Cầu Hoàng Hoa Thám nối quận 1 với quận Bình Thạnh phải mất 12 năm xây dựng, số vốn dự toán ban đầu là 19 tỉ đồng, qua 3 lần thay đổi chủ đầu tư, đã tăng lên 155 tỉ đồng. Ảnh Anh Quân. |
Các dự án đầu tư của TPHCM có hệ số ICOR thấp, nghĩa là hiệu quả tương đối cao, nhưng nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân TP lại cho rằng, thực tế hiệu quả kinh tế - xã hội mà các dự án đem lại chưa cao và còn tồn tại tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM khoá VII ngày hôm nay 9-12, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) đã trích dẫn hệ số ICOR theo thống kê của Tổng cục Thống kê và số công trình hoàn thành để đưa ra nhận xét khá lạc quan về hiệu quả đầu tư tại TP.HCM, cao hơn mức bình quân cả nước.
Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, Tổng cục Thống kê và tính toán của Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM, hệ số ICOR phản ánh hiệu quả đầu tư của TP.HCM trong giai đoạn 2006 – 2010 là 3,7, thấp hơn mức 6,1 của cả nước. Thống kê của Sở KHĐT cũng cho thấy từ 2006 đến 2010 dự kiến có 784 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư khoảng 28.245 tỷ đồng, chưa kể các trình trình sử dụng vốn phân cấp do quận, huyện quản lý.
Ngoài ra, ông Rê cũng cho rằng đầu tư và việc phân bổ vốn đầu tư của TPHCM không dàn trải như ý kiến của nhiều đại biểu, mà ưu tiên tập trung vào các dự án trọng điểm và các lĩnh vực cụ thể, như giao thông, y tế, giáo dục.
Còn đầu tư dàn trải là do “một số quận huyện bố trí quá nhiều dự án, trên 100 dự án trong một năm; vốn đầu tư của thành phố cũng tập trung, nhưng xuống quận, huyện, đặc biệt vùng ven, thì dàn trải”. Và những dự án bị chậm tiến độ, nếu có, chỉ là trường hợp cá biệt và do tiến độ giải toả mặt bằng.
Đại biểu không hài lòng
Tuy nhiên, một số đại biểu Hội đồng Nhân dân cho biết, trả lời của ông Rê chưa thoả đáng.
“Tôi thất vọng với trả lời của anh Rê vì chúng tôi quan tâm đến hiệu quả đầu tư và việc sử dụng đồng vốn như thế nào để đem lại kết quả trong cuộc sống. Cầu Hoàng Hoa Thám mười mấy năm mới xong, từ 18 tỉ lên đến hơn trăm mấy chục tỉ đồng. Xét về góc độ kinh tế thì có hiệu quả hay không?”, đại biểu Đặng Văn Khoa nói.
“Không thể đánh giá hiệu quả đầu tư bằng số công trình hoàn thành được….Cầu Văn Thánh, đường Nguyễn Hữu Cảnh, bỏ vốn ra làm 200 tỉ đồng và bỏ ra hàng trăm tỉ đồng khác để sửa chữa, vậy có hiệu quả hay không? Bỏ tiền xây cầu Gò Dưa mà mấy năm nay không một chiếc xe nào lăn bánh trên cái cầu này”.
Theo dự toán chi ngân sách mà Hội đồng Nhân dân TPHCM thông qua tại kỳ họp này, tổng số tiền chi trả vốn và lãi vay là 3.633 tỉ đồng, trong đó thanh toán trái phiếu đô thị là 1.612 tỷ đồng (nợ gốc 1.035 tỷ đồng lãi 577 tỷ đồng), hoàn trả khoản vay và thanh toán phí vay vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước là 2.021 tỷ đồng. |
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, hiệu quả quan trọng nhất chính là sự thay đổi trước và sau khi có công trình, hiệu quả kinh tế thì qua các con số và hiệu quả xã hội thì phải mô tả được. Ngoài ra có đại biểu cũng cho rằng khi nói đến hiệu quả của các dự án thì phải nói đến tất cả các dự án trên toàn địa bàn TP, chứ không phân biệt dự án của TP, hay của quận, huyện, như phần trình bày nói trên của ông Giám đốc Sở KHĐT.
Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, cho rằng thành phố cần phải nhìn nhận tình trạng đầu tư dàn trải để khắc phục, và phải kết nối được công trình hạ tầng để phát huy hiệu quả, tập trung đầu tư nâng cao năng suất, tạo ra sự tăng trưởng trên năng suất và hiệu quả.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com