Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư ra nước ngoài: Rầm rộ tuyên bố, lay lắt triển khai

Có một thời gian, các doanh nghiệp Việt Nam hào hứng với những dự án đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã hụt hẫng khi “mang chuông đi đánh nước người”.
 
Nổi tiếng với nhiều lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam trong đó có đầu tư vào bất động sản, nhưng ông chủ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã không mạnh tay khi tiến công vào thị trường bất động sản tại Thái Lan. Sau khoảng 2 năm có mặt tại đây, Hoàng Anh Gia Lai mới chỉ bỏ ra cỡ 10 triệu USD trong lĩnh vực bất động sản. So với những dự án ở Việt Nam mà tập đoàn này đang triển khai, con số 10 triệu USD quả là khiêm tốn.

Lý do của sự khiêm tốn này là thị trường bất động sản ở Thái Lan đã phát triển nhiều năm với các chế tài và quy định khá rõ ràng nên không có nhiều cơ hội thu lợi cho nhà đầu tư đến từ Việt Nam vốn đang quen với việc xin được “miếng đất nho nhỏ” đủ để xây dựng một “khu đô thị to to” rồi bán để kiếm lời khi có sự chênh lệch một trời, một vực giữa giá đất được giao và giá đất khi đã thành khu đô thị.  Khác với các dự án bất động sản, vốn được xem là một dạng hàng hóa đặc biệt ở Việt Nam khi các quy định liên quan chưa hoàn thiện, đầu tư vào các dự án công nghiệp hay sản xuất ra sản phẩm ở nước ngoài cũng không đơn giản và “ngon ăn” với các doanh nghiệp trong nước.

Dự án thủy điện Luongprabang tại Lào khi được tổng công ty Điện lực Dầu khí quyết định đầu tư thực sự là một bất ngờ bởi có quy mô tới 1.400 MW, lớn gấp vài lần các dự án thủy điện của các doanh nghiệp Việt Nam khác đang và chuẩn bị được triển khai tại đây. Với vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD ở thời điểm cách đây khoảng 2 năm, dự án này, theo đánh giá của các chuyên gia, đến nay có thể phải cần tới gấp rưỡi số vốn dự tính ban đầu để triển khai. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, dự án cũng đang phải đối mặt với một số quyết định mới của nước chủ nhà, chẳng hạn như,  cột nước chỉ được duyệt là 310 mét so với mức tính toán của chủ đầu tư là 312 mét. Đến lúc này, đề nghị được kéo dài thời gian thực hiện dự án lên 40 năm so với 30 năm trước đó hay nâng cột nước lên như mức tính toán ban đầu của PVP vẫn chưa nhận được câu trả lời cuối cùng của nước sở tại. Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu không được chấp nhận ít nhất 1 trong 2 điều kiện nói trên thì cơ hội để dự án có hiệu quả kinh tế là rất khó khăn.

Không chỉ Luongprabang, một số dự án thủy điện khác mà các doanh nghiệp Việt Nam nhắm tới ở Lào như Sekaman 3, Sekaman 1… cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình tính toán hiệu quả đầu tư. Nhất là khi các dự án cận kề ở những bậc thang thủy điện tiếp theo được đầu tư bởi những đối thủ có lợi thế về chế tạo thiết bị hay kinh nghiệm đến từ Trung Quốc.

Cũng trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội nhập khẩu than từ nước ngoài đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc có được hợp đồng mua than dài hạn hoặc xa hơn là có quyền khai thác mỏ than. Theo tính toán của ba tập đoàn lớn về năng lượng gồm tập đoàn Than - Khoáng sản, tập đoàn Điện lực và tập đoàn Dầu khí, để có thể đảm bảo nguồn cung cấp lâu dài và ổn định ở mức khoảng 3 triệu tấn than/năm, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bỏ ra khoảng gần 1 tỷ USD góp vốn ban đầu để nắm tỷ lệ là 30% trong một dự án khai thác than ở Úc hoặc Indonesia. Chưa nói tới việc con số nói trên là khá lớn nên rất khó để thuyết phục những cơ quan như tài chính hay ngân hàng chấp nhận tài trợ vốn, thì mức độ rủi ro trong lĩnh vực khai khoáng là không nhỏ bởi không phải cứ có mỏ là chắc chắn thắng hoặc có hiệu quả.

Dầu khí cũng là một minh chứng cho nhận định này. Dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở mỏ Đại Hùng tại Việt Nam năm nào từng thu hút sự quan tâm của tập đoàn BHP (Úc) với kỳ vọng tìm thấy một mỏ dầu lớn chẳng thua kém Bạch Hổ. Thế nhưng, sau khi tiêu tốn trên 100 triệu USD, nhà đầu tư này đã phải dứt áo ra đi vì không muốn “đốt thêm tiền” do đánh giá sai các thông số có được.

Chính bởi vậy, tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dù có 30 năm hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác và thăm dò dầu khí ở Việt Nam, nhưng khi đi ra nước ngoài cũng rất thận trọng. Một số dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài có được do quan hệ tốt giữa Việt Nam với các quốc gia có mỏ cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai như thu xếp vốn, tỷ giá hối đoái, kỹ thuật v.v… Chưa kể, thực tế tập đoàn Dầu khí cũng chưa làm chủ được nhiều về công nghệ và kỹ thuật thăm dò, khai thác dầu khí do bấy lâu nay doanh nghiệp này vẫn phải thuê các nhà thầu nước ngoài.

Đơn cử như dự án lô SK - 305 tại Malaysia, dù đã có kết quả thẩm lượng tốt, đủ để phát triển tiếp theo, nhưng do đây chủ yếu là những mỏ nhỏ, phức tạp, xa nhau, trong khi thị trường khí ở Malaysia vẫn chưa tốt, nên việc đầu tư của tập đoàn Dầu khí tại đây chưa tiến triển nhiều. Một dự án khác là lô 433a và 416b tại Algeria cũng đã chậm 1 năm so với dự kiến, trong khi tổng mức đầu tư lại tăng nhiều so với báo cáo đầu tư ban đầu. Đó là chưa kể tới việc do đến chậm hơn các đối thủ cạnh tranh khác nên ở một số nước doanh nghiệp Việt Nam đã phải ra sâu hơn, xa bờ hơn, đồng nghĩa với việc hiệu quả không thể cao như mong muốn.

Cũng cách đây khoảng 5 năm, từng có các kế hoạch sản xuất xe máy ở châu Phi được một số nhà đầu tư Việt Nam đưa ra. Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu thì hăm hở nhiều nhưng khi triển khai lại được chăng hay chớ do e ngại vào mức độ rủi ro lớn của thị trường này trong thanh toán, chưa kể chi phí lớn do khoảng cách địa lý xa xôi. Cuối cùng, các kế hoạch sản xuất xe máy này bị phá sản.

Cho dù trên đây chỉ là những ví dụ nhỏ trong thực tế hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đủ cho thấy ước vọng gặt hái lớn trên “xứ người” không dễ đến như mong đợi!

(Doanh nhân)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Cuộc chơi quá sức
  • Cạnh tranh tiền tệ tại châu Âu không dễ coi nhẹ
  • Vay vốn bằng ngoại tệ: Doanh nghiệp e ngại tỷ giá
  • "Phải từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính"
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Lãi suất - Giảm cách nào?
  • Rốt ráo tất toán tài khoản vàng
  • Kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!