Lãi suất gây sốc Trái với kỳ vọng lãi suất (LS) sẽ giảm, ngay những ngày đầu năm 2011 nhiều doanh nghiệp, người vay tiền lại nhận được thông tin tăng LS. Mặt bằng LS cho vay mới lên đến 19-20%, ngang mức “đỉnh” của năm 2008. Trong khi đó tình trạng huy động vượt trần lại tái diễn với LS lên đến 16%/năm đang trở thành rào cản cho mục tiêu giảm LS. Thu hẹp sản xuất Ông Đ.B., giám đốc tài chính một công ty sản xuất thức ăn gia súc tại Long An, cho biết khi đặt vấn đề cần vay vốn ngắn hạn để sản xuất, nhiều ngân hàng (NH) đồng loạt đưa ra LS từ 18-20%/năm, có NH cổ phần đưa ra mức 21%/năm. Dù là doanh nghiệp lớn nhưng cuối cùng vẫn phải vay với LS 19%/năm. So với giữa năm 2010 LS đã tăng 4-5%/năm. Với LS cao như hiện nay, mọi kế hoạch đầu tư mới đều tạm gác lại, doanh nghiệp cũng tính toán giảm 30% nguyên liệu trữ so với thời điểm thông thường, giảm tối đa ngày tồn kho, chỉ ưu tiên trữ những mặt hàng đặc thù thay vì trữ trước nguyên liệu dùng cho 3-6 tháng tới. Doanh nghiệp cũng siết lại công nợ, có những chính sách khuyến khích khách hàng thanh toán ngay thay vì cho trả chậm như trước. Giá thành sản phẩm cũng phải điều chỉnh cho phù hợp tốc độ tăng của LS, tỉ giá và giá nguyên liệu nhập khẩu. Tương tự, ông T., giám đốc một công ty cáp viễn thông tại Q.2, TP.HCM, cho biết đã tạm gác lại kế hoạch đầu tư mới do không kham nổi LS. Mở cửa trở lại ngày 10-2 doanh nghiệp lập tức thông báo tăng giá cáp điện thêm 5%, cộng với mức tăng 10% trong tháng 1 tính ra giá thành sản phẩm trong một tháng qua đã tăng 15%. LS cao, doanh nghiệp cũng phải đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, để chắc ăn doanh nghiệp chỉ báo giá cho khách hàng trước năm ngày thay vì 15 ngày như trước. Nhiều khách hàng cá nhân có món vay từ cuối năm 2009, trong năm 2010 cũng “ngộp” bởi NH liên tục điều chỉnh LS. Trước đây với món vay khoảng 500 triệu đồng, hằng tháng trả vốn lẫn lãi khoảng 9 triệu đồng, nay phải trả đến gần 11 triệu đồng/tháng. Anh V., vay vốn mua nhà của một NH cổ phần, cho biết với tình hình như hiện nay phải thu xếp trả nợ trước hạn một phần vì đến kỳ điều chỉnh LS tiếp theo không biết LS lên đến bao nhiêu. Chưa cho vay trở lại Vay tiêu dùng lãi suất 56%/năm Theo số liệu của NH Nhà nước TP.HCM, LS cho vay sản xuất kinh doanh cao nhất trên địa bàn lên đến 19,5%/năm, LS cho vay phục vụ đời sống tại các NH cao nhất 21%/năm. Tuy nhiên tại các công ty tài chính LS cao gần gấp đôi. Cụ thể tại Công ty tài chính Prudential VN vay mua xe gắn máy LS lên đến 54%/năm, vay mua tivi, laptop LS 56%/năm.Lãi suất cho vay hiện vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: đóng gói thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH Thanh Bình - Ảnh: T.Mạnh
Cán bộ phụ trách tín dụng một NH cổ phần cho biết với mức LS như hiện nay, doanh nghiệp phải lãi trên 30% trở lên mới dám vay vốn. Thực tế khách hàng vay vốn thời gian gần đây chủ yếu rơi vào một số ngành như thép, thức ăn chăn nuôi, nông sản... còn doanh nghiệp nhiều ngành khác chờ LS giảm mới dám vay. Tuy nhiên theo vị cán bộ tín dụng này, trong ngắn hạn kỳ vọng LS giảm là khó vì huy động vốn rất gian nan. Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một NH tại Q.1 (TP.HCM) xác nhận NH chỉ đẩy mạnh huy động để ổn định thanh khoản chứ chưa cho vay trở lại. Là NH nhỏ nên LS huy động cũng phải “nhỉnh” hơn mới thu hút được khách hàng. Phần “nhỉnh” hơn được trả dưới nhiều hình thức: LS thưởng, lì xì, hái lộc đầu xuân, rút thăm trúng thưởng... tính ra lên đến trên 16%/năm. Với các khoản gửi lớn NH phải trả LS lên trên 16%/năm nên mức LS cho vay 19-20%/năm như hiện nay, theo vị tổng giám đốc này là “hợp lý”.
