Khách hàng làm thủ tục vay tiền tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Lê Toàn |
Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục phát đi tín hiệu về định hướng hãm phanh tăng trưởng tín dụng. Một số ngân hàng thương mại nhà nước hoặc cổ phần do Nhà nước chi phối đã nhận được chỉ thị không được tăng dư nợ vượt quá 25-27% cho năm 2009, tuy nhiên có ngân hàng đã “xài” gần hết chỉ tiêu này trong sáu tháng đầu năm, trong khi từ nay đến cuối năm là mùa cao điểm kinh doanh và chuẩn bị dự trữ phục vụ Tết. Đến nay nhiều ngân hàng đã rục rịch triển khai phương án thắt hầu bao, hạn chế, kể cả dừng cho vay tiêu dùng, tăng cường thu hồi nợ...
Tình hình nói trên diễn ra trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vừa mới gượng dậy sau những khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng nhưng chưa thể nói là đã “khỏe”. Với đặc thù hoạt động dựa vào vốn vay là chủ yếu, nên mỗi khi hệ thống ngân hàng tính chuyện co cụm tín dụng thì nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp bị lâm vào cảnh thiếu vốn, sản xuất ngừng trệ, giãn công, giảm thợ... chắc chắn sẽ xảy ra.
Cho đến thời điểm này có thể khẳng định nguồn vốn ngân hàng có vai trò gần như không thể thay thế đối với sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế, và thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ thời gian qua chính là ở chỗ duy trì được nguồn cung ứng tín dụng ổn định với lãi suất phù hợp, thậm chí trong trường hợp không có gói hỗ trợ lãi suất thì rất nhiều doanh nghiệp vẫn thừa nhận có đủ khả năng hoạt động bình thường với giá vốn bình quân 10,5%/năm. Mọi giải pháp về tiền tệ tín dụng trong giai đoạn hiện nay suy cho cùng cần phải hướng đến mục tiêu cao nhất là duy trì tính ổn định, không tạo ra hụt hẫng đột ngột về vốn, từ đó tạo tâm lý thuận lợi nhiều mặt cho sản xuất kinh doanh.
Ngoài lý do lo ngại lạm phát cao quay trở lại, chủ trương hãm phanh tín dụng cũng nhằm mục đích hạn chế luồng vốn ngân hàng đổ vào các lĩnh vực phi sản xuất, có tính nhạy cảm như bất động sản, tiêu dùng đời sống, chứng khoán... Tuy nhiên cách thức thực hiện chủ trương này của NHNN vẫn còn mang nặng dấu ấn hành chính, chủ yếu thông qua các văn bản chỉ thị và tiến hành các đợt thanh, kiểm tra trên diện rộng hơn là sử dụng những công cụ điều hành thích hợp.
Một loạt mâu thuẫn lớn về quan hệ cung cầu vốn vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo, một mặt NHNN muốn duy trì lãi suất trần để yểm trợ cho nền kinh tế, thúc ép ngân hàng thương mại chuyển đổi cơ cấu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Mặt khác, mặt bằng lãi suất tiền gửi ngày càng đội trần, chênh lệch đầu vào đầu ra giảm mạnh, nguồn vốn huy động chậm tăng trưởng, hậu quả trực tiếp là doanh nghiệp càng vay được nhiều vốn hỗ trợ thì áp lực thiếu vốn và thiệt hại tài chính càng đè nặng lên vai ngân hàng thương mại, vô hình trung những ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước lại bị thiệt thòi nhiều hơn?
Bên cạnh đó, nếu vẫn thừa nhận sự tồn tại kênh tín dụng lãi suất thỏa thuận thì về lâu dài NHNN cũng không có lý do gì ngăn cản các ngân hàng tiếp cận những lĩnh vực mà họ cảm thấy hấp dẫn, sinh lợi nhanh cho dù phải đối đầu với nhiều rủi ro. Một thực tế hết sức rõ là không nên và không được phép dồn mọi rủi ro tín dụng của nền kinh tế lên bản thân chính sách tiền tệ, buộc nó phải gánh vác nhiều trọng trách quá tầm, mà cần thiết phải phân tán rủi ro thông qua việc thiết kế hệ thống các chính sách đồng bộ trên nhiều lĩnh vực có liên quan, trước hết nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ bong bóng trên lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Ngân hàng Trung ương cũng cần nhất quán hơn trong việc công bố định hướng tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng thương mại chủ động tính toán phương án kinh doanh, tránh đưa ra nhiều chỉ tiêu khác nhau trong khoảng thời gian quá ngắn (đầu năm dự tính 21-23%; quí 1-2009: 30% theo chỉ đạo của Chính phủ; quí 2-2009: 25-27%).
Những tháng đầu năm, Chính phủ và NHNN liên tục thúc giục các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng, đi kèm với triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất để tiếp sức và duy trì tăng trưởng kinh tế, nhưng đến thời điểm hiện nay tín hiệu kiềm chế được phát đi khá đột ngột khiến nhiều ngân hàng không tránh khỏi lâm vào thế bị động bất ngờ, mặc dù thanh khoản nhìn chung vẫn ổn định và khả năng cung ứng tín dụng vẫn còn dư địa lớn? Trong trường hợp cần thiết, NHNN nên mở rộng công cụ tái cấp vốn để tài trợ thêm nguồn vốn cho những ngân hàng thực hiện tốt chính sách tín dụng đầu tư phát triển sản xuất theo đúng định hướng của Nhà nước. Bằng công cụ này có thể giúp quản lý chặt chẽ chất lượng dòng tiền phục vụ nền kinh tế đồng thời hóa giải bớt tình trạng căng thẳng trên thị trường vốn nếu có phát sinh.
(Theo Tâm Dân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com