Năm 2008, nhiều công ty bảo hiểm có kết quả kinh doanh nghiệp vụ bị âm. Trong ảnh: khách hàng thanh toán phí bảo hiểm tại một công ty bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Lê Toàn |
Toàn ngành bảo hiểm đã đạt doanh thu trên 27.000 tỉ đồng, bằng 2,2% GDP trong năm 2008, song nhiều yếu kém đã bộc lộ. Trong tổng doanh thu trên, bảo hiểm nhân thọ đạt 10.334 tỉ đồng, tăng 9,19%, bảo hiểm phi nhân thọ đạt 10.879 tỉ đồng, tái bảo hiểm đạt 1.050 tỉ đồng, lãi đầu tư 5.700 tỉ đồng. Ngành cũng đã đầu tư vào nền kinh tế trên 57.000 tỉ đồng.
Tảng băng chìm
Năm 2008 đã qua với tổng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ tăng 30,13% so với năm 2007. Nhưng tảng băng chìm của bề nổi nói trên là sự cạnh tranh gay gắt tới mức không lành mạnh (xem thêm bài “Chiếc bẫy” phí bảo hiểm). Hậu quả là toàn bộ thị trường bảo hiểm lỗ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tới 163,5 tỉ đồng.
Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm cho biết, trong số 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã được cấp phép, trừ Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ MSIG Việt Nam chưa hoạt động thì chỉ có 8 doanh nghiệp bảo hiểm có lãi trong năm 2008: Bảo Việt 74,8 tỉ đồng; PVI 4,8 tỉ đồng; PJICO 0,9 tỉ đồng; Bảo Long 6 tỉ đồng; VNI 1,9 tỉ đồng; UIC 50,7 tỉ đồng; VIA 30,5 tỉ đồng; SVI 3,5 tỉ đồng.
Nhờ có đầu tư tài chính từ nguồn vốn chủ sở hữu, dự phòng nghiệp vụ, thu nhập từ hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp bảo hiểm (chủ yếu từ tiền gửi ngân hàng), hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã bù đắp được những khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2008, song vẫn còn năm doanh nghiệp thua lỗ: AAA lỗ 11,8 tỉ đồng; Bảo Tín lỗ 2,1 tỉ đồng; Groupama lỗ 7,3 tỉ đồng; Liberty lỗ 68 tỉ đồng và ACE lỗ 10,7 tỉ đồng.
Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 11.027 tỉ đồng (tăng 28%), nhưng còn tám doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp hơn vốn pháp định phải được bổ sung trong năm 2009 là Bảo Long, Bảo Ngân, Bảo Tín, Hùng Vương, UIC, SVI, QBE, GroupPama.
Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm, toàn thị trường đã giải quyết bồi thường 4.511 tỉ đồng, với tỷ lệ bồi thường 41,5%. Tỷ lệ bồi thường trên nếu so với phí được hưởng (50% phí thực thu trong năm) là cao. Chính vì vậy, năm 2008 có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có kết quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm là con số âm phải sử dụng đến dự phòng. Lãi có được từ kết quả kinh doanh nói chung chủ yếu thu được từ lãi đầu tư trong đó có tiền gửi ngân hàng.
Bên cạnh đó, những tín hiệu không sáng sủa từ kinh tế vĩ mô cũng đang tác động trực tiếp tới ngành bảo hiểm. Năm 2009 được dự báo sẽ khó khăn hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quí 1-2009 (đơn vị: triệu đồng) ACE Insurance: 5.575 AIG Vietnam: 24.744 Bảo Long: 61.704 Bảo Minh: 446.613 Bảo Ngân: 7.534 ABIC: 39.905 Bảo Tín: 3.820 Bảo Việt 821.998 BIC 42.265 Công ty AAA 53.027 UIC 39.768 Fubon: 5.802 Groupama: 1.455 Hàng không: 60.729 Hùng Vương: 2.302 Liberty: 33.674 MIC: 73.825 PJICO: 214.638 PTI: 75.455 PVI: 709.320 QBE: 12.359 Samsung Vina: 59.574 SHB Vinacomin: 31.853 Toàn cầu: 43.316 VIA: 58.697 Viễn Đông: 62.119 Tổng: 2.992.071 Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm |
Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sẽ chậm lại (thường là 3-4 lần tăng trưởng GDP), khai thác sẽ khó khăn vì rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh bị giảm sút, đình trệ không có đủ tiền trả lương công nhân và chi phí cần thiết khác nói gì đến đóng phí bảo hiểm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang giảm sút cũng ảnh hưởng tới nhu cầu bảo hiểm. Các doanh nghiệp FDI là những khách hàng bảo hiểm lớn.
