![]() |
Ông Vũ Đình Ánh. Ảnh: TL. |
Đồng đô la Mỹ đang trong xu hướng tăng giá trở lại so với các đồng tiền khác trên thế giới, kể cả đồng Việt Nam. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có cuộc trao đổi ngắn với ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả của Bộ Tài chính, về ảnh hưởng của việc này lên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
TBKTSG Online: Xu hướng đồng đô la Mỹ tăng giá trở lại so với các đồng tiền khác có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
- Ông Vũ Đình Ánh: Theo tôi, điều này ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Việc tăng giá của đồng đô la Mỹ trên thế giới sẽ làm nhẹ bớt sự ngược chiều của tỷ giá hối đoái ở thị trường Việt Nam.
Việc đồng đô la tăng giá cũng sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu và nó sẽ giúp khuyến khích xuất khẩu vì hầu hết xuất khẩu của Việt Nam đều dựa chủ yếu trên đô la Mỹ.
Trong khi đó, nếu đô la Mỹ tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới thì giá của hàng hóa tính bằng đô la sẽ giảm đi, và nếu Việt Nam không điều chỉnh tăng tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng lên quá cao thì giá hàng hóa nhập về Việt Nam sẽ giảm.
Một điểm nữa là Việt Nam vừa vay một khoản nợ lớn kể cả nợ ngắn hạn từ nước ngoài, nên trong thời gian giải ngân trước mắt, việc đồng đô la lên giá sẽ có lợi cho Việt Nam. Thêm vào đó, tài sản dưới dạng tiền đô la trong hệ thống tài chính và dân cư sẽ tăng giá trị khi đồng đô la mạnh lên.
Việc này có tác động như thế nào đến việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam?
- Nó sẽ giúp hạn chế việc tái lạm phát của Việt Nam vì khi đồng đô la tăng giá trị thì giá của các mặt hàng ở nước ngoài sẽ không tăng nên giá các mặt hàng Việt Nam nhập về cũng sẽ không tăng, dẫn đến Việt Nam không bị nhập khẩu lạm phát.
Thêm vào đó, nếu Việt Nam có điều chỉnh tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ thì cũng sẽ không đi ngược với xu hướng chung của thế giới.
Vậy Việt Nam có cần điều chỉnh tăng tỷ giá vào thời điểm này để phù hợp với xu hướng chung của đồng đô la trên thế giới?
- Việc điều chỉnh tăng tỷ giá ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là cân đối cung và cầu ngoại tệ trong nước. Vì đồng tiền Việt Nam không phải là đồng tiền tự do chuyển đổi nên không nhất thiết là cứ đồng đô tăng giá so với các đồng tiền khác thì ta phải tăng tỷ giá theo. Nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn có khả năng cân đối cung cầu ngoại tệ thì vẫn có thể giữ nguyên tỷ giá. Hơn nữa, ta cũng vừa mới điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá.
Theo đánh giá của ông, liệu việc đồng đô la tăng mạnh giá trị có thể kéo dài trong thời gian tới không?
Theo tôi, việc này sẽ không kéo dài lâu vì sự tăng giá của đồng đô la la Mỹ gần đây là do tình hình tài chính công ở khu vực châu Âu có vấn đề khiến người ta mất lòng tin vào đồng euro nên đồng đô la chiếm ưu thế hơn so với đồng euro, chứ không phải là do nền kinh tế Mỹ có xu hướng tăng trưởng mạnh trở lại.
Hơn nữa, sự tăng giá của đồng đô la phải được hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ của Mỹ, trong khi Chính phủ Mỹ chưa hề có sự điều chỉnh nào đối với lãi suất cơ bản đang ở mức gần bằng 0 của họ.
Vì vậy, một khi các nước châu Âu tìm cách giải quyết ổn thỏa tình hình khó khăn của mình, thì đồng đô la vẫn sẽ quay lại xu hướng giảm giá vì Chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục các chính sách bơm tiền để cứu nền kinh tế này, làm suy giảm giá trị đồng tiền của Mỹ.
(Theo Thủy Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com