|
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không chịu bán lại USD cho ngân hàng. Các ngân hàng liên tục duy trì việc niêm yết giá mua USD bằng giá bán. Việc tìm mua ngoại tệ tại nhiều ngân hàng khá khó khăn…
Tình trạng này tuy không mới, đã kéo dài trong những tháng qua, nhưng vẫn chưa được tháo gỡ dứt điểm.
Áp lực không lớn, nguồn cung vẫn tắc
Năm 2008, thị trường ngoại hối từng có những đợt biến động mạnh và căng thẳng; tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do có lúc lên sát 19.000 VND. Những diễn biến này được đặt trong những áp lực cơ bản: nhập siêu tăng kỷ lục và lạm phát tăng rất mạnh.
Những tháng đầu năm 2009, thị trường ngoại hối cũng căng thẳng, nhưng những áp lực trên đã không còn quá lớn.
7 tháng đầu năm, nhập siêu chỉ mới ở mức 3,38 tỷ USD; và theo mục tiêu Bộ Công Thương đặt ra, năm nay nhập siêu sẽ dưới 20% kim ngạch xuất khẩu, cả năm sẽ khoảng 8 - 10 tỷ USD, rất thấp so với sự đột biến 18 tỷ USD năm 2008.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,22% so với cuối năm 2008; trong khi đó tỷ giá USD/VND tăng 6,22%. Mức tăng của hai chỉ số này vẫn đang đảm bảo yếu tố có lợi và hỗ trợ cho xuất khẩu. Áp lực lạm phát đối với tỷ giá cũng không quá lớn khi nhiều dự báo tin tưởng khả năng chỉ tăng dưới 10%, thậm chí chỉ khoảng 7% - 8% trong năm nay.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định có đủ khả năng để can thiệp thị trường khi cần thiết với nguồn ngoại tệ đủ mạnh. Hiện dự trữ ngoại tệ ở khoảng trên dưới 22 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà điều hành không thể dùng biện pháp tưởng như đơn giản là tung một nguồn ngoại tệ lớn cho thị trường để xoa dịu sự căng thẳng của cầu, bởi theo giải thích của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, điều hành chính sách tỷ giá còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích, yêu cầu khác của nền kinh tế, và việc tung một nguồn ngoại tệ lớn ra thị trường còn có những hệ lụy...
Mặt khác, một điểm quan trọng cần tháo gỡ hiện nay không phải là việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng mà là làm thế nào để khơi thông cho được nguồn ngoại tệ ứ đọng tại các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo phản ánh của các ngân hàng, có một thực trạng chung là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khi thu ngoại tệ về không chịu bán lại. Đây là một lựa chọn có mục đích chính là để dự phòng rủi ro tỷ giá trong tương lai (vốn đã có nhiều trường hợp phải trả giá đắt trong năm 2008), bởi chính các doanh nghiệp cũng cần ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho sản xuất để xuất khẩu; một mục đích khác là sự găm giữ có kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, hay nói cách khác mức giá các ngân hàng trả theo quy định hiện nay tỏ ra chưa hấp dẫn doanh nghiệp.
Một nguyên nhân khác của việc doanh nghiệp không chịu bán lại ngoại tệ là do “tác dụng phụ” của chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn VND. Lãi suất vay VND sau hỗ trợ chỉ khoảng 5% - 6%/năm, trong khi vay USD cũng có lãi suất gần tương ứng và còn phải chịu rủi ro tỷ giá khi mua ngoại tệ trả nợ trong tương lai. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp tìm mua USD thay vì vay USD.
Vừa qua, với “gợi ý” của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất cho vay USD xuống phổ biến dưới 3%/năm để có thể tạo hấp dẫn đối với doanh nghiệp vay vốn. Ở một giải pháp khác, theo thông tin tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp hồi trung tuần tháng 5/2009, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức đàm phán với một số doanh nghiệp lớn với mục đích thúc đẩy việc bán lại USD, vay USD cho ngân hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tình thế và cục bộ.
Một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần đa dạng hóa ngoại tệ trong thanh toán, không “neo” chủ yếu vào đồng USD như hiện nay. Nhưng, theo lãnh đạo của một ngân hàng có thị phần thanh toán quốc tế lớn nhất hiện nay, điều đó cũng khó thực hiện theo ý muốn chủ quan, bởi phần lớn các đối tác bán hàng bên ngoài đều yêu cầu thanh toán bằng USD, nhà nhập khẩu trong nước phải đáp ứng.
Thời gian gần đây, trước tình hình ngoại tệ của những thành viên trong hệ thống, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện vai trò bán ra hỗ trợ. Nhưng dường như đây vẫn chưa phải là một cách giải quyết có tính căn bản, khi sự ách tắc nguồn ngoại tệ găm giữ tại các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa thực sự được tháo gỡ.
Để bên mua - bên bán thực sự gặp nhau
Đáp ứng được yêu cầu hợp lý của thị trường là linh hồn của chính sách. Điều này còn thiếu ở chính sách tỷ giá trong thời gian qua, khi doanh nghiệp có ngoại tệ không chịu bán, doanh nghiệp mua ngoại tệ tìm kiếm khó khăn. Cơ chế trần tỷ giá hiện nay chưa tạo được điều kiện để họ hài lòng đến với nhau.
Lãnh đạo một vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước từng thừa nhận, có những doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng phải mua ngoại tệ của họ cao hơn giá quy định; trước khi siết chặt quản lý, doanh nghiệp mua ngoại tệ cũng phải mua giá cao hơn qua nguồn thu phí gián tiếp của ngân hàng. Cả hai chiều này đều cho thấy mức tỷ giá hiện hành cùng biên độ không đáp ứng được nguyện vọng của họ - những đại diện của thị trường.
Và ngay cả trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, nhiều thông tin phản ánh gần đây đề cập đến những trường hợp “lách” trần tỷ giá thông qua ngân hàng thứ ba, ngoại tệ thứ ba. Họ buộc phải đi đường vòng bởi “đường thẳng” hiện tại không đáp ứng được yêu cầu của họ.
Thị trường đang cần một môi trường để bên mua - bên bán thực sự gặp nhau, ở một mức giá có được sự đồng thuận, đáp ứng nhu cầu của cả hai bên. Và ở đây, quan hệ cung - cầu sẽ hình thành mức giá hợp lý. Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với sự thả nổi, mà nhà điều hành chính sách là người mua và bán cuối cùng, điều tiết, định hướng cung - cầu thông qua những lực lượng sẵn có.
Yếu tố thị trường trong cơ chế này cũng không cô lập, mà có sự tương tác với thị trường tiền gửi, thị trường cho vay. Hai thị trường đó cũng nằm trong khả năng điều chỉnh, quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Một ví dụ cụ thể là việc giảm mạnh đồng loạt lãi suất cho vay USD vừa qua cũng là một sự tương tác điển hình trong mối quan hệ này, góp phần giải vây cho thị trường ngoại hối. Tất nhiên, theo ý kiến chuyên gia, để điều hòa được mối quan hệ này theo các mục đích định sẵn, năng lực của nhà điều hành luôn là một yếu tố có tính quyết định.
(Theo Minh Đức // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com