Chuyên gia kinh tế Prakriti Sofat thuộc Ngân hàng Barclays cũng cho rằng “mức độ điều chỉnh tỷ giá này là lớn hơn so với những gì mà thị trường dự báo”.
Một số chuyên gia quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về các vấn đề lạm phát và triển vọng tín nhiệm nợ của Việt Nam sau động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, cho dù đây được cho là một biện pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng và giảm thâm hụt thương mại.
Phát biểu trên hãng tin tài chính Bloomberg, ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc ngân hàng Credit Agricole CIB của Pháp tại Hồng Kông cho biết, ông ngạc nhiên về mức điều chỉnh của lần điều chỉnh tỷ giá USD/VND này.
“Có vẻ như Việt nam đang nỗ lực hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng thay vì chống lạm phát. Điều này thật đáng ngạc nhiên vì lạm phát đang là một vấn đề lớn của Việt Nam”, ông Kowalczyk nói.
Trao đổi với tờ Wall Street Journal, chuyên gia kinh tế Prakriti Sofat thuộc ngân hàng Barclays cũng cho rằng “mức độ điều chỉnh tỷ giá này là lớn hơn so với những gì mà thị trường dự báo”.
Đây là lần điều chỉnh tỷ giá lần thứ 3 của Việt Nam trong vòng khoảng 1 năm trở lại đây. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước nâng bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 VND/USD (tăng 9,3% so với mức 18.932 VND trước đó) và thu hẹp biên độ giao dịch từ +/-3% xuống +/-1% áp dụng cho ngày 11/2/2011.
Theo số liệu của Bloomberg, đây là lần tăng giá mạnh nhất của USD so với VND ít nhất từ năm 1993 tới nay. Trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 2 lần, vào tháng 2 và tháng 8.
Việc điều chỉnh tỷ giá lần này diễn ra trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Việt Nam tiếp tục ở mức cao, đạt 1 tỷ USD trong tháng 1 vừa qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 cũng tăng tới 12,17% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với phóng viên hãng tin Dow Jones Newswire, ông Christian De Guzman, nhà phân tích tại Singapore thuộc hãng định mức tín nhiệm Moody’s cho biết, động thái tăng tỷ giá tham chiếu USD/VND không gây bất ngờ, xét tới việc thâm hụt thương mại ở mức cao tiếp tục đeo bám Việt Nam, cũng như khoảng cách có xu hướng giãn rộng giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do.
“Việt Nam cần phải thực hiện chính sách thắt chặt quyết liệt hơn nữa để giải tỏa những áp lực lạm phát và phục hồi niềm tin vào đồng nội tệ. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, Chính phủ Việt Nam sẽ đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng sang bên”, chuyên gia De Guzman khuyến cáo.
(NDHMoney)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com