Dù đã diễn ra cách đây tròn 1 năm, nhưng thế giới vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhắc tới sự sụp đổ của Lehman Brothers - một trong năm ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ có lịch sử 158 tuổi. "Cơn địa chấn" từ phố Wall này đã ngay lập tức châm ngòi cho sự lan rộng và leo thang của khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, dẫn tới cuộc suy thoái tồi tệ nhất của kinh tế thế giới kể từ năm 1930.
Suốt 1 năm qua, tác động tệ hại của "cú sốc" mang tên Lehman Brothers đã không ngừng lây lan tới từng ngõ ngách của thế giới. Nó dồn các thị trường tài chính - vốn đã lúng túng từ khi xảy ra khủng hoảng tín dụng thứ cấp một năm trước đó - rơi vào hoảng loạn thực sự và khiến dòng chảy tài chính đóng băng hoàn toàn. Cuộc khủng hoảng niềm tin trên khắp thế giới buộc các ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay, các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường và hoạt động kinh tế bị chậm lại. Tính ra đến nay, 1/5 sản lượng kinh tế toàn cầu đã bị "con quái" vật khủng hoảng nuốt trôi. Nói một cách cụ thể, để cứu nguy nền kinh tế thế giới, các quốc gia đã phải bỏ ra tới 11.900 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là nếu chia bình quân, mỗi người trong thế giới 6,7 tỷ dân này đã có thể có thêm 1.779 USD nếu cuộc khủng hoảng không xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Các khoản tiền chi ra để thế giới khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng, dù có nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn suy giảm kinh tế trầm trọng nhất dường như đã trôi qua.
Nhìn nhận một cách thực tế, cho dù đã xuất hiện một vài dấu hiệu ở nước này hay nước khác, ở khâu này hay khâu khác cho thấy sự tụt dốc đã có phần chững lại, song, tới thời điểm này, chưa ai có thể khẳng định chính xác bao giờ cuộc khủng hoảng toàn cầu sẽ kết thúc và kinh tế thế giới trở lại đà phục hồi mạnh mẽ. Nói một cách khác, cuộc chiến với "con quái vật" khủng hoảng đã để lại nhiều vết thương chằng chịt trên hệ thống tài chính thế giới được cho là có nhiều điểm đã lỗi thời. Vì thế, cho dù đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch, nền kinh tế thế giới cũng chưa thể lấy lại phong độ như cách đây 1 năm. Đây là lý do khiến người ta tin rằng, cuối năm nay hay đầu năm sau, tình hình kinh tế thế giới có đổi chiều đi nữa thì cũng mới chỉ là vượt ngưỡng âm. Để "bình phục" hoàn toàn, có lẽ kinh tế thế giới còn phải mất mấy năm nữa. Ngoài ra, nỗi lo thảm họa tương tự tái bùng phát vào một thời điểm nào đó trong tương lai vẫn luôn ám ảnh. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, cùng nền tảng chưa thật sự vững chắc của quá trình phục hồi kinh tế thế giới cho thấy, cuộc khủng hoảng vẫn còn khả năng tạo ra những biến động khó lường.
Không thể phủ nhận tính tích cực của các gói kích thích ồ ạt của chính phủ các nước trong thời gian qua đã khiến nền kinh tế thế giới khởi sắc. Thế nhưng, những yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững dường như vẫn chưa hội tụ. Việc tỷ lệ thất nghiệp có thể tiếp tục tăng cao trong năm 2010 là một nguy cơ thực sự khi gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề do người dân hạn chế tiêu dùng và tiềm năng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế bị triệt tiêu. Những hậu quả về mặt an sinh xã hội thậm chí còn nghiêm trọng hơn và là thách thức không nhỏ đối với bất kỳ chính phủ nào. Rõ ràng, tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới đang diễn ra trên một nền tảng tương đối yếu. Và để "làm lành vết thương" của nền kinh tế, không có lựa chọn nào khác ngoài phương án "trị bệnh tận gốc". Và chính cuộc khủng hoảng tài chính đã chỉ ra "cái gốc" mô hình thị trường tự do, phi điều tiết mà Mỹ và nhiều nước phương Tây "tôn sùng" suốt nhiều thập kỷ qua đã bị bật tung. Cũng từ đây, cục diện tài chính toàn cầu phải được kiểm soát chặt chẽ hơn và chính sách tài chính của thế giới đã không còn là độc quyền của một nhóm những cường quốc công nghiệp phát triển, mà phải được mở rộng đến những nền kinh tế mới nổi như Nga, Trung Quốc, Bra-xin, Ấn Độ...
Cũng không thể phủ nhận rằng, trong suốt thời gian qua, nhiều nỗ lực hợp tác đã được tung ra, từ G8 đến G20 rồi thậm chí cả Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã lần lượt tổ chức nhiều cuộc họp với hy vọng tạo được bước đột phá trong cuộc chiến chống khủng hoảng. Thế nhưng, kết quả của "những cú bắt tay" này mới chỉ nặng về hình thức chứ chưa thực sự đưa ra được một biện pháp thống nhất nhằm đẩy lùi một cách hiệu quả "cơn bão" tài chính đang hoành hành. Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước hàng loạt thách thức, rõ ràng việc tăng cường đối thoại bình đẳng và hợp tác cùng có lợi giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, nhằm giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thế giới đang trở thành đòi hỏi bức thiết. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là, trong một cơ cấu mở rộng với nhiều thành viên, việc tìm kiếm sự đồng thuận luôn là một trở ngại lớn. Rõ ràng, thế giới đang thiếu một cơ chế hợp tác thực sự để giải quyết những khó khăn, những nguy cơ lớn trong thời đại toàn cầu hóa.
Thế giới đang phải trả giá đắt cho việc để xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế của chủ nghĩa tư bản mà cuộc sụp đổ tài chính của Ngân hàng Lehman Brothers là điềm báo. Dù kịch bản tồi tệ nhất về sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống tài chính và tiền tệ thế giới đã không xảy ra, nhưng các nước vẫn còn phải lao đao thêm một thời gian nữa để thoát khỏi tác động của khủng hoảng và tìm lại con đường tăng trưởng năng động. Dù hầu hết các đầu tàu của nền kinh tế thế giới đã giành lại được thế chủ động, song danh sách những việc phải làm còn dài, rủi ro mắc phải sai lầm cũng khá cao. Đó chính là lý do vì sao nền kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn trước mắt. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải tiếp tục hợp lực để vạch ra một chiến lược giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề của thời kỳ hậu khủng hoảng.
(Theo Lâm Phương // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com