Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ Tài chính công bố 5 nhóm giải pháp "cứu" doanh nghiệp

Bộ Tài chính nhận định, những khó khăn của tình hình kinh tế vĩ mô đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể và phá sản, nợ đọng thuế gia tăng... Ngày 6/5, Bộ Tài chính đã công bố 5 nhóm giải pháp tài chính gỡ khó doanh nghiệp, thị trường.

Kinh tế vĩ mô đang ảnh hưởng tới doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính trong 4 tháng đầu năm 2012 tình hình doanh nghiệp vẫn khó khăn, hàng tồn kho và chi phí tài chính tăng cao. Khó khăn tập trung chủ yếu ở những ngành như xây dựng; bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (ô tô, xe máy, sắt, thép, cơ khí, thuỷ sản, dệt may...); chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp; dịch vụ, ăn uống; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; DNNVV và một số doanh nghiệp lớn, thậm chí cả doanh nghiệp ở những địa bàn lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương... 

Dù có những bước cải thiện nhưng nhiều vấn đề nổi cộm ngay trong quý I của năm 2012. Theo đó, tăng trưởng GDP quý I/2012 đạt 4%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2004 (ngoại trừ quí I/2009), trong đó ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 3,04%, xây dựng giảm 3,85%, ngành dịch vụ cũng tăng trưởng chậm lại. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm 2012 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2011, cũng là mức tăng thấp. Trong đó, sản lượng của nhiều ngành giảm như xi măng (đạt 93,5%), sắt thép (91,1%), xe có động cơ (84,1%), giầy da (93,5%)... 

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/04/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 32,1%, mức tăng tương đối cao so với cùng kỳ các năm trước, trong đó tập trung vào một số ngành như chế biến và bảo quản rau quả (tăng 94,8%), phân bón (tăng 63,4%), xi măng (tăng 44,2%), xe máy (tăng 38,9%), sản xuất trang phục (tăng 35,6%), chế biến thủy sản (tăng 35,2%), sản xuất xe có động cơ (tăng 31,6%). Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh ở các mặt hàng như: linh kiện phụ tùng ôtô; xăng dầu; linh kiện xe máy; nguyên phụ liệu cho sản xuất, xuất khẩu (vải, bông, sợi dệt…). 

Bộ Tài chính nhận định, những khó khăn của tình hình kinh tế vĩ mô đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Với số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể và phá sản, đã kéo theo đó là tình trạng nợ đọng thuế tăng, doanh thu giảm, chỉ số tài chính giảm, thu thuế nội địa và thu hải quan giảm…vv..

Doanh thu bán hàng hoá dịch vụ trong quý I/2012 giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khu vực DNNN giảm 14%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 21%, riêng khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN tăng 24%.

Hầu hết các ngành kinh tế đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ (15/21 ngành chính), như xây dựng giảm 26%; thương mại, bán buôn, bán lẻ giảm 22%; sản xuất giảm 9%; dịch vụ khách sạn, ăn uống giảm 8%…

Theo số liệu của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2011 của nhiều ngành giảm, như bất động sản (7,46%), xây dựng (12%), thép (14,46%)... Chi phí lãi vay tăng; Khả năng thanh toán lãi vay của đa số các ngành đều giảm so với năm 2010. 

Tổng thu nội địa quý I/2012 đạt thấp (140.813 tỷ đồng), chỉ bằng 96,9% so với cùng kỳ 2011, đây là năm đầu tiên thu nội địa giảm so cùng kỳ trong các năm gần đây (quý I/2011 tăng 40,9%, quý I/2010 tăng 37,6% so với cùng kỳ).

Số thu thuế giá trị gia tăng trong quý I/2012 (đạt 33.096 tỷ đồng), tăng 6% so với cùng kỳ 2011, là mức thấp nhất trong các năm gần đây (quý I/2011 tăng 26,2%; quý I/2010 tăng 35,6%).  

8/14 ngành có thuế GTGT nộp NSNN giảm mạnh so với cùng kỳ (bất động sản giảm 29,8%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm giảm 22,2%; vận tải, kho bãi giảm 16,4%; nông nghiệp - lâm nghiệp - thuỷ sản giảm 7,4%; xây dựng giảm 4%...). Tuy nhiên, cũng có một số ngành tăng khá so với cùng kỳ 2011 như công nghiệp chế biến, dịch vụ ăn uống, khách sạn, công nghiệp khai khoáng, sản xuất, phân phối điện, khí đốt. 

Trong quý I/2012, số thu thuế TNDN đạt thấp so với cùng kỳ (bằng 94,28%) và thấp hơn nhiều so với các năm 2009, 2010.

