Đồng ngoại tệ đã bị "ghìm cương” thực sự trong nhiều ngày qua. Dù đánh giá đây là một tín hiệu tốt trong cách điều hành của NHNN, song trước tình trạng tỷ giá đi xuống tính theo ngày, các NHTM lo ngại đồng Việt Nam tăng giá khiến tín dụng ngoại tệ tăng gây mất cân đối giữa tín dụng VND và ngoại tệ trong huy động và cho vay.
Tỷ giá bị "ghìm cương” có vẻ đã đúng với ý định siết chặt thị trường ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, xóa bỏ dần tình trạng đô la hóa. Tuy nhiên, các ngân hàng lo ngại rằng, tiền đồng Việt Nam tăng giá mạnh khiến tín dụng ngoại tệ tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện trạng này sẽ tác động không nhỏ đến xuất khẩu trong thời gian tới.
Đồng USD đứng ở tỷ giá thấp
Tỷ giá đồng USD bình quân liên ngân hàng những ngày qua vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ đợt điều chỉnh tỷ giá vào giữa tháng 2-2011: 20.618 đồng/USD. Mức tỷ giá đã giữ chân trên thị trường trong nhiều ngày qua mà không có sự biến chuyển so với 2 ngày trước. Tỷ giá trần áp dụng cho các NHTM hôm nay tiếp tục ở mức 20.780 đồng/USD. Tại Sở Giao dịch NHNN, tỷ giá USD niêm yết ở mức 20.600 – 20.824 đồng, không đổi so với hôm qua. Các NHTM bán USD dưới mức trần khoảng 180 đồng. Cụ thể, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank sáng 15-6 ở mức 20.540 – 20.600 đồng/USD, không đổi so với ngày 14-6; Ngân hàng ACB niêm yết tỷ giá ở 20.510 – 20.600 đồng/USD, tăng 10 đồng giá mua vào; Eximbank nâng giá bán USD thêm 5 đồng lên 20.480 – 20.595 đồng...
Những diễn biến trên cho thấy, đồng ngoại tệ đã bị "ghìm cương” thực sự trong nhiều ngày qua. Dù đánh giá đây là một tín hiệu tốt trong cách điều hành của NHNN, song trước tình trạng tỷ giá đi xuống tính theo ngày, các NHTM lo ngại đồng Việt Nam tăng giá khiến tín dụng ngoại tệ tăng gây mất cân đối giữa tín dụng VND và ngoại tệ trong huy động và cho vay. Điều đó có thể gây khó khăn cho các ngân hàng trong thời gian tới, ảnh hưởng không nhỏ đến cán cân xuất nhập khẩu. Bởi vậy, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản kiến nghị NHNN không để tỷ giá giảm thêm nữa. Theo Hiệp hội Ngân hàng, sự chuyển biến tích cực của thị trường ngoại hối khiến trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại được cải thiện. Trên thị trường ngoại tệ tự do, tỷ giá tiếp tục được kiểm soát. Sự trầm lắng của thị trường chợ đen đã đẩy tỷ giá tự do xuống thấp hơn giá tại các ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ giá thấp đang kích thích tín dụng ngoại tệ tăng trở lại.
Không nên để tỷ giá USD/VND giảm hơn nữa
Số liệu thống kê từ các tổ chức tín dụng cho thấy, trong gần 5 tháng đầu năm 2011, thanh khoản bằng ngoại tệ của TCTD được đảm bảo, nhưng tín dụng bằng ngoại tệ tăng ở mức khá cao. Tính đến hết tháng 5 -2011, lượng vốn ngoại tệ các ngân hàng cho vay tăng tới 18,9% trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng 2,59%. Điều đó cho thấy, khuynh hướng doanh nghiệp chuyển sang vay ngoại tệ đã khá rõ ràng khiến cho khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng ngoại tệ và VND ngày càng lớn. Việc tín dụng ngoại tệ tăng cao sẽ làm tăng tính rủi ro của hệ thống ngân hàng và sản xuất trong nước. Bởi vậy, theo Hiệp hội ngân hàng, không nên để tỷ giá USD/VND giảm hơn nữa. Một chuyên gia trong ngành ngân hàng lý giải: Việc NHNN thực hiện đồng loạt các giải pháp tổng thể nhằm siết chặt đồng ngoại tệ sẽ góp phần củng cố thêm lợi thế VND. Lãi suất USD thấp, các tổ chức, cá nhân sẽ không còn tâm lý găm giữ ngoại tệ nữa mà chuyển sang VND. Có thể thấy, những biện pháp can thiệp của NHNN đang khiến tỷ giá được điều chỉnh nhưng chỉ là tạm thời. Về bản chất nền kinh tế của Việt Nam vẫn là nền kinh tế thiếu ngoại tệ. Vì vậy, việc để tiền đồng tăng giá cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong nước, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, ngay lúc này đây, NHNN nên áp dụng các biện pháp thị trường để can thiệp vào thị trường tiền tệ, không nên mãi sử dụng các biện pháp hành chính nữa.
(Daidoanket)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com