Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải pháp hay cũng nên có điểm dừng

Việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ để huy động vốntrên thị tường trong nước là một giải pháp hay trong tình hình hiện tại, nhưng cũng cần có điểm dừng để bảo vệ chủ quyền của đồng nội tệ. Ảnh: Lê Toàn

Phát hành trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ để huy động vốn trên thị trường trong nước có thể coi là nước cờ hay trong tình hình hiện tại. Song theo các chuyên gia, về lâu dài giải pháp này cần có điểm dừng để bảo vệ chủ quyền của đồng nội tệ, cũng chính là chủ quyền trong điều hành kinh tế vĩ mô của một quốc gia.


Nước cờ hay


Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tuần này tổ chức ba phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ đợt 2-2009 với tổng khối lượng gọi thầu là 250 triệu đô la Mỹ. Khối lượng phát hành của mỗi kỳ hạn một năm và hai năm là 100 triệu đô la Mỹ, kỳ hạn ba năm là 50 triệu đô la Mỹ.


Trong phiên đấu thầu trái phiếu kỳ hạn một năm hôm 24-8, 10 thành viên tham gia dự thầu đã mua hết 100 triệu đô la trái phiếu với lãi suất trúng thầu là 2,98%/năm.


Trước đó, hồi tháng 3-2009, đợt phát hành đầu tiên 300 triệu trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ cũng đã huy động được 230 triệu đô la, gồm 100 triệu đô la loại kỳ hạn một năm, 80 triệu đô la loại hai năm và 50 triệu đô la loại ba năm.


Thị trường sẽ thẩm thấu ra sao với khối lượng trái phiếu bằng ngoại tệ này? Rõ ràng loại trái phiếu này có sức hấp dẫn nhất định so với loại trái phiếu nội tệ đang bị ế từ đầu năm tới nay (HNX từ đầu năm chỉ huy động được chưa đầy 10% trái phiếu nội tệ qua kênh đấu thầu so với kế hoạch đặt ra).

 


Trong bối cảnh ngân sách cần tiền để thực hiện các gói kích cầu, các dự án hạ tầng… thì trái phiếu ngoại tệ đang thay thế trái phiếu nội tệ làm nhiệm vụ vay tiền cho Chính phủ với một chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc đi vay trên thị trường quốc tế.


Bên cạnh đó, có thể nói trái phiếu ngoại tệ còn có vai trò “giải thoát” được phần nào nguồn vốn đô la Mỹ ứ đọng tại các ngân hàng và tổ chức, giúp Chính phủ tận dụng nguồn lực đang dư thừa ở các tổ chức tài chính. Các yếu tố kích thích lãi suất tiền đồng thời gian qua trên thị trường đã khiến lượng vốn đô la Mỹ trong các ngân hàng tăng lên, tập trung nhiều hơn ở các ngân hàng lớn, chưa có đầu ra. Việc Chính phủ vay vốn qua hình thức bán trái phiếu bằng ngoại tệ là việc làm có thể coi là hợp lý trong các điều kiện hiện tại của nền kinh tế.


Lãi suất trúng thầu cũng được xem là mức lãi suất hấp dẫn trong thời điểm này (xoay quanh 3%/năm), vì nó cao hơn mức lãi suất nếu các ngân hàng dư thừa ngoại tệ đem gửi ở ngân hàng nước ngoài (trung bình 2%/năm) hay gửi tại Ngân hàng Nhà nước (0,5%/năm) hoặc để “chết” trong két. Mức 3%/năm cũng có thể coi là lãi suất hợp lý trong trường hợp này - sự hợp lý phụ thuộc vào trạng thái ngoại tệ, cơ cấu vốn của tổ chức đầu tư chứ không phụ thuộc vào ý chí người đi vay.


Trao đổi với TBKTSG, một lãnh đạo HNX cho rằng việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ lần này đã được tính toán kỹ. Trước mỗi đợt phát hành vào tháng 3 và 8, cơ quan quản lý đều đã có những động thái thăm dò các tổ chức và các ngân hàng thương mại bằng văn bản cũng như các hình thức khác. Ý kiến phản hồi từ các ngân hàng tương đối tốt.


Còn về phản ứng của thị trường thì đó là một nước cờ mà không ai có thể nói trước. Một số ngân hàng thương mại cho hay họ không thiếu vốn đô la Mỹ và kế hoạch vay nợ một tỉ đô la Mỹ trên thị trường nội địa dường như không thấm vào đâu so với những thông tin khả quan về lượng vốn ngoại trên thị trường mà cơ quan quản lý nhận được.


Theo quan điểm của một số cơ quan quản lý, việc đặt ra mục tiêu huy động 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu ngoại tệ trong thời điểm này là chấp nhận được bởi nó sẽ đáp ứng được nhu cầu lớn của ngân sách cũng như thị trường mà không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất đồng đô la cũng như vấn đề đô la hóa. Vị lãnh đạo trên cũng cho biết nếu việc này thuận buồm xuôi gió thì Chính phủ có thể tính đến việc huy động trái phiếu ngoại tệ thường xuyên hơn, dưới nhiều đồng ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ.


Thực tế, Thông tư 19 do Bộ Tài chính ban hành hồi đầu năm cũng đã nói đến chủ trương này, tuy nhiên, khi trao đổi điều này với các chuyên gia, TBKTSG nhận được nhiều ý kiến cho rằng việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ chỉ nên coi là một giải pháp tình thế trước mắt chứ không thể lâu dài.


