Điều đó lý giải hiện tượng phần lớn lợi nhuận của toàn bộ nền kinh tế rơi vào tay các ngân hàng và nếu hệ thống ngân hàng siết lại các khoản vay, lập tức toàn bộ nền kinh tế bị giảm phát. Cũng chính vì vậy, các hoạt động lừa đảo nhằm vào ngân hàng càng ngày càng nhiều về số lượng và số tiền lừa đảo cũng mỗi ngày một lớn, có vụ lên đến hàng nghìn tỷ.
Mới đây, 7-6-2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh bác kháng cáo, tuyên y án 13 năm tù đối với Nguyễn Văn Nghĩa (49 tuổi, quê ở Tây Ninh) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nguyễn Văn Nghĩa đã mang 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản sao và đã cạo sửa) đến Ngân hàng Công thương huyện Hòa Thành (Tây Ninh) vay tiền và chiếm đoạt 900 triệu đồng.
Trước đó, ngày 6-2-2012, Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Vũ Việt Hùng - nguyên Giám đốc và ông Trần Xuân Lộc - nguyên Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng; ông Hùng còn bị khởi tố thêm tội nhận hối lộ. Ông Hùng đã có hành vi giúp sức cho tội phạm chiếm đoạt của ngân hàng trên 540 tỷ đồng để nhận một ôtô có giá trị trên 4 tỷ đồng.
Còn rất nhiều, rất nhiều các vụ lừa đảo ngân hàng, các vụ này đã góp phần đẩy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nhỏ lên cao, làm mất khả năng thanh khoản của nhiều ngân hàng. Tuy nhiên nhìn lại các thủ đoạn lừa đảo ngân hàng chúng ta thấy nó vừa không mới, vừa đơn giản, nhưng các ngân hàng vẫn mắc, vẫn bị thiệt hại. Sự thật đó, cho thấy công tác quản lý tại các ngân hàng có vấn đề. Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo các ngân hàng phải hoàn thiện cơ cấu quản lý, đặc biệt quản lý khâu tín dụng.
Các thủ đoạn gian dối vềtài sản thế chấp
Có thể tóm tắt các thủ đoạn lừa đảo ngân hàng chủ yếu và chiếm tỷ lệ lớn là gian dối về tài sản thế chấp, gian dối về mục đích vay, qua các dự án, các hợp đồng thương mại và gian dối trong khâu chuyển tiền sau khi các ngân hàng giải ngân. Mới hơn cả là các thủ đoạn sử dụng kỹ thuật công nghệ thông tin, lợi dụng sơ hở của ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Trong quy định về tín dụng, vay tiền ngân hàng chỉ có 2 hình thức hoặc là có thế chấp hoặc tín chấp. Lừa đảo ngân hàng chủ yếu là lừa đảo bằng cách gian dối về tài sản thế chấp.
Ngày 23-9-2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng đã bắt được Trần Thái Vũ (SN 1973, trú tổ 4 phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), đối tượng chính trong đường dây làm giả sổ đỏ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng với số tiền 19,4 tỷ đồng.
Năm 2011, Nghệ An có 47 trường hợp vỡ nợ tín dụng với số tiền lên đến 412,6 tỷ đồng, trong đó có 4 trường hợp là cán bộ ngân hàng TMCP với tổng số tiền vỡ nợ lên đến 76 tỷ đồng và 8,959 tỷ đồng tiền dư nợ vay. Riêng Đặng Nam Hải, Trưởng phòng khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu chi nhánh Vinh (Eximbank - Vinh) đã lợi dụng quyền hạn dùng các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, làm thủ tục thế chấp để chiếm đoạt với số tiền 30 tỷ đồng và 4,8 tỷ đồng dư nợ.
Trên đây là các trường hợp gian dối về tài sản thế chấp, có rất nhiều trường hợp tài sản đã đem thế chấp ngân hàng rồi nhưng chủ tài sản vẫn ngang nhiên bán cho người khác mà không trả tiền ngân hàng.
