Metro Cash & Carry khai lỗ từ năm 2001 đến 2009 là 1.157 tỉ đồng. Nếu lỗ thật thì chúng ta phải yêu cầu anh DN này hoặc là phải bỏ thêm vốn vào, hoặc không thêm vốn thì phải thu giấy phép.
Theo Bộ Tài chính, số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) lỗ khoảng 120 đơn vị. Tuy nhiên, điều đáng lo đây lại toàn là DN “khủng” như Metro, Big C… Trong đó có một số DN khai lỗ nhiều năm liên tục và lỗ đến “âm vốn”.
Đã thất thu còn phải hoàn thuế
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định hiện tượng một số DN FDI “chuyển giá” đã gây bất bình đẳng cho các DN khác đang hoạt động tại Việt Nam, trong khi chúng ta đã và đang ưu đãi các DN FDI rất lớn như miễn, giảm thuế sử dụng đất… Hơn nữa, trong khi Nhà nước không thu được thuế mà hằng năm, hàng ngàn tỉ đồng ngân sách còn phải hoàn thuế cho các DN khai man thuế này. Đã đến lúc cần đánh giá lại hoạt động của các DN FDI, ông Lê Đăng Doanh đề xuất.
Nếu lỗ thật thì nên rút giấy phép
Để ngăn chặn hiện tượng khai lỗ ảo của các DN FDI, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính sẽ tập hợp DN có số lỗ lớn hơn vốn chủ sở hữu và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tư cách pháp nhân của những “ông” này. “Anh mang vốn vào đây 1 triệu USD nhưng sau vài năm mà anh khai lỗ 2-3 triệu USD. Lỗ mà vẫn hoạt động thì phải xem lại. Nếu lỗ thật thì chúng ta phải yêu cầu DN này hoặc là phải bỏ thêm vốn vào, hoặc không thêm vốn thì phải thu giấy phép” - ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Tổng cục Thuế cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế trong năm 2011 là dốc toàn bộ lực lượng thanh tra dồn sức đấu tranh hiện tượng khai lỗ ảo của các DN FDI. Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Bộ giao chỉ tiêu ngành thuế phải thanh tra 3% và kiểm tra 20% số DN địa phương quản lý. Các DN cần phải thanh tra là có số lỗ ba năm, rồi hai năm và một năm.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nếu chứng minh được những DN nào chuyển giá thì nhanh chóng có biện pháp nhắc nhở, truy thu. Còn những DN nào lỗ quá và không có khả năng chi trả thì lúc đó mới cần dùng đến biện pháp đóng cửa. Bởi vì ở đây, DN chuyển giá như thế nào mà lỗ nhưng vẫn hoạt động, tức là sống được. Như vậy, các cơ quan chức năng nên dùng các biện pháp nghiệp vụ để xem xét sổ sách để so sánh giá thế giới, giá khu vực. Để có thể làm được tốt thì nên làm thí điểm một số DN lỗ rõ ràng quá.
“Bây giờ thì thấy rõ nhiều DN FDI chuyển từ sản xuất sang phân phối như Sony, Canon. Do vậy đã đến lúc chúng ta phải có tổng kết đánh giá cụ thể tình hình đầu tư nước ngoài để có biện pháp đồng bộ dù có thể gây xáo động đến môi trường kinh doanh nhưng cái được lớn nhất là việc làm này sẽ mang lại công bằng cho tất cả DN đang kinh doanh ở Việt Nam dù trong nước hay ngoài nước” - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định.
(Pháp luật TP HCM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com