Lâu nay, khi công bố số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ Kế hoạch - Đầu tư thường dựa vào số vốn cam kết “bằng miệng” của nhà đầu tư, trong khi thông lệ quốc tế đo lường bằng số vốn đã giải ngân.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nhận định, chừng nào Việt Nam chưa đoạn tuyệt với cách “tung hô” vốn FDI ảo thì rất khó hình thành các chính sách thu hút vốn FDI chú trọng về chất.
Trong nhiều năm gần đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư luôn công bố các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký lượng vốn tới 60 - 70 tỷ USD, con số khiến không chỉ giới đầu tư trong nước mà nhiều nền kinh tế có khả năng thu hút vốn FDI lớn trên thế giới cũng phải giật mình. Nhưng đây chỉ là “vốn miệng”, bởi con số thực tế giải ngân được chỉ trên dưới 10 tỷ USD.
Tại hội thảo “Đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tư nhân: Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan và bài học cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 2/11, các chuyên gia cho rằng, đầu tư FDI luôn có tính hai mặt và chính sách thu hút FDI của nhiều nước đều nhằm khai thác tối đa mặt tích cực, giảm thiểu tiêu cực. Song Việt Nam chưa làm tốt điều này.
Để nâng cao chất lượng thu hút vốn FDI, Phó viện trưởng Nguyễn Đình Cung đề xuất, thay vì gây chú ý bằng công bố con số “vốn miệng”, cần thay đổi đo lường hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI bằng số vốn thực tế nhà đầu tư đã chuyển vào Việt Nam. Nếu không, ở góc độ nào đó, hệ thống chính sách thu hút FDI sẽ bị “nắn” cho thành tích ảo đó.
Cùng với đó là loại bỏ tư duy ưu đãi thu hút vốn FDI theo kiểu “vơ bèo vạt tép”, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương), Phan Đức Hiếu, cho rằng, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng chăm sóc doanh nghiệp, sau khi đã thu hút họ vào đầu tư. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia có lịch sử phát triển tương tự Việt Nam, cần thành lập Văn phòng đầu tư nước ngoài.
Theo ông Hiếu, Văn phòng đầu tư nước ngoài là đầu mối duy nhất tiếp nhận tất cả kiến nghị của doanh nghiệp FDI, để đưa ra hướng tháo gỡ. Trên cơ sở phân tích khó khăn doanh nghiệp gặp phải, Văn phòng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, vận dụng tối đa hệ thống pháp lý hiện hành, nhằm chẩn trị “bệnh”. Giải pháp này đã được Hàn Quốc áp dụng thành công, thường hơn 90% vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết kịp thời. Trường hợp bất thành, văn phòng sẽ là nơi kiến nghị cấp có thẩm quyền, điều chỉnh chính sách phù hợp.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com