Một trong những vấn đề phải tập trung ưu tiên giải quyết là vấn đề bội chi ngân sách, Chính phủ đã chủ trương trong một vài năm phải giảm bội chi xuống 5%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhấn mạnh điều này khi đề cập tới những ưu tiên hàng đầu trong điều hành của chính phủ năm nay.
Thứ trưởng nêu rõ, trong năm 2011, bội chi ngân sách được đặt mục tiêu đưa xuống mức 5,3%, năm 2012 về dưới 5%; và đến năm 2015 theo Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế 5 năm giai đoạn 2011-2015 thì bội chi ngân sách còn khoảng 4,5% và đặc biệt tính tới việc giám sát, quản lý chặt chẽ với nợ công.
Nợ công năm 2010 là khoảng 56% GDP, trong đó phần lớn là nợ từ ODA, tức là nợ dài hạn với thời gian ân hạn 30 năm, lãi suất 1%. Việt Nam không vay vốn thương mại, vì vậy điều này rất có lợi cho phát triển kinh tế, thương mại. Theo đánh giá của chuyên gia World Bank, nợ công của Việt Nam là bền vững, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung giám sát vấn đề vay - trả nợ, bằng việc tính toán, phân loại theo cơ cấu nợ như vay ODA, thương mại và vay với lãi suất cao để từ đó xác định lộ trình trả nợ của từng dự án.
Cuối năm 2010, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ cho Việt Nam lên tới 7,9 tỉ USD, thể hiện sự đánh giá cao của nhà tài trợ trước những kế hoạch phát triển kinh tế trong 5 và 10 năm tới của Việt Nam. Ngay trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi như hiện nay, các nhà tài trợ vẫn cam kết cho Việt Nam vay, chẳng hạn Ailen vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong năm 2011, đó là do Việt Nam đã có những cam kết về sử dụng hiệu quả vốn ODA như thúc đẩy giải ngân hiệu quả, đúng đối tượng...
Chính phủ đã thành lập tổ công tác ODA thường xuyên làm việc với ngân hàng và đối tác như WB, ADB, Hàn Quốc, Đức... để xem xét quá trình giải ngân. Hàng tháng, sẽ đưa ra danh sách đen, tức là dự án khó giải ngân, để đưa ra phương án giải quyết, thúc đẩy quá trình giải ngân vốn. Đây là một kênh rất tốt để hỗ trợ Việt Nam giải quyết những điểm nút thắt trong nền kinh tế như vấn đề thể chế, nguồn nhân lực, và hạ tầng đô thị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng mục duy trì đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, tăng tính ổn định vĩ mô và kiềm chế không để lạm phát cao trở lại đã đạt được kết quả khả quan. Điều này được biểu hiện cụ thể như tăng trưởng kinh tế có khả năng đạt được là 6,7% trong năm, xuất khẩu tăng 24%, gấp 4 lần so với chỉ tiêu đầu năm đặt ra, luồng vốn đầu tư trong xã hội tiếp tục gia tăng...
Tuy nhiên, năm 2010 là năm rất đặc biệt. Bên cạnh những mặt thuận lợi thì thách thức và khó khăn là rất lớn. Những điểm nóng trong nền kinh tế đã bộc lộ như lạm phát trong năm 2010 cao trên hai con số, mức khá cao so với nhiều năm trở lại đây trừ 2008; vấn đề nợ công; bội chi ngân sách hay nhập siêu.... đã gây ảnh hưởng tới nền kinh tế chung của cả năm 2010.
Trên cơ sở này, Chính phủ đã trình Quốc hội chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 2011, trong đó tăng trưởng kinh tế vào khoảng 7-7,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010 với mức nhập siêu dưới 18% so với kim ngạch xuất khẩu, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%... Nhìn chung, mục tiêu tổng quát của cả năm 2011 là sẽ tiếp tục tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm bởi nếu không tăng được tính ổn định vĩ mô, không kiểm soát được lạm phát thì sẽ ảnh hưởng mạnh đến đời sống kinh tế vĩ mô.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhấn mạnh, năm 2011, vấn đề lạm phát sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong điều hành vĩ mô. Lạm phát trong năm 2010 có những dấu hiệu bất thường so với những năm trước, dư địa và tác động của nó sẽ tiếp tục được đẩy sang năm 2011. Với chỉ tiêu được đặt ra là kiềm chế lạm phát ở mức 7% sẽ là một thách thức lớn đối với Chính phủ. Đây sẽ là ưu tiên hàng đầu mà các lĩnh vực kinh tế cùng phải tập trung để có thể đạt được mục tiêu này.
Ở các nước trong khu vực, lạm phát của họ chỉ khoảng 4-5%. Còn ở Việt Nam, lạm phát 2010 cao là do tác động từ yếu tố bên ngoài, từ sự tăng giá của mặt hàng lương thực, thực phẩm và do yếu tố chủ động của Việt Nam như tăng một số loại phí cho giáo dục... Trong cơ cấu giá của Việt Nam hiện nay, mặt hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống chiếm khoảng 39%, đặc biệt trong 11 tháng đầu năm 2010, giá lương thực - thực phẩm đã đóng góp tới 50% sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng.
Bên cạnh đó, với tác động của giá cả bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, một quốc gia đang phải đương đầu với lạm phát cao, cũng có tác động mạnh tới Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cân nhắc tới việc can thiệp bằng điều hành chính sách kinh tế. Với những chính sách điều hành tiền tệ đúng, tạo lòng tin của người dân vào tiền đồng của Việt Nam sẽ làm giảm bớt gánh nặng lên lạm phát.
Ngoài ra, hiện nay có mâu thuẫn là khi lạm phát tăng thì mức lãi suất huy động trên thị trường sẽ tăng theo để khuyến khích người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng. Điều này sẽ đẩy lãi suất cho vay lên mức cao, khiến cho các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay hoặc có thể khiến cho vốn ngân hàng không chảy vào lĩnh vực sản xuất mà thay vào đó chảy vào kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản hay luẩn quẩn trong chính hệ thống giữa các ngân hàng.
Nhưng vấn đề đáng lưu tâm đó là phải giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định cân đối xuất nhập khẩu, cân đối giữa thu chi ngân sách, cân đối cán cân thanh toán quốc tế và cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng... phải được đặt lên bàn tính toán để có mối quan hệ liên ngành trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô chứ không chỉ tập trung trong một vấn đề nào, trong đó chính sách tài chính, tài khóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com