Riêng về nợ đọng thuế, tính đến hết tháng 2/2012, số thuế nợ tăng 28,5% so với 31/12/2011, trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN tăng 25,7%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 13,9%, khu vực DNNN tăng 4,3%. 

Một số ngành có số nợ thuế GTGT tăng cao so với cùng kỳ 2011 như bất động sản, vận tải, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nông- lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp khai khoáng, dịch vụ ăn uống khách sạn.

Tính đến giữa tháng 3, tổng số doanh nghiệp nợ thuế hải quan quá hạn là 8.465 doanh nghiệp (tăng 6,04% so với thời điểm 31/12/2011). Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 78,9%, khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN và khu vực DNNN chiếm tương ứng 10,6% và 10,5%. 

Nợ thuế hải quan quá hạn tập trung ở nhóm hàng hoá thành phẩm (riêng thuế xuất khẩu, nợ quá hạn chủ yếu từ nhóm hàng hoá nguyên vật liệu, sản phẩm thô).

5 nhóm giải pháp tài chính gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính cho rằng, song song với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng thì cần phải có những giải pháp tài chính để kịp thời tháo gỡ, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, chống suy giảm kinh tế, gắn với thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát ở mức 9%, phấn đấu đảm bảo tăng trưởng 6%. 

Ngày 6/5, Bộ Tài chính đã công bố 5 nhóm giải pháp, cụ thể: 

Nhóm giải pháp điều hành vĩ mô: Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tuỳ theo tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng và chỉ số giá tiêu dùng để hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

-Cơ cấu lại tín dụng, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, sử dụng nhiều lao động…, một số phân khúc trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản (nhà để ở, phát triển nhà ở trong khu đô thị…).

-Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng và thị trường chứng khoán thông qua phát triển thị trường chứng khoán và tiết kiệm giảm 5% - 10% chi phí quản lý ở 5 Ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

-Thực hiện các biện pháp thích hợp để tiết kiệm chi, tăng thu NSNN, đảm bảo thực hiện thắng lợi dự toán NSNN năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Nhóm giải pháp về chi tiêu công:Bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng (nâng tổng mức năm 2012 lên 4.000 tỷ đồng) cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn; Thực hiện quản lý, cấp phát thanh toán vốn đầu tư, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định và kịp thời cho các dự án phù hợp với kế hoạch và tiến độ thực hiện; tạm ứng vốn theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cho phép sử dụng khoản kinh phí mua sắm trong dự toán năm 2011 đã chuyển nguồn sang năm 2012 để thực hiện mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;  Rà soát việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho các hoạt động xúc tiến thương mại được giao năm 2012 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ tiếp trong năm 2012, trong đó tập trung để mở rộng thị trường có tiềm năng.

Trong nhóm giải pháp về thuế và phí, nhiều đối tượng sẽ được gia hạn thời gian nộ thuế GTGT; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2012; gia hạn thuế TNDN; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với các hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối; gia han thời gian nộp tiền sử dụng đất, giảm 30% thuế TNDN phải nộp trong năm 2012 (cho các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2011/QH13); 

Cũng trong nhóm giải pháp này, các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011 được miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN trong năm 2012. Thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô xe máy cũng được lùi thời hạn.

Nhóm giải pháp điều hành giá và trợ cấp: Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá, nhằm đảm bảo giá cả hàng hoá, đặc biệt là giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, phản ánh đúng giá trị thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ hàng hoá nhằm thao túng thị trường giá cả...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kết hợp với thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nguyên vật liệu quan trọng. 

Rà soát và thực hiện trợ giá xăng dầu, điện đầu vào cho một số lĩnh vực sản xuất/đối tượng (ngư dân đánh bắt xa bờ, sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo) nếu những mặt hàng này tiếp tục có biến động lớn về giá. 

Nhóm cải cách thủ tục hành chính thuế: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan nhằm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp.

Cụ thể: Rút ngắn thời gian thông quan; Tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng; Tiếp tục triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng; Đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế và hải quan thông qua các chương trình hiện đại hóa và thuế điện tử; Phấn đấu giảm 10-15% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Theo VnMedia

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Các chuyên gia kinh tế: Việt Nam cần sớm tái cơ cấu hệ thống tài chính
  • Doanh nghiệp 'chết' hàng loạt, ngân hàng 'sống khỏe'
  • Bức tranh của thị trường mua bán nợ Việt Nam: Bao giờ thành hình?
  • Tránh bài học đắt từ khủng hoảng nợ trên thế giới
  • TS.Nguyễn Minh Phong: Nợ công Việt Nam có thực sự an toàn?
  • Đổi lãi suất lấy tỷ giá và lạm phát: Hai mặt của một đồng xu!
  • Doanh nghiệp dám mặc cả với ngân hàng?
  • Chiến lược ba bước quốc tế hóa đồng NDT
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!