Với bảo hiểm nhân thọ, sự cố lạm phát tăng cao từ giữa năm 2008 khiến số khách hàng đang tham gia bảo hiểm chấm dứt hợp đồng trước hạn, rút tiền gửi ngân hàng tăng mạnh. Nguồn khách hàng tiềm năng giảm nên số lượng hợp đồng mới khai thác được không nhiều.
Tuy doanh thu cả năm 2008 của khối này đạt 10.339 tỉ đồng, tăng 9,3% so với năm 2007, song tổng số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới trong kỳ giảm 13,71% so với năm 2007. Tổng số hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực trong kỳ tăng 26,17%, trong đó hợp đồng hủy bỏ trước hạn là 508.652, tăng 26,78% so với năm 2007.
Đặc biệt số lượng hợp đồng bị hủy bỏ năm thứ nhất tăng 8,83% so với năm 2007. Chi trả giá trị hoàn lại tăng 48,6% so với năm 2008. Trong đó, Prudential là 760 tỉ đồng, Bảo Việt 580 tỉ đồng, Manulife 451 tỉ đồng.
Số lượng đại lý bảo hiểm (là cá nhân kinh doanh có hợp đồng đại lý với các doanh nghiệp bảo hiểm) tính đến cuối năm 2008 là 72.079 người, tăng 2,29%. Trong đó: Prudential 25.594 người, Bảo Việt 15.535 người, AIG 8.998 người, Dai-ichi 8.389 người. Số lượng đại lý tuyển dụng đào tạo trong năm là 61.935 người. Điều này chứng tỏ đại lý bỏ việc nhiều do tình hình khai thác khó khăn nên doanh nghiệp bảo hiểm phải tuyển dụng bổ sung.
Tính hết quí 1-2009, các hợp đồng khai thác mới trong kỳ giảm 11%, hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ tăng tới 15%.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc, kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm cũng đang bộc lộ nhiều yếu kém. Sự tăng trưởng của ngành các năm qua đã đi cùng với tăng trưởng mở rộng kênh phân phối qua đại lý, có nghĩa là cứ tăng đại lý là có tăng doanh thu nên nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến chất lượng tuyển chọn đào tạo và sử dụng đại lý.
Chất lượng dịch vụ bảo hiểm, cụ thể là việc giải quyết bồi thường của ngành còn nhiều điều cần bàn, như tính công khai minh bạch về hồ sơ, thủ tục giải quyết bồi thường chưa được thực hiện. Việc đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường chưa được cải thiện, còn nhiều vướng mắc trong việc thu thập hồ sơ chứng từ để giải quyết bồi thường cho nạn nhân khi những hồ sơ chứng từ này buộc phải lấy từ cơ quan có thẩm quyền như công an, bệnh viện.
Việc tự quyết, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám định bồi thường tổn thất chưa được phát huy và hay bị hình sự hóa. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giám định và giải quyết bồi thường (doanh nghiệp trung gian) chưa hoạt động có hiệu quả và phán quyết của họ nhiều khi không được pháp luật công nhận, chưa có biện pháp xử phạt thích đáng doanh nghiệp bảo hiểm trong việc chậm trễ bồi thường cũng như xử phạt thích đáng các hành vi trục lợi bảo hiểm.