Ngày 6-2-2012, cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Gia Thị Vân Anh (Công ty TNHH Chánh Lộc) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc thế chấp 4 xe ôtô vay 5,8 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Sài Gòn, sau đó đem bán các xe ôtô trên mà không trả tiền ngân hàng.
Có những trường hợp kẻ lừa đảo lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để sau khi thế chấp, mặc dù không trả nợ dư nhưng ngân hàng cũng không thu hồi được tài sản thế chấp. Từng có ngân hàng cho vay và nhận thế chấp nhà đất ở Nam Định, để cho “tiện”, nhân viên ngân hàng đã đồng ý ký hợp đồng thế chấp tại trụ sở ngân hàng và để khách hàng tự mang đi làm hộ thủ tục công chứng hợp đồng và đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở Nam Định. Đến khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng đi kiểm tra mới phát hiện ra tại địa chỉ đó không có nhà và cũng không có giấy tờ nhà đất. Hóa ra, khách hàng đã làm giả giấy tờ, hồ sơ để vay được tiền.
Những trường hợp giấy tờ giả khá phổ biến trong hệ thống ngân hàng, có trường hợp làm giả toàn phần, có trường hợp sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm từ phôi thật (chỉ giả một nửa) nên rất khó nhận biết.
Nhiều trường hợp, ngân hàng mất tiền vì không thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp. Ngoài ra, không ít trường hợp ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm, bởi đây là tài sản chung của hai vợ chồng, nhưng chỉ đứng tên một người và chỉ có một người ký hoặc tài sản thuộc đồng thừa kế của nhiều người, nhưng chỉ một số đông thừa kế ký hợp đồng thế chấp.
Như vậy, nhà đất tưởng là tài sản cố định, không thể di dời, không mất đi đâu được thì rất bảo đảm và có giá trị, nhưng đã dễ dàng trở thành không đảm bảo. Chưa kể, có ngân hàng làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp, nhưng lại không đăng ký giao dịch bảo đảm kịp thời hạn, dẫn đến khách hàng đi đăng ký thế chấp cho một giao dịch trước đó và ngân hàng trở nên mất quyền ưu tiên khi xử lý tài sản thế chấp, tức là gần như cũng mất luôn tài sản bảo đảm.
Cách đây vài năm, một ngân hàng TMCP lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi tài sản bảo đảm là nhà đất của một khoản vay trôi tuột theo một vụ sạt lở đất. Ngân hàng chỉ còn cách chấp nhận mất khoản vay đó, bởi “con nợ” không có khả năng trả nợ, mà tài sản bảo đảm nay đã biến mất.
Đây là một phần rủi ro liên quan đến tài sản bảo đảm của ngân hàng, mà nguyên nhân chủ yếu là yếu tố khách quan, đến từ bên ngoài và ngân hàng rất khó kiểm soát. Đáng nói là trong số rất nhiều rủi ro thực tế đã xảy ra, những rủi ro đến từ chính sách, pháp luật cũng không ít. Chẳng hạn như hiện tại, nhà và đất được quản lý riêng, nhà do Bộ Xây dựng quản lý theo Luật Nhà ở, đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý theo Luật Đất đai. Từ năm 2003, Luật Đất đai có hiệu lực, song Luật Nhà ở đến ngày 1-7-2006 mới có hiệu lực.
Điều này dẫn đến trường hợp có ngân hàng cho vay, tài sản thế chấp là 450m2 đất ở khu vực khá đắt đỏ của Hà Nội của một bên thứ ba. Sau một thời gian, bên thế chấp xây một biệt thự trên đất đó. Khi khách hàng không có khả năng trả nợ, ngân hàng muốn xử lý tài sản thế chấp nhưng không được, bởi hợp đồng thế chấp chỉ có tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở vẫn thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba và bên này không thế chấp nhà hay tài sản gắn liền với đất. Đáng nói là, đến nay vẫn còn ngân hàng chưa nhận thức được rủi ro này để đưa những điều khoản về nhận cả tài sản hình thành trên đất trong tương lai vào hợp đồng.
