Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Có hướng khơi thông dòng vốn

Ngân hàng (NH) đã gác lại lãi suất cơ bản để giải quyết nạn vốn bị ách tắc do vướng trần lãi suất cho vay. Hướng ra đã có, nhưng nếu không đi đến cùng sẽ thông bên này tắc bên kia, tạo ra những trở ngại khác cho dòng vốn.

Tới đây, NH sẽ được áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đồng thời NH cũng sẽ được thu phí khi cho vay vốn ngắn hạn.

Rắc rối vì giá quy định

Ông G., giám đốc một doanh nghiệp (DN) điện tử tại Bình Tân (TP.HCM), cho biết thời gian qua khi vay vốn NH đưa ra mức lãi suất cho vay là 12%/năm cộng với phí 6%/năm. Riêng khoản phí, NH đề nghị thu một lần khi giải ngân, còn lãi suất vay trong hợp đồng tín dụng được quy định thay đổi hằng tháng tùy theo biến động của lãi suất cơ bản. Ông G. cho biết với điều khoản như trên DN sẽ bị thiệt, vì trong trường hợp xoay xở được nguồn vốn và trả trước hạn thì bị mất trắng khoản phí đã đóng trước đó. Thêm vào đó, dù vay được vốn nhưng DN như ngồi trên lửa do không biết lãi suất tăng lúc nào.

Còn ông T., chủ một DN ngành xây dựng tại Bình Chánh (TP.HCM), cho biết mỗi NH đã nghĩ ra cách lách trần lãi suất cũng gây khó cho người vay. Có NH yêu cầu người vay viết giấy đề nghị NH quản lý tài sản, thông qua đó thu phí. Tuy nhiên cũng có NH gợi ý nên chuyển món vay dưới dạng cá nhân để NH có thể áp dụng lãi suất thỏa thuận. Nhân viên tín dụng một NH cổ phần lớn cho biết với khoản vay được áp dụng theo trần lãi suất thì buộc phải có phí, dao động 5-6%/năm nên lãi suất vay thực tế phải từ 17-18%/năm.

Để giảm bớt rủi ro, NH đã thu ngắn thời hạn điều chỉnh lãi suất chỉ còn 1-3 tháng, thậm chí quy định thay đổi tùy theo biến động của lãi suất cơ bản vì khi lãi suất cơ bản tăng thì NH phải tăng lãi suất huy động. Với quy định này, người vay chịu áp lực về lãi suất và không tính toán được chi phí vay vốn.

Các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại nếu cho vay trung - dài hạn được thỏa thuận lãi suất, còn vay ngắn hạn bị buộc vào trần lãi suất và phí cố định, có thể dẫn đến tình trạng lách ngắn sang dài để có mức lãi suất cao hơn. Từ đó có thể làm méo mó cơ cấu vốn đầu tư khi NH thích cho vay trung - dài hạn, trong khi nguồn vốn trung - dài hạn của các NH lại hạn chế.

Không đủ sở hụi

Giám đốc một NH thương mại cổ phần cho biết đến nay nguồn vốn của NH đã khá hơn trước nhưng NH vẫn chưa muốn cho vay vì lãi suất quá thấp, không đủ sở hụi. Ông này tính toán giá vốn của NH là 14-14,5%/năm (trong đó huy động là 11%/năm gồm cả khuyến mãi, và 3-3,5%/năm chi phí) trong khi trần lãi suất cho vay theo quy định hiện tại chỉ 12%/năm. Do vậy để bù đắp chi phí cũng như rủi ro, các NH phải thu thêm các loại phí khác như thẩm định, quản lý tài sản...

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn cho biết nguyên tắc cơ bản trong cho vay là áp dụng lãi suất thấp với khoản vay tốt, lãi suất cao với khoản vay có rủi ro. Thế nhưng, do quy định của trần lãi suất nên hiện tại NH cho vay theo kiểu cào bằng, tất cả đều áp dụng một mức trần 12%/năm, không phân biệt được khách hàng tốt xấu. Từ trần lãi suất cho vay kéo theo trần lãi suất huy động là 10,5%/năm. Người gửi tiền chẳng vui vẻ gì khi đi NH nào cũng có một mức lãi suất, cao nhất là 10,4999%/năm. Trong khi đó có NH sẵn sàng trả cao hơn để có vốn cho vay. Vì vậy thoát trần lãi suất, trả lãi suất lại cho thị trường quyết định đã được đặt lên bàn các nhà làm chính sách.

Gỡ một lần cho thông

Chủ trương áp dụng lãi suất thỏa thuận cho vốn trung và dài hạn, cho thu phí khi cho vay ngắn hạn được đưa ra từ trước Tết Canh Dần. Một quan chức NH Nhà nước xác nhận đang soạn thảo hướng dẫn để các NH áp dụng.

Hiện NH chỉ được cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng. Các trường hợp sản xuất kinh doanh được vay theo trần lãi suất nhưng NH không muốn cho vay vì không đủ chi phí.

Bớt lo vốn trung và dài hạn, với dòng vốn ngắn hạn được khai thông đến mức nào còn phụ thuộc vào hướng dẫn của NH Nhà nước. NH Nhà nước chưa tiết lộ sẽ cho NH thu phí đến mức nào hay trao quyền quyết định cho các NH. Nếu NH Nhà nước cho thu phí một lần theo tỉ lệ nhất định, có nghĩa hình thành một trần lãi suất cho vay mới mà không cần điều chỉnh lãi suất cơ bản. Đây là điều thị trường không muốn. Bởi lẽ việc cho thu phí thực chất chỉ là hợp thức hóa lãi suất cho vay cho đủ chi phí của các NH. Nếu khống chế phí, NH chưa được bán vốn đúng theo giá mà họ muốn bán. Lúc đó sẽ nảy sinh tình trạng ngại cho vay hoặc né, lách để thu cho đủ.

Các NH thương mại nhà nước không lách để thu thêm phí, vay vốn tại đây sẽ rẻ hơn của NH cổ phần, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Nhiều lãnh đạo NH nói rằng người vay sẽ chấp nhận chung chi thêm để được vay của NH thương mại nhà nước, nếu lãi suất và phí tại các NH này thấp hơn ở các NH cổ phần. Để ngăn chặn tiêu cực và để đồng vốn được đặt đúng chỗ, cách tốt nhất là nên áp dụng lãi suất thỏa thuận cho khoản vay ngắn hạn. Còn nếu cho thu phí thì nên để NH quyết định mức thu.

(Báo Tuổi Trẻ)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Tín dụng ngân hàng thận trọng trong tăng trưởng
  • 9 giải pháp cho thị trường bất động sản
  • Chính sách tiền tệ có thể thắt chặt vì những mục tiêu mới
  • Mọi con đường đều dẫn tới ngân hàng
  • Gỡ "nút" cho giao dịch đảm bảo bằng động sản
  • Chính sách tỷ giá: Tâm điểm vĩ mô 2010
  • Hạn mức tín dụng có lấp được lỗ hổng quản trị?
  • Nguy cơ khủng hoảng kinh tế lần 2 đang đến gần
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!