Cận cảnh
Theo cam kết với WTO, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài từ năm 2008 đã được cung cấp một số sản phẩm bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam. Điều này báo hiệu một cuộc cạnh tranh không cân sức bởi các doanh nghiệp trong nước không thể biết được thông tin, về “vũ khí” của đối thủ ở nước ngoài trong khi doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động ở nước ngoài biết rất rõ thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trong nước phải đóng thuế cho ngân sách nhà nước như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế sử dụng đất… trong khi đó các công ty tại nước ngoài không chịu các khoản trên.
Song, thế mạnh về pháp luật đang là điều quan trọng nhất với doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam vì người được bảo hiểm sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật Việt Nam thay vì gặp phải rào cản ngôn ngữ, luật sư, nguồn luật và tòa án đứng ra xét xử nước ngoài.
Theo ông Lộc, thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp bảo hiểm còn phát triển thiếu đồng bộ, kém hiệu quả trong công nghệ. Hệ thống công nghệ thông tin của hầu hết các doanh nghiệp chưa cập nhật được từng hợp đồng bảo hiểm phát sinh, chưa phân loại được khách hàng, rủi ro bảo hiểm, chưa phân tích đánh giá được nguyên nhân, mức độ rủi ro tổn thất.
“Chúng ta không thể chấp nhận được việc một ô tô bị tai nạn đã mua bảo hiểm biết được biển số xe nhưng các công ty đùn đẩy cho nhau và cho rằng mình không bán bảo hiểm cho chiếc xe này”, ông Lộc nói.
Ông Phạm Quang Tùng, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), cũng cho biết đối với ngành bảo hiểm, việc có được số liệu thống kê lịch sử là rất quan trọng để đánh giá đúng thực trạng tình hình và là cơ sở xem xét các kế hoạch kinh doanh một cách bài bản, khoa học nhưng khó có thể thực hiện vì cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm quá sơ sài.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, đây là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm tự nhìn lại mình để củng cố, sắp xếp lại, chấp nhận tăng trưởng chậm nhưng hiệu quả để có bước tiến vững chắc khi nền kinh tế xã hội phục hồi và phát triển.
Trước hết các doanh nghiệp bảo hiểm cần cơ cấu lại bộ máy, tổ chức mạng lưới quản lý kinh doanh để tạo ra sức mạnh của toàn hệ thống. Đi liền đó là kiên quyết tinh giản biên chế, tập trung nguồn lực cho công nghệ và nghiệp vụ, cắt giảm hoặc hạ bậc xếp loại những chi nhánh công ty thành viên hoạt động kém. Việc tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cũng cần làm ngay theo hướng ưu tiên cho đào tạo, kiên quyết loại bỏ những phần tử vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư xây dựng phần mềm quản lý nghiệp vụ, rà soát lại toàn bộ các sản phẩm bảo hiểm, bổ sung sản phẩm bảo hiểm mới như nhóm sản phẩm bảo hiểm về trách nhiệm (trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm sản phẩm, trách nhiệm với người thứ ba, trách nhiệm với người lao động) và nhóm sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật cao. Việc xây dựng một hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng là sự lựa chọn cần thiết.
Ông Lộc dự báo, khi vốn pháp định tăng theo yêu cầu (300 tỉ đồng với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 600 tỉ với bảo hiểm nhân thọ) vốn chủ sở hữu tăng và số lượng doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường ngày càng nhiều, với khả năng giữ lại lớn (10% vốn chủ sở hữu) tất yếu các công ty sẽ tái bảo hiểm lẫn nhau, tiến tới tái bảo hiểm ra nước ngoài ngày càng giảm.
Vì vậy, sẽ có sự thống nhất về sản phẩm bảo hiểm (quy tắc điều khoản, biểu phí) và sẽ có sự hợp tác với nhau trong tái bảo hiểm và đồng bảo hiểm.
Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (tính đến hết năm 2008)
Nguồn: Cục quản lý, Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính |
(Theo Trường Nam // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com