài trăm triệu đồng tổng dư nợ, do lượng khách hàng quá lớn!
Với ngân hàng chính sách xã hội, dù có chủ trương tiếp cận các hộ nghèo và cận nghèo với các khoản vay nhỏ, nhưng thực tế cả những người... không nghèo cũng tiếp cận được nguồn vốn này. Nguyên nhân chính là nếu cho người nghèo và cận nghèo vay những khoản nhỏ, chi phí quản lý vốn của ngân hàng sẽ tăng cao và rủi ro tăng lên do nguồn chi trả của khách hàng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả trong khi đây là những yếu tố rất bấp bênh.
Về phía ngân hàng, theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt, trước đây một số ngân hàng quen với việc dựa vào diện tích đất của nông dân rồi định ra số tiền vay, ít quan tâm đến mục đích sử dụng vốn vay. Điều này vô tình tạo tâm lý cho nông dân là hễ có đất thì sẽ được vay, sử dụng vào việc gì là tùy họ. Vì vậy, gần đây Liên Việt đã từ chối nhiều hồ sơ xin vay đầu tư sản xuất, nhưng thực chất là để mua đồ dùng gia đình, mua đất, cho mượn, thậm chí để trả nợ... Mặt khác, do trình độ hạn chế nên một số nông dân thường bị ngân hàng từ chối cho vay khi đưa ra những phương án làm ăn thiếu thuyết phục.
Theo ông Phong, lý do chính vẫn là hệ thống chính sách của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn để tăng nguồn vốn đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. “Cần có hệ thống chính sách mạnh hơn, trong đó chú ý tăng cường vai trò của Chính phủ trong các hoạt động tín dụng nông thôn, tăng cường năng lực tài chính, đổi mới hoạt động của các tổ chức tín dụng”, ông đề xuất.
Còn Tiến sĩ Thanh thì cho rằng, để hạn chế rủi ro, giúp các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro nông sản cho nông dân, thay vì hỗ trợ để nông dân vay với lãi suất thấp.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com