Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh đến sự thành công của Việt Nam trong việc điều hành các chính sách tiền tệ thời gian qua. Đặc biệt với việc đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất tín dụng, Chính phủ đã giúp cho hàng chục nghìn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, tạo đà phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động...
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, đây là hội thảo quốc gia, đánh giá một cách có hệ thống, toàn diện, sâu sát diễn biến khủng hoảng tài chính, suy thoái
kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế Việt Nam hiện nay, đưa ra những dự báo và đặc biệt là những giải pháp ở tầm vĩ mô nhằm phục vụ việc điều hành các chính sách tài chính-tiền tệ cho nền kinh tế đất nước sau thời kỳ suy giảm.
23 tham luận gửi tới hội thảo và các ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội thảo khẳng định vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng tập trung phân tích, đánh giá và bàn luận những vấn đề “nóng” trong việc thực hiện các chính sách tài chính tiền tệ hiện nay như có cuộc tổng kiểm tra trên toàn quốc về tình hình vay và sử dụng vốn vay các gói hỗ trợ lãi suất; nguy cơ nợ khó đòi từ việc tăng trưởng nóng dư nợ trong hệ thống tín dụng; làm gì để tăng tính hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ, cần xây dựng ngay các nhóm giải pháp cho nền kinh tế thời kỳ “hậu suy giảm”...
Đáng chú ý là vấn đề nên hay không nên có các gói hỗ trợ lãi suất tiếp theo của Chính phủ trong thời gian tới được rất nhiều đại biểu tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Phần lớn các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu thì khuyên nên có những gói hỗ trợ mới theo hướng “giảm dần” như về mức lãi suất, đối tượng được vay....Cũng có ý kiến không nên kéo dài việc “trợ sức” này khiến cho ngân sách khó khăn, doanh nghiệp ỷ lại, thiếu sức cạnh tranh...
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc cần sớm xem xét chuyển đổi mô hình kinh tế nặng về tăng trưởng theo công nghiệp truyền thống chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, sang phát triển mạnh mô hình kinh tế tri thức.
Bên cạnh đó cần có chính sách tác động mạnh vào tổng cung của nền kinh tế chứ không nên xem trọng tổng cầu để bảo đảm kinh tế phát triển bền vững, khai thác triệt để các lợi thế quốc gia để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Thông tin về tài chính, tiền tệ, kinh tế - nhất là các thông tin về những chính sách phải được kịp thời, minh bạch.../.