Khả năng TTCK Trung Quốc rơi vào quá trình giảm cộng hưởng là có thể xảy ra. Theo đó, không loại trừ TTCK Việt Nam cũng bị chi phối mật thiết với quá trình sụt giảm còn kéo dài khá lâu nữa.
Chứng khoán Trung Quốc có lặp lại lịch sử?
Gần tương tự như Việt Nam, trong nửa đầu năm 2011, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với mức lạm phát tăng đột biến - trên 5% - cao hơn cùng kỳ năm ngoái và được chính một chuyên gia nước này ví như "mũi tên đã bay khỏi dây cung". Tốc độ tăng trưởng GDP cũng vì thế mà giảm sút, khiến cho sức mua trong nước giảm theo. Những động thái tăng - giảm trái chiều này được xem là mang tính quốc tế, chịu ảnh hưởng nhất định từ cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu vẫn chưa đến hồi kết và chịu tác động của đà hồi phục kinh tế đang có chiều hướng chậm lại từ Mỹ.
Nhưng có lẽ, hệ quả mà chính quyền Trung Quốc bận tâm nhất là thị trường bất động sản (BĐS). Dù không hiện rõ độ sụt giảm mạnh như thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng nguồn cơn của nguồn tiền khổng lồ được vay vốn ngân hàng từ những năm trước để đầu tư vào BĐS đã dẫn đến kết quả là tình hình nhà đất tại ít nhất 70 thành phố lớn của quốc gia này đang lộ rõ hình dạng bong bóng.
Trong khi đó chính sách thắt chặt tín dụng từ một năm qua của chính phủ Trung Quốc vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Giá nhà đất vẫn cao chót vót. So với năm 2007, giá nhà ở Bắc Kinh đã gấp đến 8 lần. Giờ đây ở Trung Quốc, những người nắm trọng trách và cả những người không có trọng trách gì đều hiểu nếu bong bóng BĐS nổ thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và mức lạm phát như hiện nay vẫn còn được xem là tốt đẹp.
Trong bối cảnh khó khăn trên, không có gì ngạc nhiên khi từ đầu quý II/2010 đến nay, chỉ số chứng khoán Trung Quốc nằm trong xu thế đi ngang và suy giảm. Cũng cần nhắc lại, chỉ số này đã lập đáy ứng với mốc khoảng 1.000 điểm vào tháng 4/2005, sau đó có một chuỗi tăng liên tục trong 17 tháng, để đến tháng 10/2007 đã đạt đến mức "khủng": gấp 6 lần mức đáy! Đó cũng là thời hoàng kim nhất trong lịch sử của TTCK Trung Quốc, khi cả các bà nội trợ và thậm chí nhà sư cũng ra sàn "ngồi đồng".
Với Việt Nam, lịch sử diễn biến chứng khoán có vẻ chậm hơn Trung Quốc đôi chút, nhưng kết quả thì không khác mấy. Từ tháng 8/2005 đến tháng 3/2007, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 5 lần - ứng với chu kỳ tăng trưởng. Còn trong chu kỳ suy giảm, chậm hơn Trung Quốc khoảng 1-2 tháng, vào tháng 5/2010, TTCK Việt Nam cũng đã bắt đầu một đợt lao dốc, mở màn cho chiến dịch đại hạ giá cổ phiếu.
Hiện nay, tình hình TTCK Trung Quốc đang được mô tả với những từ ngữ khá bi quan. Trước lượng cung cổ phiếu quá lớn và ngày càng được gia tăng, dòng tiền đang được rút ra dần và người ta bắt đầu lặp lại khái niệm "đen tối" như đã từng phải mô tả vào năm 2008. Nhưng so với mốc ban đầu 1.400 điểm vào năm 2000, hiện chỉ số TTCK Thượng Hải vẫn còn cao gần gấp đôi. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chỉ có có ý nghĩa trên phương diện đầu tư dài hạn, tức chứng khoán Trung Quốc tăng được 10% mỗi năm trong hơn mười năm qua.
Còn nếu nhìn lại sự mất mát đến hơn 70% giá trị của TTCK Trung Quốc trong năm khủng hoảng 2008 thì có thể nảy sinh một cách nhận định khác: quá trình suy giảm của TTCK Trung Quốc từ đầu năm 2011 đến nay hoàn toàn chưa kết thúc, trong khi chỉ số thị trường này còn có thể sụt giảm mạnh hơn nhiều nữa khi những bài học lịch sử được lặp lại. Một trong những bài học như vậy là chu kỳ suy giảm suốt 4 năm, từ năm 2001 đến năm 2005, mà TTCK Trung Quốc đã phải chịu đựng.
Cách nhìn trên càng có cơ sở nếu xét đến đồ thị đổ dốc của các sàn giao dịch Thâm Quyến, vốn trước đó đã có mức tăng trưởng còn lớn hơn cả chỉ số chứng khoán Thượng Hải. Ở một khía cạnh khác, chỉ số chứng khoán Chinext Price Index của Trung Quốc - đại diện cho một sàn giao dịch mới được ví như sàn Nasdaq của Mỹ, quy tụ những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất - cho tới nay đã xuyên phá mốc khởi điểm lập nghiệp của nó. Nhưng quan trọng hơn, sự xuyên phá này có vẻ chưa muốn dừng lại tại một cái đáy dài hạn nào.
