Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đằng sau câu chuyện tăng trưởng

Trong quí 2 và quí 3-2009, chỉ số VN-Index lần lượt tăng trưởng ở mức cao 59,73% và 29,6% do kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp. Nhưng nguồn gốc lợi nhuận của các doanh nghiệp đến từ đâu? Sự tăng trưởng cao có thể tiếp tục khi gói hỗ trợ lãi suất kết thúc?

Tăng trưởng cao sau khủng hoảng

Kết quả thống kê doanh số và lợi nhuận từ 122 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) phi tài chính tại sàn HOSE cho thấy, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua không hề vô lý. Sự gia tăng của giá chứng khoán trong quí 2 và quí 3-2009 gắn liền với sự phục hồi của các doanh nghiệp. Hình 1 cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã tác động đến hoạt động kinh doanh của các DNNY. Theo đó, doanh thu của các DNNY lần lượt suy giảm -1,6% và -5% trong quí 3 và quí 4-2008. Đáng chú ý, lợi nhuận của các DNNY vào thời điểm quí 4-2008 là con số âm.

Bước sang quí 1-2009, mặc dù doanh số tiếp tục suy giảm 14,8% nhưng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đã quay trở lại con số dương. Đặc biệt trong quí 2-2009, các DNNY hoàn toàn phục hồi khi mà cả doanh số và lợi nhuận trước thuế vượt các quí trước khi xảy ra khủng hoảng.

Nguồn gốc lợi nhuận

Kết quả nghiên cứu cho thấy tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của 122 DNNY phi tài chính bắt nguồn từ sự cải thiện trong tỷ suất lợi nhuận gộp biên. Nói cách khác, các DNNY có được kết quả lợi nhuận cao nhờ vào sự sụt giảm trong giá vốn hàng bán. Sở dĩ giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp ở mức thấp là do nhiều doanh nghiệp trong thời điểm quí 3 và quí 4-2008 đã nhập về một lượng lớn các nguyên vật liệu giá rẻ. Do đó, khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi và giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, các doanh nghiệp không phải mất nhiều chi phí để mua nguyên vật liệu.

Ngành thép có thể là một ví dụ minh họa. Cuối năm 2008, các doanh nghiệp đã nhập một lượng lớn phôi thép với giá chỉ 200-300 đô la Mỹ/tấn. Do đó, khi giá phôi thép thế giới tăng lên mức 500-510 đô la Mỹ/tấn, các doanh nghiệp đã có được khoản lợi nhuận đáng kể.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy lợi nhuận báo cáo trước thuế của các DNNY bị tác động rất lớn bởi các khoản mục không hoạt động (như đầu tư tài chính hay thu nhập bất thường). Vào thời điểm quí 4-2008, mặc dù lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính của các DNNY vẫn dương 823 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế báo cáo lại lỗ đến 491 tỉ đồng. Điều này cho thấy, các khoản lỗ do đầu tư tài chính là nguyên nhân lớn dẫn đến sự suy thoái của các DNNY chứ không hoàn toàn do khó khăn trong hoạt động kinh doanh chính.

Tuy các con số trong những quí đầu của năm 2008 cho thấy lợi nhuận của các khoản mục hoạt động chiếm tỷ lệ khá lớn trong lợi nhuận báo cáo của các DNNY nhưng chúng tôi cho rằng quí 4 mới là thời điểm mà bản chất hoạt động của các doanh nghiệp được bộc lộ. Các doanh nghiệp Việt Nam thường có thói quen trích lập dự phòng đầu tư tài chính hoặc dự phòng hàng tồn kho vào thời điểm cuối năm. Do đó, nhiều khoản mục chi phí bị “treo” đến cuối năm thay vì phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh trong kỳ.

Bảng 1 cũng cho thấy thực tế rằng, sự phục hồi trong lợi nhuận của các DNNY trong chín tháng đầu năm 2009 có sự đóng góp khá lớn của các khoản mục không hoạt động. Theo đó, tỷ trọng của lợi nhuận hoạt động trước thuế chỉ chiếm 68% và 77% lợi nhuận báo cáo trước thuế trong quí 2 và quí 3-2009. Nói cách khác, những khoản lãi từ đầu tư tài chính (có thể là do doanh nghiệp bán cổ phiếu hoặc hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính) hay khoản lãi bất thường từ việc định giá lại các tài sản đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp này.Đây thực sự là vấn đề cần quan tâm, bởi nếu như vào thời điểm cuối năm, chỉ số VN-Index có sự sụt giảm mạnh, một phần lớn khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng “bốc hơi”. Và nay thị trường hồi phục thì thành quả này không ngừng gia tăng. Nói các khác, lợi nhuận của các DNNY tăng nhờ giá cổ phiếu tăng nhưng giá cổ phiếu tăng do nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận các DNNY tăng. Vậy đâu là cái gốc của vấn đề trong thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thời điểm kết thúc năm tài chính 2009 gần kề, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh, nếu tiếp tục xu hướng này đến khi kết thúc năm thì lợi nhuận của các DNNY sụt giảm đáng kể. Hậu quả là giá chứng khoán sụt giảm. Một lần nữa vòng luẩn quẩn trên lại xuất hiện.

Ra sao khi gói hỗ trợ lãi suất kết thúc?

Bảng 2 cho thấy, gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ thực sự có tác động mạnh đến hiệu quả kinh doanh của các DNNY. Điều này được giải thích bởi nợ vay có lãi ngắn hạn chiếm tỷ trọng khoảng 40-48% trong tổng nợ vay có lãi của các doanh nghiệp. Vào thời điểm quí 1-2008, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng khoảng 14% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vào thời điểm lãi suất cho vay tăng cao như thời điểm quí 2 và quí 3-2008, chi phí lãi vay chiếm đến 30% lợi nhuận trước thuế. Sự gia tăng của chi phí lãi vay hoàn toàn tương đồng với sự gia tăng trong lãi suất đi vay của các doanh nghiệp (được biểu hiện qua tỷ số chi phí lãi vay/nợ vay ngân hàng ngắn hạn).

Dưới tác động của gói hỗ trợ lãi suất 4%, lãi suất đi vay mà các doanh nghiệp được giảm thiểu đáng kể từ mức 6,32% trong quí 4-2008 xuống còn 2,94% trong quí 3-2009. Chi phí lãi vay theo đó chỉ còn chiếm khoảng 12,46% trong lợi nhuận trước thuế vào thời điểm quí 3-2009.

Phân tích trên cho thấy rằng, lợi nhuận của các DNNY được hưởng lợi khá nhiều bởi chính sách hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ. Do đó, nếu không có gói kích cầu thứ hai, lợi nhuận của các DNNY khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay. 

(Theo Lê Đạt Chí // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Nợ cao liệu có “hạ gục” nước Mỹ?
  • Tám cách để các ngân hàng có thể tăng nguồn doanh thu
  • Lợi nhuận ngân hàng: Dự báo dần hiện thực?
  • Lợi nhuận ngân hàng có còn phong độ?
  • Ngân hàng thế giới trước nguy cơ mới
  • OECD: Nợ công cản trở khôi phục kinh tế
  • 'Nợ nước ngoài vẫn dưới mức an toàn'
  • Thu hút đầu tư từ kiều bào: Rào cản từ chính sách?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!