Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3%, bên cạnh những tác động tích cực, đã xuất hiện xu hướng rục rịch tăng giá hàng hóa.
Ảnh minh họa |
Tác động tích cực sau điều chỉnh tỷ giá
Theo TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, đợt điều chỉnh tỷ giá lần này của NHNN với mức tăng 9,3% (từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD) là lớn.
Về mặt lý thuyết việc này có thể đẩy các mặt hàng phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu như xăng dầu, gas, sắt thép, sữa… tăng giá.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ trước khi điều chỉnh, giao dịch ngoại tệ mua - bán những mặt hàng trên đã theo tỷ giá thị trường tự do (khoảng 21.000 đồng/USD). Vì vậy, điều chỉnh nhằm đưa tỷ giá chính thức và tự do tiến sát nhau hơn, hợp thức hóa các giao dịch mua bán trước đó. Nên áp lực lên giá cả là không nhiều.
Ngày 14/2, ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khi trả lời báo chí cũng cho biết, khi tỷ giá tăng, lạm phát sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tác động trong lần này không nhiều bởi mức tỷ giá được điều chỉnh thực chất đã tồn tại cách đây khá lâu rồi. Và mức tỷ giá đó đã được tính vào các yếu tố kinh doanh nên nó không gây đột biến gì về lạm phát. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá cũng đồng nghĩa với giảm giá đồng nội tệ. Khi đó sẽ có lợi nhất định đối với xuất khẩu và tác động nhất định đến nhập khẩu.
Đối với các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Thời – Tổng giám đốc Công ty may Thái Nguyên (TNG), mục đích của việc tăng tỷ giá từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD (9,3%) của Nhà nước là hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp may xuất khẩu như TNG. Khó khăn chỉ là những đơn vị nhập khẩu các mặt hàng tiêu thụ trong nước như nhựa, phân bón, phôi thép...
Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM Lê Thẩm Dương cho rằng, việc tăng tỷ giá nhằm xóa bỏ sự méo mó của thị trường, giúp lưu thông ngoại tệ, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, tăng tỷ giá thu hẹp khoảng cách giá USD giữa thị trường tự do và chính thức tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư nhất là nguồn kiều hối. Khi đó, cung ngoại tệ sẽ dồi dào, cân bằng cung cầu ngoại tệ và tỷ giá giảm dần, lạm phát sẽ giảm.
Sau khi tăng tỷ giá, hiện giá USD chính thức tại các NHTM được điều chỉnh bán tương ứng với giá bình quân liên ngân hàng. Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Ngoại thương (VCB) đều niêm yết giá bán kịch trần ở mức 20.920 đồng/USD nhưng giá mua khác nhau dao động ở mức 20.720 - 20.900 đồng/USD.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho rằng trong một vài ngày trước khi điều chỉnh tỷ giá có thể tỷ giá chợ đen chưa giảm nhiệt do tâm lý người dân bị tác động bởi việc tăng tỷ giá liên ngân hàng của NHNN. Tuy nhiên, về lâu dài việc điều chỉnh tỷ giá kéo tỷ giá trên thị trường về sát tỷ giá chính thức niêm yết tại các NHTM và các NHTM sẽ có thể mua ngoại tệ nhiều hơn, khi đó giá USD trên thị trường tự do sẽ hạ nhiệt.
Đặc biệt khi các NHTM mua được USD, có nguồn ngoại tệ bán ra cho các nhà nhập khẩu sẽ tác động tích cực thêm nữa trên thị trường tự do. Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần lớn ở TPHCM cho biết đã có nhiều doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng.
Cảnh giác trước tâm lý tăng giá “té nước theo mưa”
Dẫu vậy, theo quy luật của thị trường, sau mỗi lần tỷ giá tăng, giá cả hàng hóa bao giờ cũng nhấp nhổm tăng theo. Gas là mặt hàng “ăn theo” nhanh nhất, khi các doanh nghiệp đồng loạt thông báo, kể từ ngày 12/2, mỗi bình gas 12 kg tăng thêm 17.000 đồng. Tiếp đến, các mặt hàng linh kiện điện tử, máy móc… (mỗi tháng nhập bình quân hơn 1 tỷ USD), cũng đang trong xu thế rình rập tăng.
Một lãnh đạo của Hiệp hội Thép cũng cho hay, trong tháng 1 giá thép trong nước đã tăng khoảng 500 nghìn đồng/tấn, do giá phôi thế giới tăng 100 USD/tấn. “Dự báo, nhu cầu thép trong tháng 2, tháng 3 sẽ tăng cao hơn. Dù tỷ giá không phải nguyên nhân chính đẩy thép tăng, nhưng cũng một phần làm chi phí của các doanh nghiệp bị đội lên, ảnh hưởng không nhỏ tới giá” - ông nói.
“Hùa” theo giá thép, giá các loại xi măng, gạch ngói… cũng tăng so với các tháng trước. Theo ghi nhận, các cửa hàng vật liệu xây dựng đã điều chỉnh giá xi măng với mức tăng dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng/tấn. Trong đó, xi măng Hoàng Thạch có giá 1,08 triệu đồng/tấn, xi măng ChinFon Hải Phòng có giá 1,02 triệu đồng/tấn. Đáng lưu ý, giá các loại vật liệu cho phần hoàn thiện và trang trí nội thất cũng tăng bình quân từ 10%-20%.
Thực tế của nhiều lần tăng tỷ giá trước đây, dù mức tăng thấp hơn nhiều và tỷ giá chính thức thấp hơn tỷ giá “chợ đen” thì tăng tỷ giá luôn là lý do tăng giá của các doanh nghiệp. Điều này là một thực tế khó tránh và lần này cũng vậy, cảnh giác với tâm lý tăng giá “té nước theo mưa” và có giải pháp điều hành thích hợp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan chức năng.
(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com