Ngay cả những NH lớn cũng có cơ chế “hai giá” LS. Một NH cổ phần lớn gần đây tung ra chương trình huy động VND đảm bảo giá trị theo vàng, theo đó khách hàng gửi từ 300 triệu đồng trở lên được trả LS lên đến 15,5-15,7%/năm, món gửi từ 1 tỉ đồng LS lên đến 16%/năm. Phần LS tặng thêm NH làm hợp đồng riêng trả vào cuối kỳ. Nhân viên NH cho biết đảm bảo giá trị theo vàng thực tế là cách để trả thêm LS vì chương trình huy động này không khác gì so với các huy động thông thường. Theo phó tổng giám đốc một NH lớn, thông thường sau Tết Nguyên đán nguồn tiền doanh nghiệp, người dân dồi dào hơn, các NH đều tranh thủ cơ hội này để đẩy nhanh huy động. Muốn hút tiền về NH phải tăng LS, khuyến mãi. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, muốn giảm LS trước mắt phải giải quyết những khúc mắc của thị trường, kể cả vấn đề tỉ giá, để tất cả vận động theo quy luật thị trường. Một khi giá cả được điều chỉnh lên mặt bằng giá mới thì doanh nghiệp mới hoạch định được hướng làm ăn, kinh doanh. Còn với tình hình hiện nay cả doanh nghiệp, người vay, NH đều trong tâm lý chờ đợi. NH Nhà nước cũng cần có giải pháp để giải quyết hài hòa quan hệ LS giữa VND và USD. Hiện LS huy động USD quá cao sẽ kích thích một bộ phận người dân chuyển sang cất giữ tài sản bằng USD, tạo áp lực lên tỉ giá, từ đó ảnh hưởng ngược lại LS. ÁNH HỐNG Chính phủ chuẩn bị có chỉ đạo về lãi suất, tỉ giá Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề cập đến chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai những nhiệm vụ trước mắt sau Tết Nguyên đán Tân Mão. Theo đó, NH Nhà nước chủ trì, chuẩn bị cho Thường trực Chính phủ họp trong tuần sau để sớm có chỉ đạo về điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng như điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường, đi liền với thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đối tượng nghèo, khó khăn. Về giá điện, Bộ Công thương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, bảo đảm không để thiếu điện, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, thu xếp, bố trí vốn để sớm khởi công các công trình, dự án điện trọng điểm, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiết kiệm điện. V.V.THÀNH
Nguồn: Tuổi trẻ Chính thức điều chỉnh tỷ giá lần đầu trong năm SGTT.VN - Ngày 11.2, ngân hàng Nhà nước cho biết, thống đốc ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng lên mức 20.693 VNĐ/USD và thu hẹp biên độ giao dịch từ +_ (cộng trừ) 3% xuống +_1%. Quy định này áp dụng cho ngày 11.2.2011. Theo ngân hàng Nhà nước, các biện pháp này sẽ tạo điều kiện để điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường. Chính sách trên còn được ngân hàng Nhà nước cho là sẽ góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn. “Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng tương đối linh hoạt trong thời gian tới”, ngân hàng Nhà nước khẳng định. Việc ban hành các quyết định trên nhằm thực hiện nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường ngoại hối. BẮC NAM// Theo SGTT Những công bố từ các ngân hàng (NH) về kết quả kinh doanh; lương, thưởng được tung ra gần đây như "những viên đá tảng ném giữa mặt nước tĩnh lặng” của những người lao động trong các ngành nghề kinh tế khác. Năm 2010, hầu hết các NH đều đạt lợi nhuận vượt dự kiến: ACB 3.100 tỷ đồng, tăng 9%; Techcombank 2.750 tỷ đồng, tăng 21%; Maritime Bank 1.706 tỷ đồng, tăng 151%; An Bình 638 tỷ đồng, tăng 55% và VPBank 700 tỷ đồng, tăng 100%... Hai NH quốc doanh vừa cổ phần hóa là Vietcombank và VietinBank cũng vẫn đạt lợi nhuận cao: Vietcombank 5.425 tỷ đồng, tăng 21% và VietinBank 4.500 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước đó. Trong khi người lao động các ngành kinh tế khác như cơ khí, dệt may, kể cả những người nông dân, bằng sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản, đã