Ba năm trước, cảnh báo rủi ro từ nợ dưới chuẩn của ông Roubini cũng như lời thú nhận của giám đốc ngân hàng trung ương châu Âu rằng giới ngân hàng chưa hiểu hết rủi ro thật sự của sản phẩm tài chính phái sinh như hai bông tuyết nhỏ bé, chìm ngay trong làn tuyết dày của Davos. Lần này, theo thời báo Tài chính (Anh), chủ đề này phản ánh nhu cầu cần phải thay đổi trong quản lý ngân hàng, từ sản phẩm phái sinh cho tới bán khống.
Các ngân hàng gượng dậy nhờ tiền cứu trợ nhưng vẫn thưởng lớn |
Khoảng 2.500 nhà doanh nghiệp hàng đầu các chính trị gia, và lãnh đạo thế giới đến Davos Thuỵ Sĩ, hôm nay (27.1) để dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 40, với chủ đề “Nghĩ lại, thiết kế lại và xây dựng lại”. Thông thường, các vấn đề nghị sự diễn ra tại WEF là thảo luận các vấn đề mang tính định hướng, nhưng lần này, các chính trị gia, lãnh đạo của các nước cũng như đại diện giới doanh nghiệp sẽ phải đi vào chi tiết. Điểm chung của khoảng 70 sáng kiến từ các nước là các vấn đề cụ thể. Chẳng hạn như đề nghị của Anh và Mỹ là các giải pháp quản lý sản phẩm phái sinh và quỹ phòng vệ.
Tiến thoái lưỡng nan
Một vấn đề mà chính trị gia các nước phải đối mặt là thúc đẩy thương mại tự do trong khi phải bảo đảm công ăn, việc làm trong nước. Nhiều khả năng tầm quan trọng của việc giảm thiểu các hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để giải quyết các bất đồng trong chính sách trợ giá nông nghiệp của các nước.
Vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn tài chính như tình hình giá bất động sản và nợ của Trung Quốc tăng vọt, phố Wall bị dồn ứ dòng tiền thừa mứa từ các gói kích cầu và gói cứu nguy của Chính phủ Mỹ… Nếu bong bóng tăng trưởng mới xì hơi, các ngân hàng lại cầu cứu, các chính phủ lại cố cứu trong tình trạng ngân sách đã cạn kiệt.
Trong tình cảnh thâm hụt ngân sách và công nợ đã quá cao, các chính phủ chỉ có thể dựa vào cách cổ điển: in thêm tiền. Số tiền in thêm này có khuynh hướng chảy vào các quỹ dự trữ, tiết kiệm hơn là đi vào tiêu dùng. Trong lịch sử, mỗi lần như vậy, muốn kiềm được lạm phát, phải trả giá đắt. Nhưng nếu các chính phủ không in thêm tiền, thế giới sẽ chứng kiến một thời kỳ của các tập đoàn và chính phủ ngập trong nợ nần.
Để tránh tình trạng tiến thoái lưỡng nan nói trên, các nhà kinh tế cho rằng các chính trị gia, giới ngân hàng, công nghiệp… phải tìm cách ngăn chặn quả bóng tăng trưởng mới xì hơi bằng cách: thắt chặt các quy định tài chính, tăng lãi suất, cân bằng cán cân thương mại toàn cầu và cân bằng ngân sách các chính phủ.
Lãi suất cao sẽ hạn chế khả năng quay lại của những tăng trưởng bong bóng trong tương lai và nếu nó quay lại, nó sẽ phình lên trong quy mô nhỏ dễ kiểm soát. Và ít nhất, với lãi suất cao, các ngân hàng trung ương vẫn có thể dùng nó để điều chỉnh nền kinh tế bằng cách cắt giảm khi bong bóng tăng trưởng quay lại. Với mức lãi suất gần bằng 0 như hiện nay, các ngân hàng trung ương không thể cắt lãi suất được nữa và không thể dùng lãi suất như một công cụ điều chỉnh khi bong bóng tăng trưởng lờ mờ xuất hiện.
Tuy nhiên, giới doanh nghiệp và một số nền kinh tế như Trung Quốc cho rằng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ bất hợp lý. Doanh nghiệp và các nước đang phát triển không chịu nổi lãi suất cao. Lãi suất cao có thể đẩy thế giới trở lại một cuộc suy thoái kép. Chưa kể thắt chặt các chính sách tiền tệ có thể ngăn cản đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Mọi con đường đều tới ngân hàng
Tờ The Guardian khẳng định giới ngân hàng đến Davos để vận động chống lại đề nghị của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Vài ngày trước khi WEF diễn ra, Tổng thống Obama đưa ra một kế hoạch được xem là những quy định khắt khe nhất trong mấy chục năm nay áp dụng có các định chế tài chính, để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự lặp lại. Những quy định này không cho các ngân hàng đầu tư vào các khoản mạo hiểm lớn bằng vốn tự có, hình thức được gọi là tự doanh (proprietary trading).
Theo truyền thống, các ngân hàng dùng tiền được ký thác từ cá nhân, doanh nghiệp để cho vay, hoặc dùng các quỹ của khách hàng đầu tư vào thị trường tài chính kiếm lời. Từ sau các cuộc khủng hoảng thập niên 80 và 90, các ngân hàng, ngoài quỹ của khách hàng, còn dùng vốn của chính mình để đầu tư vào các khoản mạo hiểm khổng lồ. Hình thức này được gọi là tự doanh.
Trước khi đến Davos, Financial Times cho biết đã có vài vị lãnh đạo ngân hàng lên tiếng phản bác kế hoạch của ông Obama, vì cho rằng hoạt động tự doanh của các ngân hàng không phải là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Nếu kế hoạch của ông Obama được thông qua, nó sẽ trở thành tiền lệ cho các nước khác. Do đó, giới ngân hàng hứa hẹn sẽ đoàn kết để chống lại kế hoạch nói trên.
Có lẽ vì vậy, giới ngân hàng đến dự WEF bị “soi” rất kỹ. Thậm chí có báo như Business Insider còn “soi” các vị lãnh đạo ngân hàng đến Davos bằng phương tiện nào. Có vị đến Davos bằng máy bay thương mại, thay vì chuyên cơ riêng như trước đây. Tại Davos, nhiều vị đồng ý đi xe chung thay vì xe VIP.
( Theo Ngọc Danh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com