Liệu hoạt động của công ty tài chính Vinashin có èo uột? |
Cách đây 11 năm, công ty tài chính của tập đoàn Dệt may – công ty tài chính đầu tiên nằm trong các tập đoàn, TCT ra đời. Sau đó, mô hình này “nở rộ”, nhưng lượng lại chưa đi đôi với chất.
Theo một thông tin đưa ra mới đây của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì nợ xấu tại các công ty tài chính có xu hướng tăng. Điều này được giải thích rằng, đó là do cơ chế về thanh toán đối với các công ty này chưa phù hợp. Đó có thể là một lý do, nhưng chắc không phải là lý do duy nhất.
Thu hẹp lĩnh vực nào, chuyển hướng sang đâu là bài toán đòi hỏi sự nhạy cảm và quyết đoán của người lãnh đạo
Là tổ chức tín dụng với nhiệm vụ chính là tổ chức, huy động vốn, bảo lãnh vay vốn cho các thành viên trong các tập đoàn, tổng công ty TCT nhà nước; bản thân mô hình công ty tài chính trong tập đoàn hay TCT nhà nước đã ẩn chứa những rủi ro, do những công ty này vừa phải hoạt động theo những quy định, luật lệ của Ngân hàng Nhà nước, vừa phải làm theo những chỉ đạo, chỉ thị của lãnh đạo các tập đoàn (nhiều khi không phù hợp với những quy định của ngành ngân hàng). Ở những tập đoàn, TCT mà lãnh đạo am hiểu về tính chất hoạt động của công ty tài chính của ngành mình, nắm chắc các quy định của ngân hàng thì công ty tài chính của tập đoàn đó sẽ có đất làm ăn, có cơ hội phát triển. Với những tập đoàn có nguồn lực kinh tế mạnh về tài nguyên, tư liệu sản xuất, tài chính, có hàng chục, hàng trăm đơn vị thành viên mạnh… như công ty tài chính của tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, thì công ty tài chính ngành đó, với sự sắp xếp của lãnh đạo tập đoàn, việc điều hành hợp lý của lãnh đạo công ty thì các công ty này rất thuận lợi. Chỉ cần “vùng vẫy” trong những mảnh sân đó, các công ty cũng đã “đủ ăn”. Có những thời điểm, các doanh nghiệp trong các tập đoàn có những khoản tiền nhàn rỗi lớn, thay vì gửi ngân hàng, đã đưa vào gửi ở các công ty tài chính với mức lãi suất rất thấp, thậm chí chỉ vài %/năm, trong khi lãi suất trên thị trường có khi lên đến 7-8%/năm như hiện nay. Đó là lợi thế mà chính các ngân hàng thương mại cũng không có được. Nhưng không phải công ty tài chính nào cũng có may mắn như vậy.
Ngay cả với tập đoàn Dệt may, theo một cán bộ của tập đoàn này, trước đây khi cổ phần hóa, tập đoàn đã thu về được khá nhiều tiền. Nhưng việc quản lý nguồn tiền và cho các đơn vị thành viên vay lại không được thông qua công ty tài chính. Dẫn đến chuyện, các công ty… vay thẳng từ công ty mẹ - tập đoàn. Công ty vay ít thì vài tỷ đồng, công ty vay nhiều thì đến cả chục tỷ đồng, rồi lần khân không trả. Đến lúc ấy, tập đoàn mới yêu cầu công ty tài chính giúp đỡ trong việc đòi nợ. Chuyện thành ra việc khó, vì khi công ty tài chính thay mặt cho tập đoàn đòi tiền đã nhận được câu trả lời từ các “con nợ” rằng, họ chẳng có quan hệ gì với công ty.
Không biết về sau này, công ty tài chính của tập đoàn Dệt may đã giúp đòi nợ thế nào nhưng những trục trặc như thế này không phải là chuyện hiếm. Nhưng có vấn đề được đặt ra là ngay cả với các tập đoàn - công ty mẹ, nhiều khi các công ty thành viên còn tùy tiện như vậy thì trong quan hệ với công ty tài chính - chỉ là công ty con “bằng vai phải lứa” của tập đoàn, liệu các công ty thành viên đó có giữ được sự nghiêm túc trong việc vay vốn, chi trả?
Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng có nhiều lý do để kêu khổ vì bị “phân biệt đối xử” trong các chính sách chung với các tổ chức tín dụng. Theo lời một vị lãnh đạo Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), hiện nay các công ty tài chính không được nhận tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi phần lớn các khoản tiền nhàn rỗi (cũng khá lớn và thường xuyên của các doanh nghiệp) thường chỉ phát sinh trong ngắn hạn. Một vị trong ban lãnh đạo Công ty tài chính của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam lại cho biết, các công ty tài chính cũng khổ vì quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước không cho làm dịch vụ thanh toán. Đây thực sự là dây trói quá chặt vì không được làm thanh toán hiển nhiên là gây ra khó khăn cho công ty tài chính trong quan hệ với các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn, nhất là trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị. Việc phải làm thanh toán lòng vòng qua ngân hàng có thể cũng là một yếu tố gây ra nợ quá hạn. Rồi một loạt các vấn đề khác như: chưa được thanh toán bù trừ trong hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tình trạng không rõ ràng về vai trò bảo lãnh cho vay, không được phát hành kỳ phiếu, không được kinh doanh ngoại tệ… cũng khiến cho vai trò của các công ty tài chính rất mờ nhạt.
Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước công nhận, những lời kêu ca của các công ty tài chính cũng có phần đúng; chẳng hạn như những quy định về việc thanh toán điện tử. Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉnh sửa lại một số nghị định, thông tư liên quan đến hoạt động của các công ty tài chính. Nhưng dường như vướng nhất chính là về sự bất hợp lý của bản thân mô hình công ty tài chính trong hệ thống tổ chức tín dụng. Nếu như Ngân hàng Nhà nước giải quyết những gì gọi là “khúc mắc cơ bản” của các công ty này như cho gửi ngắn hạn, cho phép thực hiện dịch vụ thanh toán hay huy động ngoại tệ thì các công ty này lại hoạt động chẳng khác gì các ngân hàng. Còn nếu không cho làm, thì các công ty này sẽ vẫn luôn “èo uột”, vẫn luôn bị “co kéo” giữa các quy định, chính sách của ngân hàng với những chỉ đạo của các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty như hiện nay…
(Theo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com