tạo ra nguồn thu ngọai tệ ròng cho quốc gia cũng mới chỉ bằng lòng với mức thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống thì nhân viên các NH lĩnh tháng lương đến thứ 17, cán bộ có chức danh quản lý được thưởng từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng vào dịp cuối năm là phổ biến. Không ít doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn không đủ điều kiện thưởng tháng lương thứ 13 cho công nhân, tiền thưởng Tết cũng chỉ vài trăm nghìn đồng…Hàng nghìn công nhân trong các khu công nghiệp làm hàng xuất khẩu không đủ tiền về quê sum họp do thu nhập thấp vì một phần lợi nhuận phải trả lãi vay cho NH. Chế độ lương thưởng của ngành NH trong nhiều năm trở lại đây đã vượt mức “khủng” của nhiều ngành nghề thời thượng trước đây như hàng không; viễn thông; năng lượng… Nhận định về cơ cấu nguồn lợi nhuận của các NH trong năm qua, các chuyên gia và lãnh đạo các NH đều cho rằng có một phần không nhỏ từ hoạt động thế chấp giấy tờ có giá cho NHNN để lấy vốn cho vay trên thị trường liên NH và đưa ra kinh doanh. Lãnh đạo một NH có trụ sở ở Hà Nội cho biết: bình thường, hoạt động trên chỉ chiếm 15% trong cơ cấu lợi nhuận nhưng năm 2010 thì mảng kinh doanh này đóng góp đến 30% lợi nhuận. Bên cạnh đó, các NH còn kiếm lợi nhờ độc quyền “đón bắt trước thông tin”, kinh doanh ngoại tệ qua cơ chế chênh lệch tỷ giá trong ngòai, cầm cố tài sản và các chứng chỉ có giá và một số ít nhờ tăng tổng tài sản…. Đáng chú ý là tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của các NH cổ phần ngoài quốc doanh ở mức thấp khá xa so với tốc độ tăng trưởng của khối các NH quốc doanh hoặc vẫn do Nhà nước chiếm tỷ trọng chi phối. Dĩ nhiên, số lãi ấy có được từ nhiều khoản kinh doanh. Nhưng chắc chắn phần lớn từ hoạt động tín dụng. Vậy là trong suốt một thời gian dài, hầu như cả nền kinh tế gồng mình chống chọi với khủng hoảng, nhiều đơn vị cũng chỉ ước ao làm sao không lỗ, không phá sản là may mắn, thì các NH vẫn ung dung… đạt lợi nhuận ngất ngưởng. Mới đây, trong cuộc trao đổi bàn tròn Tất niên 2010 trên kênh truyền hình VITV, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng năm 2010, chính sách tiền tệ đã bị động; lúng túng và được can thiệp bằng biện pháp hành chính quá nhiều, tạo môi trường cho các hành vi lách luật và “tăng rủi ro kỳ hạn” trong họat động kinh doanh tiền tệ . Các diễn giả khác cũng đồng tình nhận định rằng NHNN đã không chủ động điều tiết thị trường bằng những giải pháp kinh tế; Hiệp hội NH đã vô tình bị lợi dụng thành diễn đàn và hợp pháp hóa những đòi hỏi mang tính “nhóm lợi ích” cho các NH thương mại. Nhiều người cũng đặt vấn đề, sở dĩ các NH thắng lớn là vì cơ chế "độc quyền", chẳng giống quy luật thị trường, khi giá “mua” - lãi suất huy động tiền gửi thì bị khống chế, còn giá “bán” - lãi suất cho vay thỏa thuận thì thả nổi, NH mặc sức mà tăng. Hơn thế, mức tăng lãi suất cho vay cũng không hề khác biệt, biểu hiện hình thái của thị trường cạnh tranh, giữa các NH có quy mô; khả năng tài chính và nguồn huy động vốn kinh doanh khác nhau…Tất cả các NH dàn hàng ngang về lãi suất “đầu ra – đầu vào” theo kiểu độc quyền nhóm. Với phương thức kinh doanh và nguồn thu lợi nhuận trên đây, ngân hàng – với chức năng là định chế tài chính điều phối nguồn vốn cho nền kinh tế - đã không hoàn thành chức năng của mình với xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng. Vậy mà và lẽ ra, lợi nhuận và lương thưởng của các nhân viên, cán bộ quản lý ở đây phải là và từ hiệu quả của nền kinh tế, từ mức nâng cao phúc lợi chung của toàn xã hội. Thuận Hải// Theo BeeNet
-----------------------------------------------------------------------------------------
---------------------------------------------
Lợi nhuận ngân hàng: Đá tảng ném giữa mặt nước tĩnh lặng
Minh họa (IE)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com