Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đằng sau việc giấu nợ xấu, khoe lãi khủng là gì?

Lãi “khủng” thực ra lại là “khối u ác tính” đang tích tụ trong cơ thể ngân hàng, chỉ chờ ngày bung ra thành những di căn không thể cứu chữa.
 
Cáo bạch về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của một số ngân hàng thương mại cổ phần vừa công bố cho thấy các ngân hàng vẫn có lãi khủng, bất chấp thực tế là tỷ lệ nợ xấu đang gia tăng và tốc độ tăng trưởng tín dụng âm cho đến hết tháng 5 vừa qua.

Trong khi đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy các ngân hàng đã che giấu ít nhất 50% nợ xấu, chỉ công bố một nửa so với thực tế. Tại sao có tình trạng “giấu nợ xấu, khoe lãi khủng”? Đằng sau việc này là gì?

Những thông tin liên quan đến hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang khiến dư luận băn khoăn không ngớt. Đặc biệt gần đây khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng lên tới 8,6% tổng dư nợ tín dụng, tương đương hơn 240.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là con số này cách khá xa con số do các ngân hàng thương mại tự công bố, thực tế là cao gấp đôi so với báo cáo của các ngân hàng thương mại.

Điều này có nghĩa là, từ lâu các ngân hàng thương mại đã che giấu thực trạng nợ xấu, làm đẹp bảng cân đối kế toán. Theo các chuyên gia, việc làm này có nhiều cái lợi : Thứ nhất, họ sẽ giảm được tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro nếu như tỷ lệ nợ xấu nằm trong phạm vi cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 3% tổng dư nợ tín dụng. Thậm chí ngay cả việc điều chỉnh tiêu chí đánh giá nợ xấu, để làm giảm tỷ lệ nợ xấu ở nhóm 4, nhóm 5 (là nhóm được coi là rất khó có khả năng thu hồi) để giảm mức trích lập quĩ dự phòng rủi ro.

Theo qui định của Ngân hàng Nhà nước, với nhóm nợ xấu nhóm 4 hay nhóm 5, ngân hàng thương mại phải trích 50% dư nợ cho dự phòng rủi ro. Chính vì thế, báo cáo của các ngân hàng thương mại cho biết tỷ lệ nợ xấu chỉ là 4,17%, còn nợ xấu nhóm 4, 5 chỉ chiếm 20% trong tổng nợ xấu, nhưng Ngân hàng Nhà nước thì khẳng định con số này phải là 40%.

Thứ hai, khi đưa ra ngoài bảng kế toán những khoản nợ xấu, tức là những khoản khó thu hồi cả gốc lẫn lãi, họ vẫn hạch toán lãi “dự thu” vào bảng quyết toán tài chính, do vậy hiệu quả kinh doanh của ngân hàng vẫn cao. Điều này có thể được ví như hành động “đào hầm dưới cột chống nhà”, hay hành động “tự ăn vào thịt mình” khi mà khối nợ xấu nằm ngoài bảng cân đối tài sản thì ngày càng to lên, khả năng thu hồi ngày càng khó, nhưng những nhà quản trị ngân hàng vẫn hỉ hả chia lãi, hưởng lương cao, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn, không cần biết “quả bom nổ chậm ” sẽ nổ lúc nào.

Hành vi này có nguyên nhân từ chính cơ chế quản lý vĩ mô đối với hoạt động ngân hàng,  khi giới quản trị ngân hàng – dù thuộc nhà nước hay cổ phần – vẫn luôn có niềm tin vững chắc rằng dù thế nào thì Nhà nước cũng không để ngân hàng chết.

Vì thế, dù có đang tích tụ những quả bom nổ chậm, thì họ cũng vẫn mong đợi một cách duy ý chí rằng nó sẽ không nổ khi họ còn đang cầm chịch; còn nó nổ lúc nào, thì người nào cầm chịch lúc đó sẽ biết. Đây chính là biểu hiện rõ nét nhất của tầm nhìn ngắn hạn về lợi ích, nó cũng là hệ quả tất yếu khi hàng loạt ngân hàng cổ phần thương mại được cho ra đời một cách dễ dãi cách đây chục năm, huy động vốn một cách dễ dãi, hoạt động với phương châm “tranh thủ gặt hái” với những chiêu bài như lập công ty sân sau để tiêu thụ vốn, đổ vốn ồ ạt vào bất động sản, hạch toán ngoài bảng để có cáo bạch “đẹp như mơ”, nhằm đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Đã có thời kỳ, ngân hàng cổ phần mọc lên như nấm, nhiều ngành đổ tiền vào làm ngân hàng trong khi không hề có đủ lực lượng nhân lực có chuyên môn quản trị ngân hàng. Chính vì thế, những CEO của ngành ngân hàng mới có cơ đòi hỏi những mức lương khủng, toàn tính bằng triệu đô mỗi năm.

Những CEO “trình cao – lương cao” này quả đã đạt tới trình độ nghệ thuật trong việc che giấu nợ xấu, làm đẹp bảng cân đối tài sản, làm hài lòng cổ đông và Đại hội đồng cổ đông, để được tiếp tục giữ vị trí hưởng lương khủng!

Thực trạng này cũng cho thấy những hạn chế của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, khi chưa có biện pháp chấn chỉnh những hành vi bất cập của một số ngân hàng thương mại chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, bất chấp có thể gây hại cho hệ thống cũng như cho cả nền kinh tế. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tại sao các ngân hàng thương mại có thể giấu nợ xấu mà không bị phát hiện?

Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tình hình nợ xấu trở nên khó kiểm soát; tín dụng đóng băng; mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cũng chính vì thế, lãi khủng thực ra lại là “khối u ác tính” đang tích tụ trong cơ thể ngân hàng, chỉ chờ ngày bung ra thành những di căn không thể cứu chữa.

Vì thế, muốn chữa bệnh tận gốc, ngành ngân hàng cần tập trung mọi nỗ lực xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Sau khi cơ thể đã hết bệnh, thì mới có thể tập trung bồi bổ bằng những cơ chế chính sách tín dụng giúp cho những ngân hàng tốt sớm phục hồi và trở lại phục vụ nền kinh tế, như chức năng  cần có của một hệ thống huyết mạch quan trọng.

Trong tiến trình này, cần phải kiên quyết để những ngân hàng yếu, vốn ít, quản trị kém “ngừng cuộc chơi” để hệ thống không phải chịu vạ lây một khi những ngân hàng này đổ vỡ.

Đây là lúc các nhà quản lý Ngân hàng cần có cái nhìn nghiêm túc và khách quan về thực trạng NỢ và LÃI của hệ thống ngân hàng thương mại để quyết tâm chữa trị tận gốc căn bệnh “ Giấu nợ xấu – khoe lãi khủng” này.
 
Theo VOV

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • JPMorgan Chase: Lãi suất sẽ giảm thêm ít nhất 2% đến cuối năm
  • Lừa đảo ngân hàng, tội phạm nguy hiểm
  • Như một vụ cướp mang tầm thế kỷ
  • Đâu là ngưỡng nợ nước ngoài an toàn của Việt Nam?
  • Sức khỏe ngân hàng qua các con số
  • Phía sau “nghịch cảnh” nợ xấu tăng, phần lớn ngân hàng báo lãi
  • Cựu Giám đốc World Bank tại Trung Quốc: Mỹ có nên sợ nhân dân tệ?
  • Để xóa bỏ nghịch lý trong đầu tư công
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!