Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chờ lãi suất giảm

Ngân hàng Nhà nước vừa có chỉ đạo tập trung vốn cho khu vực sản xuất lương thực, thực phẩm nhằm bình ổn giá cả, thế nhưng trên thực tế các doanh nghiệp, hộ dân thuộc các ngành, lĩnh vực ưu đãi vẫn không thể xoay xở nổi với lãi suất (LS) hiện nay.

Tâm lý chung của các doanh nghiệp là chờ LS giảm về mức 17-19%/năm như định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Khát vốn chăn nuôi

Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ tại các huyện Cai Lậy, Chợ Gạo (Tiền Giang)... sau hai đợt dịch, bệnh tai xanh và lở mồm long móng (xảy ra khoảng tháng 8-2010, tháng 3-2011) đã không có khả năng gầy dựng lại đàn heo. Ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Bình An, xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo), cho biết đàn heo với gần 20 nái, 150 heo thịt của ông sau đợt dịch lở mồm long móng chỉ còn lại sáu nái và 10 heo thịt. Giờ đây muốn gầy dựng lại đàn heo trong điều kiện giá con giống ở mức 2,1-2,5 triệu/con giống loại khoảng 25 kg/con, ông Sơn ước tính phải có trong tay thêm ít nhất 60 triệu đồng.

“Dù rất khát vốn gầy dựng lại đàn heo nhưng không dám vay ngân hàng vì lãi suất 1,8%/tháng (21,6%/năm) là quá cao” - ông Sơn than thở. Hiện ông đành bỏ trống đến hơn 2/3 diện tích chuồng trại.

Nhiều chủ trang trại cho rằng cần sớm giảm thêm LS để hỗ trợ hộ chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại tại Đồng Nai, nói do không kham nổi LS, nhiều trang trại dừng đầu tư các dự án chăn nuôi dù giá heo đang ở mức rất cao. Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo tại Đồng Nai, cho biết ông đã lên kế hoạch phát triển trại heo nái lên đến 4.000 con từ vài năm nay nhưng vẫn chưa thể thực hiện được bởi số tiền đầu tư khá lớn, giai đoạn đầu khoảng 30 tỉ đồng, trong khi LS cho vay lên đến 18%/năm. Theo ông Công, vay với LS này để đầu tư chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ lỗ.

Không chỉ LS cao, ngay cả các chi phí đầu vào khác như thức ăn chăn nuôi, chi phí điện nước, nhân công cũng tăng chóng mặt kể từ đầu năm càng làm cho người chăn nuôi bất an vào tương lai. Theo ông Trần Quang Trung - chủ trại heo trên 1.000 con tại Gia Kiệm (Đồng Nai), nhân công chăn nuôi năm ngoái chỉ ở mức 50.000 đồng/ngày thì nay lên tới 120.000 đồng/ngày, thức ăn chăn nuôi tăng 6-7 lần kể từ đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Út Em, cán bộ nông nghiệp xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo), cho biết hiện bà con nông dân rất khát vốn nhưng ngân hàng chưa có chính sách nào hỗ trợ kể từ sau các đợt dịch bệnh. Trong khi hầu hết các khoản đầu tư cho việc chăn nuôi thời gian qua liên tục tăng. “Chẳng hạn cám chỉ sau một năm tăng từ 140.000 đồng lên 180.000 đồng/bao, con giống tăng mạnh mà LS vay vốn cũng tăng chóng mặt như hiện nay thật sự đang làm khó người chăn nuôi chúng tôi” - ông Em nói.

Lãi suất khó giảm nhanh

Trong khi đó thời gian qua một số ngân hàng đã có các chính sách ưu đãi LS cho một số đối tượng, ngành nghề nhưng mức giảm khá hạn chế do LS huy động phổ biến vẫn ở mức 16-17,5%/năm.

Ngân hàng HDBank đang triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất lắp ráp ôtô, lắp ráp xe máy, thiết bị điện tử tin học, thiết bị gia dụng, cơ khí - chế tạo máy, dệt may, da giày với LS cho vay thấp hơn 1-4%/năm so với biểu LS cho vay thông thường. Ông Nguyễn Hữu Đặng, tổng giám đốc HDBank, cho biết sau khi giảm LS cho vay với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ còn 18-21%/năm tùy lĩnh vực, ngành nghề cũng như mối quan hệ với ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng cũng có chính sách ưu đãi LS riêng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê , sắn lát... LS cho vay các đối tượng này khoảng 19-20%/năm.

Ngoài ra một số ngân hàng cũng bắt đầu công bố giảm LS cho một số đối tượng. Ngân hàng ACB giảm LS 1,2%/năm dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cuối năm. Một số chi nhánh Agribank tại các tỉnh ĐBSCL cũng công bố giảm 1% LS cho vay với hộ nông nghiệp và 0,5% cho các đối tượng khác, LS sau khi giảm dao động 18-19,5%/năm.

Ông Nguyễn Văn Sẽ, giám đốc Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM, cho biết ngân hàng đang có chương trình ưu đãi giảm 2,5%/năm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu. Sau khi giảm, LS cho vay thấp nhất khoảng 17,5%/năm. Dù LS cho vay VND đã giảm nhưng ông Sẽ cho biết rất ít doanh nghiệp vay vốn VND do LS vẫn còn cao. “Hầu hết doanh nghiệp  thuộc đối tượng vay ngoại tệ đều tranh thủ vay USD để hưởng LS thấp” - ông Sẽ cho biết. So với cuối năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank chi nhánh TP.HCM khoảng 6-7%, trong đó cho vay VND tăng 5-6%, cho vay ngoại tệ tăng hơn 10%.

Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết hiện nay Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay VND xuống mức khá thấp so với lãi suất thị trường, trong đó một số khách hàng đặc biệt (doanh nghiệp xuất khẩu và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn) được ưu đãi cho vay LS 13-14%/năm, bằng mức trần huy động hiện nay của ngân hàng. Những khách hàng thuộc lĩnh vực khác mức cho vay dao động 17-18%/năm. Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận đang gặp khó trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vì nguồn vốn huy động sụt giảm. Đó cũng là khó khăn chung của các ngân hàng và là rào cản trong việc giảm thêm LS cho vay.

Theo tổng giám đốc một NH cổ phần tại quận 1, LS cho vay hiện nay vào khoảng 20% và sẽ còn 19%/năm vào tháng 9. Với mặt bằng LS huy động dao động quanh mức 17%/năm như hiện nay, lãi suất cho vay sẽ khó giảm sâu vì ngân hàng phải cân đối LS đầu vào - đầu ra.
 

Nhóm PV Kinh Tế

Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

(Tuổi Trẻ News)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Lãi suất sẽ giảm
  • Lạm phát từ góc nhìn cung tiền
  • Lãi vay giảm có... trọng điểm
  • Cần lành mạnh hoá và tuân thủ quy luật thị trường
  • Cứ khó khăn lại xin... giải cứu
  • Nhà thu nhập thấp: Giá cao làm sao đi vào đời sống?
  • Thông điệp đầu tiên cho tín dụng ngoại tệ
  • TS Đinh Thế Hiển: Tỷ giá cuối năm có thể lên đến 22.500 VND
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!