Có tác động đến TTCK Việt Nam?
Hiện tượng chỉ số Chinext của Trung Quốc phá vỡ mốc khởi điểm vào ngày 23/5/2011 cũng có một mối liên quan nào đó với chỉ số HNX của Việt Nam khi HNX đã phá vỡ đáy khủng hoảng 78 điểm vào ngày 20/5/2011, đồng thời với việc chỉ số VNI phá ngưỡng 425 điểm (cũng vào ngày 23/5/2011) đã từng được thiết lập trong một thời gian dài.
Nếu hệ thống lại, có thể dễ dàng nhận thấy biểu đồ phục hồi của TTCK Trung Quốc và TTCK Việt Nam khá gần gũi nhau. Tuy nhiên sau khủng hoảng năm 2008, TTCK Trung Quốc phục hồi trước và cũng tạo đỉnh trước (vào cuối tháng 7/2009). Trong khi đó, TTCK Việt Nam tuy phục hồi sau nhưng vẫn có sóng tăng kéo dài từ tháng 7-10/2009.
Những sự trùng khớp và lệch pha về thời gian như trên có thể gợi ra giả thuyết về khả năng có một dòng tiền nóng dịch chuyển từ TTCK Trung Quốc vào TTCK Việt Nam. Giả thuyết này cũng có thể được củng cố với những thông tin về mối liên hệ giữa các nhóm đầu cơ của TTCK hai nước đôi khi được nhắc đến trong những cuộc mạn đàm không chính thức.
Mặt khác, từ khoảng giữa năm 2010 đến nay, quá trình diễn biến của chỉ số TTCK Trung Quốc và Việt Nam đều dao động xuống, với độ giảm của chứng khoán Việt Nam mạnh hơn hẳn Trung Quốc. Sự đồng pha này, kết hợp với giả thuyết về dòng tiền nóng trên, lại có thể dẫn đến một giả thuyết khác: nếu trong thời gian tới chỉ số chứng khoán Trung Quốc tiếp tục suy giảm thì cũng có khả năng chỉ số chứng khoán Việt Nam, với đại diện thực chất là HNX, vẫn chưa hề kết thúc chu kỳ đi xuống. Điều đó cũng có nghĩa là dòng tiền nóng vẫn nằm ở đâu đó trên đất Trung Quốc chứ chưa chảy vào TTCK Việt Nam.
Một giả thuyết nữa cũng cần được đề cập đến là nếu như lịch sử của TTCK Thượng Hải lặp lại, tức TTCK Trung Quốc sẽ có 3-4 năm suy giảm như đã từng xảy ra vào thời kỳ năm 2001-2005, cùng với những ảnh hưởng đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc đến kinh tế thế giới, phải chăng đó là một trong những tín hiệu báo trước cho khả năng không mấy tốt đẹp, thậm chí xấu đi và có thể dẫn tới suy thoái lần hai của kinh tế thế giới?
Ở chiều ngược lại, những chỉ báo không sáng sủa của kinh tế thế giới cũng đang tạo ra những tác động khó chịu đến TTCK Trung Quốc.
Liên tục trong một tháng qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã lọt hẳn vào kênh suy giảm, nhưng không phải với mức sụt giảm lớn mà là giảm giằng co. Trong khi đó, TTCK tại nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan... đều đã xác định xu hướng giảm , ít ra trong ngắn hạn.
Đã có một vài nhận xét đáng chú ý về tương lai chứng khoán Mỹ. Vietstock, một tổ chức phân tích độc lập, gần đây đã nêu ra mối quan hệ giữa chỉ số chứng khoán Mỹ với giá trị đồng USD và nằm trong bối cảnh tình hình tiếp tục u ám của nhà đất Mỹ để cho thấy những dấu hiệu trùng hợp có vẻ như đang lặp lại thời kỳ cuối năm 2007, đầu năm 2008 - tức giai đoạn mào đầu cho quá trình lao dốc kinh hoàng của tất cả các TTCK thế giới sau đó.
Xét trong bối cảnh các nền kinh tế và TTCK trên thế giới bị chậm lại đà tăng trưởng hoặc có dấu hiệu suy giảm trở lại, khả năng TTCK Trung Quốc rơi vào quá trình giảm cộng hưởng là có thể xảy ra. Theo đó, không loại trừ TTCK Việt Nam cũng bị chi phối mật thiết với quá trình sụt giảm còn kéo dài khá lâu nữa.
Vì thế trong thời gian tới, TTCK Trung Quốc nên được xem là một tham khảo quan yếu đối với xu hướng vận động của TTCK Việt Nam.
------------------------------
Tác giả: Việt Thắng // Theo VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com