Doanh nghiệp hiện đang phải gồng mình với đủ các loại phí và lệ phí |
Tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) khi xuất nhập cảnh (XNC), xuất nhập khẩu (XNK) ngoài việc nộp thuế XNK, khách hàng còn phải nộp 5 loại lệ phí: lệ phí qua lại biên giới do Bộ đội biên phòng thu; lệ phí kê khai hàng hóa XNK và phương tiện XNC do hải quan thu; lệ phí kiểm dịch động vật (do cơ quan thú ý thu); lệ phí kiểm dịch thực vật do cơ quan bảo vệ thực vật thu.
Điều đáng nói là 5 loại lệ phí này mức thu tuy thấp (2.000 đồng) nhưng khách hàng vẫn phải lần lượt đến 5 đơn vị để nộp. Các đơn vị này đương nhiên ngồi ở 5 nơi khác nhau và có 5 cách thu, cách viết biên lai khác nhau. Không những thế, biên lai sử dụng thu phí, lệ phí lại có nhiều loại, trong đó có nhiều chỉ tiêu kê khai trùng lặp, không cần thiết (chỉ riêng tờ khai phương tiện vận tải đường bộ, tờ khai hàng hóa XNK đã phải khai tới 35 chỉ tiêu). Thực tế này gây lãng phí về thời gian và chi phí quản lý hành chính không chỉ cho khách xuất nhập cảnh, mà còn cho 5 cơ quan hành chính nói trên.
Bất hợp lý cần có giải pháp tháo gỡ. Cách làm tốt nhất là tập trung thu về một mối. Song một việc đơn giản, hợp lý như vậy trên thực tế lại không dễ thực hiện!
Tháng 12/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính lập một đề án thu thuế, phí, lệ phí theo hướng quy về một đầu mối thu. Theo đó, Cục Thuế Quảng Trị đã xây dựng một quy trình thu các loại phí theo hướng các cơ quan thông báo mức phí, hồ sơ cuối cùng được chuyển đến Bộ đội biên phòng xác nhận tổng mức phí phải nộp và khách hàng nộp trực tiếp cho Kho bạc nhà nước. Vậy nhưng khi lấy ý kiến các đơn vị thì phương án này lại không làm được, bởi nhiều lý do như: hiện không có căn cứ cho việc thu thuế, phí, lệ phí theo phương thức một cửa; việc thu chủ yếu giao cho Bộ đội biên phòng là không công bằng (thêm việc cho đơn vị này) và quan trọng hơn cả là phân chia tỷ lệ trích để lại các đơn vị …
Nói tóm lại, chỉ đơn giản là tập trung thu phí về một mối tại một cửa khẩu quốc tế lớn (mỗi năm có lượng khách xuất nhập cảnh lên tới 300.000 lượt người, 55.000 lượt phương tiện vận tải) mà cũng không thực hiện được. Tốn thời gian cũng mặc, phiền hà cũng mặc, khách vẫn phải trực tiếp đi qua 5 cửa để kê khai và nộp mỗi nơi một khoản phí 2.000 đồng.
Thừa cũng không giảm
Doanh nghiệp làm thủ tục XNK hàng hóa hiện đang phải nộp 3 khoản phí, lệ phí chính là lệ phí làm thủ tục hải quan 30.000đ/tờ khai; lệ phí hàng hóa phương tiện vận tải quá cảnh 300.000 đ/tờ khai; phí niêm phong hải quan (bằng giấy 1.000 đồng; dây nhựa 2.000 đồng; dây cáp thép 5.000 đồng; chốt dấu container 12.000 đồng). Toàn bộ số tiền thu được từ các khoản phí nói trên trước tiên là để chi trả các chi phí thực tế cho hoạt động này. Phần lớn còn lại ngành hải quan chi cho việc hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị để thực hiện hiện đại hóa thủ tục hải quan, trong đó có việc chia cho cán bộ công chức hải quan ở mức 1,7 đến 1,8.
Nhưng dù đã chi tất tần tật tất cả thì số tiền này vẫn còn thừa rất nhiều. Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, số lệ phí, phí hải quan tồn dư đến tháng 12/2007 là 149,4 tỷ đồng. Thừa không biết chi gì nữa, nhưng khi Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh mức thu lệ phí làm thủ tục hải quan từ 30.000 đồng xuống 10.000 đồng thì ngành hải quan nhất định không chịu. Thực tế, với trung bình khoảng 3 triệu tờ khai/năm, nếu giảm mức thu theo đề xuất này sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 60 tỷ đồng. Một khoản tiền không nhỏ! Cái lý của ngành này là mức thu lệ phí hải quan đã từng được điều chỉnh giảm rồi và quan trọng hơn là “không thấy doanh nghiệp phàn nàn gì, chứng tỏ mức thu đã hợp lý”.
Còn nếu phải giảm để bớt khó khăn cho doanh nghiệp thì cơ quan này đưa ra đề xuất nên bỏ phí niêm phong hải quan. Lý do chính của việc bỏ phí niêm phong hải quan – theo “bật mí” của một cán bộ trong ngành - là mức phí thấp, tiền thu về đúng bằng chi phí thực tế bỏ ra, ngành này chẳng được gì mà lại mất nhiều công sức cho cán bộ hải quan và doanh nghiệp. Nhưng rồi chi phí này cũng không bỏ được, vì theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), mức thu phí niêm phong đúng bằng chi phí bỏ ra là đảm bảo đúng quy định của WTO. Mặt khác, cùng một tờ khai hải quan nhưng việc sử dụng niêm phong khác nhau (sử dụng nhiều nộp nhiều, sử dụng ít nộp ít) nên sẽ đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Để dung hòa, Vụ Chính sách thuế đưa ra một phương án có giảm lệ phí hải quan nhưng chỉ giảm xuống mức 20.000 đồng/tờ khai (thay vì 10.000 đồng như dự kiến ban đầu). Tuy nhiên, đề xuất này vẫn còn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, chưa biết có được các bộ, ngành đồng ý hay không (nhất là ngành hải quan)!
Quyền và lợi
Bộ Tài chính đang dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 42 khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hai ví dụ nêu trên cho thấy việc miễn giảm phí, lệ phí, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không dễ thực hiện, dù Chính phủ có quyết tâm không nhỏ. Không chỉ riêng lĩnh vực XNK, XNC mà doanh nghiệp đang phải gánh rất nhiều loại phí, lệ phí của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác. Các chi phí này đều đổ vào giá thành sản phẩm, dẫn tới sản phẩm không có tính cạnh tranh.
Bên cạnh nguyên nhân là các quy định, chính sách còn chưa đồng bộ, hợp lý thì còn có nguyên nhân là các loại phí, lệ phí này gắn quyền và lợi của các cơ quan quản lý chức năng. Cơ chế để lại một phần hay toàn bộ tiền thu được từ phí và lệ phí dẫn đến có nhiều đơn vị không chịu “bỏ” thu phí, thậm chí còn “nghĩ” thêm các khoản thu chồng chéo.
Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cũng giống như việc rà soát các văn bản trái quy định, việc rà soát loại bỏ bớt các khoản thu phí, lệ phí rất gian nan. Để bỏ hay giảm một khoản thu không chỉ rất lâu, rất khó mà bỏ được khoản này thì lại “mọc” thêm loại thu khác tương tự.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com