![]() |
Ảnh minh họa |
“Hình thức kinh doanh vàng trên tài khoản là hình thức đầu tư tài chính ở cấp cao, chuyên nghiệp và các nhà đầu tư ở Việt Nam có nhu cầu đầu tư. Hoạt động này hoàn toàn tương đồng với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa", bà Nguyễn Thị Yến (giảng viên Trường đại học Luật Hà Nội) nhận xét và cho rằng, ở mức độ nhất định, hoạt động này có nhiều nét tương đồng với hoạt động trên thị trường chứng khoán, nên việc cấm kinh doanh vàng là bất hợp lý.
Kinh doanh vàng trên tài khoản chỉ là một trong số những hoạt động trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện mà Bộ Công thương đang chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Việc xây dựng dự thảo này, với các danh mục hàng hóa dịch vụ bị cấm, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp khác nhau.
Nhiều luật sư lo ngại rằng, tư duy "không quản được thì cấm" trong quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh, có thể ảnh hưởng tới việc soạn thảo, xây dựng các danh mục này.
Theo LS. Cao Bá Khoát (Công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp K & Cộng sự), việc xây dựng danh mục cấm kinh doanh cần phải được đặt ra trên quan điểm cấm là vì ai, vì cái gì, để từ đó, tạo cơ sở tốt nhất cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt nhất theo quy định của pháp luật.
"Chẳng hạn, việc cấm dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là không cần thiết, bởi theo quy định của luật pháp, tổ chức cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật, thì phải làm hết trách nhiệm của mình. Còn nếu cấm điều tra bí mật như trên, chúng ta sẽ khó phát hiện hành vi tham nhũng", ông Khoát nêu dẫn chứng.
Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định cho rằng, việc ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh, dịch vụ bị cấm, kinh doanh có điều kiện như thế nào để có thể giúp các cơ quan quản lý và doanh nghiệp coi đây như một "cẩm nang". Qua đó, doanh nghiệp biết việc gì được làm và việc gì không được làm để lên chiến lược kinh doanh, thay vì cách tập hợp các quy định của các văn bản pháp quy chuyên ngành về điều kiện kinh doanh trong từng ngành như hiện nay.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Dự thảo Nghị định đã nâng số hàng hóa không được kinh doanh từ 18 lên 24 và nâng số dịch vụ không được kinh doanh từ 5 lên 10. Danh mục hàng hóa dịch vụ hạn chế kinh doanh cũng có điều chỉnh khi hàng hóa hạn chế kinh doanh được nâng từ 7 lên 8 loại (bổ sung thêm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vi chất dinh dưỡng…) và dịch vụ hạn chế được nâng từ 1 lên 4 (dịch vụ tổ chức luyện tập thi đấu các môn thể thao mạo hiểm; chứng thực chữ ký số công cộng; dịch vụ phá dỡ tàu biển).
"Danh mục hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện là nhận được nhiều phản ứng nhất của các doanh nghiệp. Với dịch vụ kinh doanh có điều kiện cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì hàng hóa được nâng từ 8 lên 15 loại và dịch vụ được điều chỉnh tăng từ 23 lên 34 loại. Danh mục hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chỉ có điều chỉnh nhỏ khi hàng hóa được nâng từ 15 lên 17 loại và dịch vụ là từ 46 giảm xuống còn 45", ông Nam khái quát những thay đổi của các danh mục hàng hóa dịch vụ bị cấm, hoặc kinh doanh có điều kiện trong Dự thảo.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com