Các thành viên hội đồng quản trị của một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM được huy động họp bất thường. Họ được thuyết trình về đề án bất động sản mà chủ đầu tư của nó là một trong những cổ đông lớn có tiếng nói quyết định của chính ngân hàng đó. Với triển vọng lợi nhuận của dự án bất động sản, chủ đầu tư đã thuyết phục được lãnh đạo ngân hàng đổ vốn cho nó.
Câu chuyện trên không phải duy nhất trong hệ thống 80 ngân hàng ở Việt Nam. Ở một số ngân hàng thương mại (NHTM), bất kể là nhà nước hay tư nhân đã xuất hiện tình trạng cổ đông lớn của ngân hàng dùng ảnh hưởng của mình để rót vốn của chính ngân hàng mà họ là cổ đông cho những dự án đầu tư bên ngoài của chính họ.
Thật khó tiếp cận số liệu liên quan đến những trường hợp này ở khu vực tư nhân. Còn ở khu vực nhà nước, theo số liệu mà Sài Gòn Tiếp Thị có được, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay vốn ngân hàng với tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng rất cao: tổng công ty Hàng hải Việt Nam nợ 15,33%; tập đoàn Bưu chính viễn thông nợ tại một ngân hàng thương mại nhà nước 18,90%; tập đoàn Dầu khí nợ tại hai ngân hàng thương mại nhà nước với tỷ lệ lần lượt 71,97% và 22,49%; tập đoàn Điện lực nợ tại ba ngân hàng thương mại nhà nước với tỷ lệ lần lượt 22,77%, 22,49% và 71,97% vốn tự có của các ngân hàng này. Các tỷ lệ nợ nêu trên đều vượt quá 15% vốn tự có mà tổ chức tín dụng hay NHTM được phép cho vay. Đây là số liệu tính đến giữa năm 2009.
Bản chất của những món cho vay trên, theo các chuyên gia kinh tế, là “tín dụng chỉ định” hoặc “đầu tư chéo”. Bất kể là hình thức nào, và tỷ lệ cho vay lên đến bao nhiêu, thì những khoản cho vay này đều tiềm ẩn rủi ro.
Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu là người nắm rõ tình hình này. Ông muốn ngăn ngừa việc các NHTM gặp rủi ro khi cho vay quá mức, kiểu như trên, với một khách hàng. Theo dự thảo luật các tổ chức tín dụng đang được lấy ý kiến rộng rãi, tổng mức tín dụng cấp cho một khách hàng không được vượt quá 15% tổng vốn chủ sở hữu của NHTM. Quy định về hạn mức cấp tín dụng thuộc điều 128 của dự thảo trên là một trong những thay đổi quan trọng nhất so với luật hiện hành. Ông Giàu giải thích: “Quy định này phản ảnh thực tế là rủi ro của tổ chức tín dụng phụ thuộc vào rủi ro của đối tác liên quan, chứ không phụ thuộc vào nghiệp vụ tín dụng của chính ngân hàng đó”.
Bên cạnh đó, dự thảo trên cũng đề ra các quy định nhằm hạn chế các quan hệ tín dụng, hùn vốn, góp vốn chéo, góp vốn ngược, góp vốn vòng tròn (góp vốn, mua cổ phần lẫn nhau) giữa tổ chức tín dụng với các công ty có quan hệ về vốn, đặc biệt là các công ty nắm quyền kiểm soát ngân hàng. Để tránh rủi ro cho các NHTM do sự can thiệp quá mức của các công ty nắm quyền kiểm soát, dự thảo còn đề ra các quy định buộc phải minh bạch hoá quan hệ giữa công ty kiểm soát với các NHTM, giữa NHTM với các công ty con của mình; quy định không cho phép NHTM và các công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát được sở hữu chéo cổ phần.
Có vẻ như đề xuất nhằm lập lại an toàn cho hệ thống ngân hàng của thống đốc được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ. Chủ tịch Uỷ ban, ông Hà Văn Hiền đề nghị quy định tỷ lệ giới hạn cho vay của tổ chức tín dụng phi ngân hàng ở mức 15% vốn tự có đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan. Ông Hiền giải thích: quy định giới hạn cấp tín dụng với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan là nhằm tránh tập trung vốn lớn vào một khách hàng, phân tán rủi ro trong hoạt động tín dụng, để đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, các ngân hàng nước ngoài có vẻ không đồng tình giới hạn này. Chủ tịch nhóm công tác ngân hàng thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam Tom Tobin nói: “Giới hạn này sẽ cản trở các chi nhánh nước ngoài của các ngân hàng nhỏ trong việc kinh doanh tại Việt Nam”. Ông giải thích, tất cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam hiện nay đều duy trì hạn mức cho vay đối với một khách hàng là 15% trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng mẹ. Vì thế các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ vi phạm điều này hoặc vi phạm hợp đồng cho vay đang có hiệu lực và sẽ phải kết thúc hợp đồng sớm hơn dự kiến, nếu điều 128 của dự luật được thông qua. Ông Brett Krause của ngân hàng Citi Bank giải thích thêm, thông qua điều 128 có nghĩa là một công ty chỉ có thể vay được tối đa 4,5 triệu USD từ một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nếu ngân hàng đó có hai chi nhánh, và 2,25 triệu USD nếu chỉ có một chi nhánh. Ông nói: “Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít có cơ hội tiếp cận nguồn vốn nước ngoài”.
Rõ ràng, mục tiêu đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng không thể thoả mãn yêu cầu của các nhóm lợi ích khác nhau trong cùng hệ thống. Nhưng đây là bài toán phải giải quyết, trong bối cảnh “khoảng 25% các ngân hàng xếp hạng cuối trong tổng số 80 ngân hàng ở Việt Nam đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hầu hết trong tình trạng thiếu vốn và khó có thể trụ vững” (báo cáo của nhóm công tác ngân hàng). Điều cốt yếu nhất là cần công khai hoá những ngân hàng cho vay vượt quá quy định.
( Theo Tư Giang // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com