Ngược lại, cũng có khách hàng chỉ thế chấp nhà mà không thế chấp đất và hậu quả là ngân hàng lâm tình huống tiến thoái lưỡng nan, khi mà tài sản bảo đảm tuy có và ngân hàng có toàn quyền xử lý, nhưng chỉ có điều ngân hàng không cách nào xử lý được. Bởi lẽ, dỡ nhà thì chỉ còn phế liệu.
Thủ đoạn gian dối về mục đích vay và hợp đồng thương mại
Theo quy định, sau khi thỏa mãn yêu cầu về tài sản thế chấp, khách hàng vay phải trình dự án hoặc thuyết minh mục đích vay và khả năng thu hồi vốn, phía ngân hàng phải thẩm định, sau đó mới cho vay và giải ngân. Tuy nhiên có thể thấy hầu hết các khoản vay đều không thực hiện đúng theo dự án hoặc mục đích vay mà khách hàng trình ngân hàng.
Ngày 18-5-2012, nguồn tin từ Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam đối với bà Cao Bạch Mai - Giám đốc Công ty TNHH DVTM Minh Nhật và bà Trần Thị Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân (đều nằm trên địa bàn phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của ngân hàng bằng thủ đoạn làm giả nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa với một số đối tác nước ngoài để làm tài sản thế chấp.
Ngày 18-3-2011, Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Cơ quan thường trực phía nam - Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án, bị can và phát lệnh truy nã quốc tế đối với Hồ Minh Hậu (36 tuổi) cùng vợ là Phạm Thị Ái Loan (35 tuổi, trú tại quận Tân Bình, TP.HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vợ chồng Hậu đã thành lập 3 công ty để tự ký kết những hợp đồng kinh tế mua bán nông sản giữa các công ty của mình với số lượng lên đến 5.000 tấn cà phê nguyên liệu, mang những giấy tờ này đi vay các Ngân hàng Vietcombank (Bình Dương), Ngân hàng Việt Nga (TP.HCM) và Ngân hàng BIDV (Bình Định) với số tiền lên đến 400 tỷ đồng, rồi trốn ra nước ngoài.
Và chính cán bộ ngân hàng lừa ngân hàng
Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án thuê bảo lãnh để chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank). Theo đó, 3 bị cáo (Đặng, Tín, Hiển) bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Dương Hùng để “thuê” 12 tỷ đồng chuyển vào tài khoản để chứng minh năng lực tài chính rồi yêu cầu Maritime Bank Chi nhánh TP.HCM phát hành bảo lãnh đảm bảo bằng biện pháp ký quỹ 100%, rồi âm mưu chiếm đoạt số tiền này.
Không chỉ nhân viên Maritime Bank mới vướng vào vòng lao lý, một trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp thuộc Eximbank cũng đang bị truy nã vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 7 người, với tổng số tiền 72,7 tỷ đồng. Đồng thời, làm giả hồ sơ để lấy tài sản thế chấp của ngân hàng trả cho người vay, gây thiệt hại 900 triệu đồng rồi bỏ trốn.
Một vụ việc khác, ông Nguyễn Công, Giám đốc Chi nhánh BIDV Phú Yên vừa bị đình chỉ công tác vì những sai phạm nghiêm trọng trong việc cho vay vốn tại BIDV Phú Yên với tổng nợ xấu, khó thu hồi gần 70 tỷ đồng.
Sáng 23-9-2011, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến bốn tội danh: tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trần Lệ Thủy là thủ quỹ Quỹ tiết kiệm số 1, Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) Thái Bình và là giao dịch viên Phòng dịch vụ khách hàng BIDV Đông Đô được cơ quan công tố xác định giữ vai trò chủ mưu và trực tiếp cùng các đối tượng khác thực hiện tội phạm. Các tội phạm đã làm giả sổ tiết kiệm, thế chấp vay tiền và chiếm đoạt của BIDV Đông Đô số tiền gần 175 tỷ đồng.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng đã làm rõ hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một số cán bộ và lãnh đạo BIDV Đông Đô và Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Thành Công. Ví dụ Giám đốc Vũ Khắc Thành đã ký duyệt 3 khoản vay có tổng trị giá 21.000 tỷ đồng. Đến nay còn gần 16.000 tỷ đồng chưa thu hồi được.
