Công trái? Không an toàn. Bất động sản? Quá mạo hiểm. Các nước đang nổi? Xem ra đáng bỏ tiền vào. Muốn kiếm lời từ đà phục hồi kinh tế hiện nay, có lẽ người ta phải từ bỏ thói quen đầu tư cũ.
Với thị trường trồi sụt thất thường, năm qua quả là thời kỳ khó khăn đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Năm 2011xem ra có vẻ khả quan hơn, với việc phần lớn các nhà chiến lược chứng khoán đều đưa ra nhận định lạc quan. Chiến lược gia Klaus Wiener của Generali Investments Deutschland nói “tình hình đã ổn định hơn so với cách đây 6 tháng”, còn kinh tế trưởng Günter Schlösser - quản lý Portfolio Concept – thì cho rằng “với sự pha trộn đầu tư thỏa đáng”, người ta có thể kiếm được lãi suất 6-8% trong năm 2011.
Chỉ có điều, năm đầu tư 2011 sẽ hoàn toàn khác hẳn với những năm qua. Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm đảo lộn tất cả những nền tảng cũng như thông lệ đầu tư cũ, nếu xétvề mối tương quan giữa lợi nhuận và rủi ro của từng khoản đầu tư.
Ba qui tắc nên biết trong đầu tư chứng khoán
Khi các khoản đầu tư vào các quĩ bất động sản không còn an toàn như trước đây, các nhà đầu tư chứng khoán của năm 2011 cần lưu ý 3 qui tắc sau:
Qui tắc thứ nhất: không có khoản lời lãi nào không kèm theo rủi ro. Một ví dụ điển hình là trái phiếu chính phủ Đức. Với lãi suất 2,5%/năm cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, chỉ cần lạm phát tăng thêm đôi chút là nhà đầu tư đã mất lãi. Nếu đồng euro tiếp tục đà mất giá so với đồng USD cũng đang mất giá, thì các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ sẽ bị thua lỗ nặng nề. Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tung thêm 600 tỷ USD vào lưu thông tiền tệ (sau khi đã tung 1.700 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế Mỹ), xu thế đồng USD tiếp tục mất giá trong năm 2011 là khó có thể đảo ngược. Đó là chưa kể các ngân hàng trung ương nâng lãi suất chủ đạo và các chính phủ đánh thuế thu nhập các khoản tiền lãi vốn đã khá bèo bọt của các nhà đầu tư trái phiếu chính phủ.
Qui tắc thứ hai: cần đa dạng hóa các khoản đầu tư, trong đó nên có các khoản đầu tư vào nguyên vật liệu, trái phiếu công ty và chứng khoán của các thị trường đang trỗi dậy.
Qui tắc thứ ba: linh hoạt hơn. Đã qua rồi cái thời người ta tung tiền mua cổ phiếu để rồi “đắp chiếu...chờ lên giá”. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường và “mọi thứ đều có thể xảy ra”, đầu tư dài hạn xem ra khá mạo hiểm. Chính vì vậy mà các nhà đầu tư chứng khoán cần đa dạng hóa các khỏan đầu tư và đôi khi cũng phải biết “lướt sóng, chốt lời” để tránh bị thua lỗ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, một số nhà đầu tư chẳng những không bị “khuynh gia bại sản” mà còn thắng lớn nhờ đa dạng hóa đầu tư vào vàng, nguyên vật liệu và trái phiếu chính phủ Đức.
Theo các chiến lược gia chứng khoán, giá cổ phiếu công ty hiện đang ở mức thấp hơn giá trị thực và trái ngược với tình trạng “nợ ngập đầu ngập cổ” của các chính phủ, các công ty tư nhân đã biết cách tận dụng khủng hoảng kinh tế để cải tổ cơ cấu, kịp thời chuyển hướng cung cách kinh doanh. Một trong những ví dụ điển hình là sự thành công của các nhà sản xuất ô tô Đức trên thị trường châu Á khổng lồ đầy tiềm năng, nhưng giá cổ phiếu của họ lại chỉ ở mức rất khiêm tốn. Đây chính là thời điểm khá thuận lợi để các nhà đầu tư bỏ tiền vào những lĩnh vực mà họ cho là có tiềm năng phát triển.
Đầu tư có chọn lọc vào các thị trường đang trỗi dậy
Có một thực tế không thể phủ nhận là các nền kinh tếư đang trỗi dậy hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng hôm nay, ngày mai và ngày kia hiện đang nằm ở các nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc và Brazil. Theo nhận định của giới chuyên gia, mức độ đầu tư ở các nước đang trỗi dậy quả là đang tụt hậu so với diễn biến thực tế. Trong con mắt của giới đầu tư, các thị trường đang trỗi dậy luôn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và chính vì vậy họ vẫn luôn có thái độ xa lánh, chờ thời. Họ đã là ngơ trước thực tế là các thị trường, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước của các nước đang trỗi dậy không “nợ ngập đầu, ngập cổ” như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Một nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho thấy chỉ có 1/5 các nhà đầu tư Đức bỏ tiền vào nhóm nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), trong khi giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp quan trọng ở các nước này đã tăng 135% trong vòng 5 năm qua. Điều quan trọng là xu thế gia tăng này sẽ vẫn còn tiếp tục trong những năm tới và các nhà đầu tư không nên bỏ qua những khách hàng quan trọng là tầng lớp trung lưu hơn 500 triệu người đang ngày càng sinh sôi nảy nở ở các nước đang phát triển.
Tạp chí kinh tế Capital đã đề ra một mô hình cơ cấu đầu tư năm 2011cho người Đức như sau: 20% đầu tư vào trái phiếu chính phủ châu Âu, 25% đầu tư có chọn lọc vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp của các nước đang trỗi dậy và nguyên vật liệu; 30% vào các loại cổ phiếu; 10% để “lướt sóng kiếm lời” và số còn lại để đầu tư vào vàng, các loại nguyên vật liệu và trái phiếu công ty nói chung.
Điều quan trọng đối với các nhà đầu tư trong năm 2011 là phải nhanh nhạy nắm bắt thông tin và phải phản ứng kịp thời. Nếu cuộc khủng hoảng bất động sản ở Mỹ lại trở nên căng thẳng hoặc FED siết chặt chính sách tiền tệ, các nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu. Nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự đoán, các nhà đầu tư cần đề phòng nguy cơ lạm phát, bớt đầu tư vào các quĩ hưu trí và ưu tiên đầu tư vào những loại cổ phiếu có tiềm năng sinh lời
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com