Trong Hội nghị nhóm tư vấn tổ chức sáng nay tại Hà Nội, các nhà đầu tư đã tỏ ra e ngại đối với tình trạng lạm phát đang gia tăng ở Việt Nam.
Báo cáo do Ngân hàng Thế giới đưa ra sáng nay, 7/12 trong khuôn khổ Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) tại Hà nội, nhận định: tỷ lệ lạm phát cao trong tháng 10 và 11 năm nay đã đột ngột tăng cao. Tính đến cuối tháng 11, tỷ lệ lạm phát cả năm đứng ở mức 11,1% trong khi đó lạm phát 11 tháng đứng ở mức 9,6%. Lạm phát giá lương thực hàng năm lên đến 14,8%, cao nhất kể từ tháng 4/2009.
Theo WB đánh giá, giá cả thường có xu hướng tăng từ giai đoạn tháng 11 đến tháng 2 năm sau do tăng cường xuất khẩu và hoạt động trong dịp Tết âm lịch. Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo lạm phát cho cả năm 2010 sẽ ở mức 10,5% - cao hơn nhiều so với mục tiêu 8% mà Quốc hội đề ra trước đó.
Về nguyên nhân, WB cho rằng, giá hàng hóa và sản phẩm công nghiệp tăng vẫn là những động lực chính gây ra tình trạng lạm phát tăng cao trong những năm gần đây. Việt Nam là một nền kinh tế mở cửa (tỉ trọng thương mại so với GDP lên đến gần 150%) và đồng tiền đang mất giá , sự tăng giá hàng hóa trên thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mặt bằng giá trong nước.
Xét từ góc độ lịch sử, Việt Nam luôn có tỷ lệ lạm phát cao hơn các nước láng giềng. Ví dụ, lạm phát trung bình ở Việt Nam trong 10 năm vừa rồi là khoảng 8,8%, so với con số 2,7% của Thái Lan và 5,1% của Philippines.
“Ở một mức độ nào đó, điều này có thể cho thấy mục tiêu chính sách của Việt Nam có sự thiên vị cố hữu, coi trọng mục tiêu tăng trưởng cao hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Sự thiên vị chính sách này còn được thể hiện thông qua một chính sách tiền tệ điều tiết. Và khi phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến, Chính phủ lại phải viện đến các cơ chế hành chính như kiểm soát giá cả, lập quỹ bình ổn giá”, Ngân hàng Thế giới nhận định.
Khác với câu chuyện lạm phát năm 2007, 2008, tình hình lạm phát gia tăng gần đây không đi đôi với sự tăng giá của mọi loại hình tài sản. Tính đến tháng 11, chỉ số VN Index đã giảm 8,8% kể từ đầu năm khiến chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường ảm đạm nhất khu vực.
Các dòng vốn đầu tư gián tiếp chỉ đạt 128 triệu USD trong năm 2009 và 600 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2010 (chưa tính đến đợt phát hành trái phiếu Chính phủ 1 tỷ USD), so với gần 6,2 tỷ USD trong năm 2007.
Giá vàng trong nước của Việt Nam luôn cao hơn và tăng nhanh hơn so với giá vàng thế giới.
WB đưa ra lời khuyên: Việt Nam cần có những chính sách thân thiện với thị trường hơn để đạt mục tiêu bình ổn giá, trong đó bao gồm việc sử dụng nhiều hơn chính sách cạnh tranh và chính sách tiền tệ.
Tại Hội nghị lần này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt NamTanizaki Yasuaki cũng cảnh báo, lạm phát cao và sự mất giá đồng tiền sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô của Việt Nam. Ông kêu gọi Chính phủ cần có ngay các biện pháp mạnh mẽ để trấn an người dân cùng các nhà đầu tư, các đối tác phát triển, nhằm gia tăng niềm tin vào đồng tiền nội địa.
(Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com