Ngay cả tiền đã giải ngân cũng bịchiếm đoạt
Sau khi làm đủ thủ tục vay tiền, ngân hàng giải ngân, rất tiếc có nhiều trường hợp tiền không tới đầy đủ cho người vay và vì vậy để xảy ra nhiều khiếu kiện, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của ngân hàng. Có thể nói người dân thường muốn vay tiền cho các hoạt động kinh doanh gia đình hoặc cho các nhu cầu đột xuất rất khó, vì vậy các “cò” vay vốn có đất hoạt động. May mắn nhất đối với người vay là chỉ phải trả thêm một phần lãi, hoặc bỏ ra một khoản chi phí từ 3% đến 10% tổng số tiền vay. Đáng sợ là phải ký vay 10 nhưng chỉ thực vay có 5 bởi các khoản gửi vay hoặc là lừa luôn.
Tháng 5- 2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã hoàn tất điều tra vụ “cò” ngân hàng Nguyễn Thị Hoa (SN 1970, trú xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 29 tỷ đồng của hơn 60 người dân ở xã Hòa Thắng, xã Ea Kao - TP Buôn Ma Thuột và xã Ea H’Ding, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk trong thời gian từ 2005-2012 bằng các thủ đoạn móc nối với nhiều cán bộ xã, cán bộ tín dụng để làm các thủ tục thế chấp tài sản, vay vốn hoặc đảo nợ cho nhiều hộ dân khi làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng để lấy tiền hoa hồng từ 5-10%; “vay ké” trong hợp đồng vay của người bị hại sau đó chiếm đoạt. Đã có 2 nạn nhân của Hoa phải tìm đến cái chết.
Giải pháp phải từ chính ngân hàng
Có thể nói, những vụ lừa đảo, thất thoát tài sản liên quan tới các ngân hàng, dù do nhân viên ngân hàng thực hiện hay do thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng đều cho thấy lỗ hổng trong nghiệp vụ của các ngân hàng. Để xảy ra điều này, uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng không nhỏ và trong trường hợp là bị hại, ngân hàng rất khó thu hồi số tiền thất thoát.
Đến nay, một số ngân hàng vẫn sử dụng nhân viên tín dụng cho cả nghiệp vụ thẩm định phương án cho vay và thẩm định khả năng trả nợ. Một chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, các ngân hàng không nên đặt hết niềm tin vào cán bộ tín dụng, mà nên tách riêng 2 nghiệp vụ nói trên và cần có ban định giá tài sản độc lập.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia trên, việc quản lý theo hạn mức phân cấp, phân quyền cần chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, có ngân hàng quản lý chặt chẽ và chỉ cho phép giám đốc chi nhánh quyết định khoản vay từ 500 triệu đồng trở xuống, những khoản vay lớn hơn phải trình hội sở chính. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng cho phép giám đốc chi nhánh quyết khoản vay lên tới vài chục tỷ đồng và khi có rủi ro xảy ra thì thiệt hại rất lớn. Điều này đã từng xảy ra tại một ngân hàng thương mại quốc doanh khi giám đốc một chi nhánh, với hạn mức bảo lãnh được phép 70 tỷ đồng, đã cố tình vi phạm, làm thất thoát tới vài trăm tỷ đồng.
Cũng có ý kiến cho rằng, trong thời kỳ ngân hàng tăng trưởng nóng, phát triển mạng lưới nhanh chóng, việc tuyển nhân viên ồ ạt song lại không chú trọng đúng mức đến công tác đào tạo nhân viên, khiến cho nhân viên không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn phải là tăng cường công tác quản trị để bịt lỗ hổng dẫn tới sự sai phạm cả từ trong và ngoài ngân hàng.
Theo Trần Việt
ANTĐChuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com