Bên nào chính, bên nào phụ |
Theo Nghị định 09/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (Nghị định 09), các công ty nhà nước phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty.
Cụ thể hơn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổng mức đầu tư ra ngoài công ty nhà nước (bao gồm đầu tư ngắn hạn và dài hạn) không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty nhà nước (bao gồm công ty mẹ-tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ-công ty con; công ty thành viên hạch toán độc lập, công ty nhà nước độc lập. Riêng với hoạt động đầu tư góp vốn vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mỗi công ty nhà nước chỉ được đầu tư vào một doanh nghiệp, với tỷ lệ khống chế là 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng phải đảm bảo mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp.
Theo "Bài thảo luận chính sách số 3" có tiêu đề "Nguyên nhân sâu xa về mặt cơ cấu của bất ổn vĩ mô" của Trường Harvard Kennedy & Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, xu thế các tập đoàn công nghiệp chuyển sang kinh doanh tài chính sẽ gây ra những rủi ro trước mắt như sau cho Chính phủ: Ngân hàng Nhà nước sẽ mất khả năng kiểm soát lại cung tiền nếu các doanh nghiệp công nghiệp được phép thiết lập các tổ chức có khả năng tạo tín dụng cho chính mình.
|
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ không cho phép các công ty nhà nước góp vốn hoặc mua cổ phần tại các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán. Mọi khoản đầu tư không đúng tỷ lệ này cần được hoàn thành điều chỉnh trước thời điểm 2 năm kể từ ngày 25/3/2009, thời điểm hiệu lực của Nghị định 09.
Mọi giới hạn rất chặt chẽ với áp lực “gọt chân vừa giày” đang buộc các công ty nhà nước phải cân nhắc kỹ lưỡng các khoản đầu tư trong và ngoài ngành. Tuy nhiên, các nỗ lực sắp xếp của các công ty nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào thời điểm này đang vướng phải trở ngại khá lớn khi bài toán ngành nghề chính và phụ của các công ty nhà nước chưa có lời giải thống nhất.
Cần phải nói rằng, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều hoạt động theo điều lệ với mục tiêu do nhà nước giao. Giới chuyên gia trong lĩnh vực doanh nghiệp cho rằng, đang có một cách ngầm hiểu là mục tiêu do nhà nước giao này chính là ngành nghề kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Như vậy, một cách suy luận logic là, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh dệt may, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo chức năng ổn định và phát triển công nghiệp điện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm các hoạt động liên quan đến khai thác, thăm dò, chế biến dầu khí…
Đương nhiên, diễn tiến tiếp theo của cách suy luận này là, những ngành nghề không nằm trong các ngành, lĩnh vực này sẽ là ngoài ngành của các tập đoàn này và phải chịu các giới hạn về định mức đầu tư mới được ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế, trong danh sách liệt kê các ngành nghề kinh doanh chính của mình, khá nhiều tập đoàn đã đưa vào đó các ngành nghề trong đăng ký kinh doanh. Với chức năng đa ngành của tập đoàn, thì việc một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia kinh doanh nhà, tham gia xây dựng nhà máy thuỷ điện… cũng không có gì đáng phải bàn. Chỉ có điều, câu hỏi chính và phụ trong tình huống này có vẻ như quá khó tìm lời giải.
Trong một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các tập đoàn nhà nước, các chuyên gia nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng, không chỉ đang có khoảng trống về phân loại ngành nghề chính, phụ, có liên quan, không có liên quan trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước mà còn chưa có những văn bản, cơ sở pháp lý quy định việc xác định ngành nghề chính của tập đoàn nhà nước là dựa trên ngành nghề của công ty mẹ hay công ty con, doanh nghiệp thành viên hay dựa trên hoạt động của toàn bộ các công ty mẹ, công ty con.
Đơn cử như Tập đoàn điện lực Việt Nam với mục tiêu được xác định là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối điện. Tuy nhiên, nếu như căn cứ vào hoạt động của công ty mẹ thì khó có thể xác định được ngành nghề chính vì công ty này không trực tiếp thực hiện các hoạt động này. Hơn thế, trong một số tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ được giao nhiệm vụ đầu tư tài chính. Vậy, trong những trường hợp này thì ngành nghề kinh doanh chính sẽ được xác định như thế nào? Kéo theo những lấn cấn này là việc khó có thể “cân đong” được các ngành nghề, lĩnh vực phụ trợ các công ty nhà nước có thể đầu tư mà không cần phải cân nhắc tới giới hạn.
Trên thực tế, có thể tập đoàn này đạt hiệu quả kinh doanh tốt khi tập trung vào lĩnh vực chính, song cũng có tập đoàn lại thu được hiệu quả nhờ các hoạt động đầu tư ra ngoài. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao của nhiều công ty nhà nước, trong đó có cả các tập đoàn kinh tế, do vậy mà trở nên khó khăn.
Cho dù thế nào thì thời điểm 25/3/2011 vẫn là hạn chót theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cho việc sắp xếp, điều chỉnh lại các nguồn vốn đầu tư ra ngoài của các công ty nhà nước, trong đó có các tập đoàn kinh tế nhà nước theo nguyên tắc là bảo toàn vốn. Áp lực đang rơi vào không chỉ các công ty nhà nước mà cả các cơ quan có trách nhiệm.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com