Nhưng không thể sử dụng lâu dài


Trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ có thể nói đã giúp Chính phủ chia sẻ được nguồn lực với các tổ chức tài chính. Song, theo các chuyên gia, đó không phải là chiến lược lâu dài với bất kỳ một nền kinh tế nào bởi dưới góc độ chủ quyền tiền tệ thì không nên khuyến khích lưu hành bất cứ đồng tiền nào ngoài đồng nội tệ trong dòng lưu chuyển tài chính.


Nếu đánh mất chủ quyền đồng nội tệ bằng cách này hay cách khác đều có thể dẫn đến sự mất kiểm soát nền kinh tế. Việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường nội tệ chỉ phù hợp với nền kinh tế chưa phát triển và chấp nhận một tỷ lệ đô la hóa nhất định cũng như chấp nhận việc người dân và tổ chức tương đối thoải mái nắm giữ đô la Mỹ trong một thời điểm nhất định.


Nếu muốn hướng tới dòng lưu chuyển tiền tệ hợp lý trong nền kinh tế, chúng ta buộc phải kiềm chế việc phát triển thị trường huy động vốn ngoại tệ trong nước, trong ngân hàng và người dân. Bất cứ động thái gì làm tăng sự ảnh hưởng và sử dụng của một đồng tiền không phải nội tệ đều không thể được khuyến khích.


Nếu để đồng ngoại tệ chiếm tỷ lệ quá lớn trong nền kinh tế, sẽ không thể kiểm soát được lãi suất, tỷ giá của đồng tiền đó (phụ thuộc vào thị trường quốc tế và chính sách điều hành của nước sở hữu đồng ngoại tệ).Ngoài ra, theo một số kết quả khảo sát không chính thức gần đây, hơn 90% hoạt động thương mại và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là bằng đô la Mỹ nên việc phát hành các công cụ nợ bằng ngoại tệ khác đô la Mỹ, nếu Chính phủ có dự định, là không khả thi và cần hết sức cảnh giác về lâu dài.


Ở một góc độ khác, các chuyên gia cho rằng đô la Mỹ là đồng tiền quốc tế có thể gây ra những “cánh kéo” tác động xấu lên đồng nội tệ. Trong khi đó, niềm tin vào đồng nội tệ chính là niềm tin của các nhà đầu tư vào chính phủ cũng như vào sự bền vững của nền kinh tế. Tất nhiên, để đi đến một nền kinh tế phát triển phải qua những giai đoạn chuyển đổi nhất định và nếu như trong giai đoạn này trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ được sử dụng tại Việt Nam thì về tương lai chỉ nên phát hành nó ở ngoài thị trường nội địa.


Một vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến tính hấp dẫn của loại trái phiếu mới này là tính thanh khoản. Đại diện một tổ chức tín dụng cho rằng việc khó bán trái phiếu ở kỳ hạn 2-3 năm không hoàn toàn do rào cản lãi suất.


“Đây là trái phiếu đô la Mỹ, các tổ chức mua trái phiếu sẽ phải chấp nhận độ lệch giữa giá vốn huy động và giá vốn họ nhận được khi đến kỳ hạn. Nếu giải quyết được vấn đề thanh khoản trên thị trường trái phiếu, các ngân hàng sẽ có thể lấy một phần vốn ngắn hạn mua trái phiếu dài hạn hơn một năm mà không quá lo ngại về khả năng thanh toán trong tương lai”, ông này nói.


Nhằm tăng tính thanh khoản cho trái phiếu bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép việc cầm cố để vay tiền đồng, song chưa đủ. Thị trường mong chờ việc có thể cầm cố trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ để vay ngoại tệ hoặc cả tiền đồng lẫn đô la Mỹ. Nếu chưa cải thiện quy định này thì loại trái phiếu chính phủ kỳ hạn một năm vẫn là lựa chọn ưu tiên của người mua mà điều này lặp lại nhiều lần đồng nghĩa với việc Chính phủ không thể huy động được vốn đô la Mỹ dài hạn cho các dự án lớn.


Tính thanh khoản cũng cần được cải thiện hơn bằng việc Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng ban hành quy định về việc mở tài khoản ngoại tệ để giao dịch trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ cho cả cá nhân và tổ chức. Lô đầu tiên của đợt trái phiếu phát hành hồi tháng 3 đã được đưa lên niêm yết giao dịch trên HNX một tuần qua song chưa có giao dịch nào diễn ra bởi thiếu hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Và về lâu dài, HNX sẽ đưa trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ lên sàn giao dịch trái phiếu chuyên biệt (dự kiến khai trương vào tháng 9), song thị trường đang chờ đợi việc trái phiếu mới được tích hợp với các tính năng khác, chẳng hạn như repo.


Để hậu thuẫn cho tính thuyết phục của trái phiếu mới, các chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ nên công bố rõ ràng hơn mục đích sử dụng nguồn đô la Mỹ này, thay vì chỉ  nêu chung chung rằng để “bù đắp bội chi ngân sách, đáp ứng cho nhu cầu kích cầu và đầu tư cho các dự án trọng điểm”, bởi đây cũng là một nguồn tiền của nhân dân.

(Theo Hồng Phúc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Khó tiếp cận thông tin cản trở quản lý hiệu quả dự án ODA
  • Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu suy giảm
  • Đua tăng lãi suất huy động VN đồng: Kịch bản “xì hơi” có lặp lại ?
  • FDI vào Việt Nam không chỉ là tiền
  • Doanh nghiệp đã bắt đầu vay ngoại tệ trở lại
  • Ngân hàng gần “chạm đích” lợi nhuận
  • Cách mạng “mobile banking” ở châu Phi
  • Chính sách tín dụng cần nhất quán
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!