Chỉ một ngày sau khi Ngân hàng nhà nước đứng ra “cầm trịch” thỏa thuận trần lãi suất huy động, cơ quan này cũng ngay lập tức chỉ đạo các chi nhánh cấp địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại.
Xử lý ngay vi phạm
Ngày 14-12-2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản số 9779/NHNN-CSTT nhằm bình ổn lãi suất huy động trên thị trường tiền tệ theo đề nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng thương mại tại cuộc họp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức cùng ngày. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam (lãi suất tiền gửi, lãi suất giấy tờ có giá...) của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân, bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm.
Như vậy so với thỏa thuận của Hiệp hội, trần lãi suất đã thấp hơn 1%. Thỏa thuận trước đó quy định lãi suất huy động tối đa là 14% nhưng cho phép “du di” cộng cả các hình thức khuyến mại không quá 15%. Như vậy có thể hiểu trên thực tế trần lãi suất huy động là 15% vì thời điểm này gần như không có ngân hàng nào không cộng thêm các hình thức khuyến mại để lôi kéo người gửi tiền.
Theo Ngân hàng nhà nước, mức lãi suất huy động tối đa 14% được thực hiện từ ngày 15-12-2010. Các tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm huy động vốn (hội sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm...) theo quy định.
Tại công văn số 9815 ngày 16-12, Ngân hàng nhà nước đốc thúc hoạt động kiểm tra tình trạng huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Theo đó, Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phải thực hiện ngay nhiệm vụ tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình thị trường tiền tệ, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường gây mất ổn định thị trường. Các chi nhánh chủ động tiến hành kiểm tra tình hình thanh khoản, hoạt động huy động và sử dụng vốn của các trụ sở và chi nhánh của tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn khi có các hoạt động bất thường, vi phạm quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa đã được thỏa thuận, đồng thời xử lý nghiêm khắc theo thẩm quyền; trường hợp nghiêm trọng vượt thẩm quyển phải báo cáo về Thống đốc Ngân hàng nhà nước xem xét xử lý.
Ổn định có bền vững?
Việc Hiệp hội ngân hàng phải “nhờ” đến Ngân hàng nhà nước đứng ra “cầm trịch” thỏa thuận đồng thuận lãi suất đã cho thấy sự bất lực của những thỏa thuận mang tính hình thức trước đó. Hiệp hội vốn không có chế tài nào xử lý các vi phạm. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại từng cho biết thỏa thuận thì cứ thỏa thuận, còn vi phạm thì chỉ đến nhìn nhau mà cười trừ chứ làm gì có biện pháp mà “xử”?
Dĩ nhiên Ngân hàng nhà nước có nhiều công cụ và biện pháp để “xử” những tổ chức tín dụng vi phạm cam kết và các tổ chức không đồng thuận không được. Các biện pháp có thể đưa ra để “răn đe” đều đánh vào lợi ích của tổ chức tín dụng như hạn chế mở chi nhánh, văn phòng hay cao hơn liên quan đến chuyển nhượng cổ phần, tăng vốn....
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cỡ trung bình ngay sau khi có thỏa thuận cho biết “chắc sẽ phải hạ lãi suất huy động xuống theo đúng cam kết”. Ý kiến này nhận xét các ngân hàng lớn thì đương nhiên ủng hộ cả hai tay còn với ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn. Đại diện này cũng không trả lời thẳng vào câu hỏi liệu chế tài mới có chặn được tình trạng thỏa thuận ngầm lãi suất hay không, mà chỉ cho rằng có thể sẽ giảm bớt.
Thực tế ngay sau khi có thỏa thuận lãi suất 14%, các ngân hàng thương mại đồng loạt trưng ra biển quảng cáo huy động theo đúng quy định và tất cả các con số đều đồng loạt như nhau. Điều đó cho thấy nếu trần lãi suất là một con số nào khác cao hơn thì chắc chắn cũng không ngân hàng nào “dám” đưa ra mức lãi suất thấp hơn trần.
Lãi suất huy động thực tế rút lui vào “bóng tối” là điều không khó để nhận ra. Thực tế quan sát tại một số điểm giao dịch, các nhân viên tín dụng tư vấn cho người gửi một cách cẩn trọng sau khi truyền hình thực hiện “quay lén”. Một cán bộ tín dụng than thở bây giờ hoạt động như “tình báo” vì bị cấp trên nhắc nhở.
Thực trạng này phản ánh nhu cầu huy động lãi suất cao vẫn có, dù không còn công khai. Công tác giám sát, kiểm tra là cả một vấn đề khi các điểm giao dịch lên tới hàng chục ngàn. Trường hợp này cũng không khác mấy tình trạng giám sát niêm yết giá hàng hóa suốt thời gian qua. Khi các ngân hàng muốn lách quy định thì có cả ngàn cách khác nhau. Bất cập đó cũng là biểu hiện của nhu cầu thực tế.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com